Bài 1: Lỏng lẻo trong quản lý đất đai, quản lý hành chính

24/04/2014 08:46

(Baonghean) - 3/5 địa phương cán đích trong công tác bàn giao mặt bằng Quốc lộ 1A đúng mốc 15/4 với chiều dài toàn tuyến đã bàn giao được là 73,3 km/73,8 km, đạt 99,3%. Kết quả đó là nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ, hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung của người dân. Tuy nhiên, qua giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, các địa phương cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, quản lý hành chính, việc phối hợp nhịp nhàng đồng bộ trong công tác tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện…

(Baonghean) - 3/5 địa phương cán đích trong công tác bàn giao mặt bằng Quốc lộ 1A đúng mốc 15/4 với chiều dài toàn tuyến đã bàn giao được là 73,3 km/73,8 km, đạt 99,3%. Kết quả đó là nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ, hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung của người dân. Tuy nhiên, qua giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, các địa phương cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, quản lý hành chính, việc phối hợp nhịp nhàng đồng bộ trong công tác tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện…

Hàng loạt sai phạm bắt nguồn từ sự lỏng lẻo, tắc trách trong quản lý đất đai của các cấp chính quyền (chủ yếu ở cấp xã) là vấn đề cần quan tâm trong công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến sự phức tạp trong việc xác định nguồn gốc đất đai, là cái cớ để một số hộ dân vin vào đó “bắt chẹt” chính quyền nhằm trục lợi. Thậm chí, một số người còn có các hành động ngăn cản không cho Hội đồng GPMB đo đạc kiểm kê áp giá, không chịu nhận hỗ trợ bồi thường để ký hồ sơ bàn giao mặt bằng, hoặc đã nhận tiền nhưng lại tái lấn chiếm, có những đòi hỏi về quyền lợi vượt quá quy định của Nhà nước… khiến công tác tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng gặp không ít khó khăn.

Điển hình là việc cấp bìa đỏ hàng loạt trong phạm vi chỉ giới PMU1 giai đoạn 1995 - 2000 diễn ra tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu…vi phạm quy hoạch quy định tại Điều 7, Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ (quy định mốc lộ giới thời điểm này là 20m tính từ chân mái đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào). Điều đáng trách là một số địa phương còn không lưu giữ được đầy đủ hồ sơ liên quan đến thủ tục đất đai qua các thời kỳ. Như ở Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) có tới 333/394 hộ được cấp bìa đỏ trong hành lang ATGT trong giai đoạn 1995 - 1999 nhưng cán bộ địa chính xã (công tác từ 1997 đến nay) chỉ đưa ra được hồ sơ của 17 bìa đất và hồn nhiên khẳng định “Tôi chỉ làm 17 bìa đã trừ chỉ giới hành lang ATGT đúng quy định”???

Nhà dân ở bất hợp pháp trước năm 1993 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất   ở phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai. (Ảnh chụp ngày 9/4/2014).
Nhà dân ở bất hợp pháp trước năm 1993 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất ở phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai. (Ảnh chụp ngày 9/4/2014).

Cũng như xã Quỳnh Văn, Quỳnh Giang có 172 hộ hiện có bìa đỏ được cấp phần diện tích trong hành lang mốc chỉ giới PMU1 (cấp nguyên thửa) và cho phép các hộ được sử dụng trên phần đất đó mà không ghi chú rõ đó là phần đất lưu không. Những bất cập trong quản lý đất đai của xã Quỳnh Giang đã dẫn tới đơn thư khiếu kiện của người dân nhất là tại khu vực Hè Lan và Đồng Lô khiến thanh tra huyện phải vào cuộc để thẩm tra, xác minh. Kết luận thanh tra số 1131/KL-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2012 của UBND huyện Quỳnh Lưu cho thấy: Ngày 15 tháng 3 năm 1992, UBND huyện Quỳnh Lưu có Thông báo số 05/TB/UB về việc cấp đất ở cho nhân dân năm 1992 - 1993 cho phép xã Quỳnh Giang cấp diện tích 6.800m2 đất ở, 800m2 đất giao thông nội đồng cho 40 hộ gia đình. UBND xã đã giao cho mỗi hộ 260m2 đất từ mép chân Quốc lộ 1A ra ruộng lúa (phía Đông), trong đó có 200m2 đất ở và 60m2 đất vườn. Chiều rộng mỗi lô 6,5m và chiều dài mỗi lô 40m.

Qua kiểm tra hồ sơ, sổ sách tại xã, những người có liên quan thì hiện tại xã Quỳnh Giang không lưu được hồ sơ giao đất, cấp đất của xã cho các hộ dân. Theo báo cáo của UBND xã thì mặt bằng phân lô do UBND xã lập không có phê duyệt của UBND huyện và hiện nay cũng đã mất, không lưu giữ được. Ở khu vực Đồng Lô cũng trong tình trạng tương tự. Như vậy, việc UBND xã Quỳnh Giang tự phân lô, vẽ mặt bằng cấp cho dân là trái thẩm quyền, vi phạm Điểm C, Khoản 4, Điều 13, Luật Đất đai năm 1998 và Khoản D, Điều 23, Luật Đất đai năm 1993 quy định “UBND huyện giao đất khu dân cư nông thôn cho nhân dân làm nhà ở theo kế hoạch đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương xét duyệt”. Thời điểm cấp đất cho các hộ dân vào năm 1990 - 1993, UBND xã giao đất từ mép chân đường phía Đông Quốc lộ 1A là vi phạm quy định tại Điều 7, Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ bởi mốc lộ giới thời điểm này là 20m tính từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào…

l Giấy chứng nhận QSD đất cấp năm 1996 của hộ ông Nguyễn Văn Thái xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cấp sát chân đường không trừ lưu không.
Giấy chứng nhận QSD đất cấp năm 1996 của hộ ông Nguyễn Văn Thái xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cấp sát chân đường không trừ lưu không.
l Giấy chứng nhận QSD đất cấp năm 1996 của hộ ông Nguyễn Văn Thái xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cấp sát chân đường không trừ lưu không.
Giấy chứng nhận QSD đất cấp năm 1996 của hộ ông Nguyễn Văn Thái xóm 6, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) cấp sát chân đường không trừ lưu không.

TIN LIÊN QUAN

Nhìn nhận về sự việc, ông Lê Xuân Trạch - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang thừa nhận: Đây là cái sai của một số cán bộ chính quyền và là bài học lớn trong công tác quản lý, lưu trữ các hồ sơ thủ tục đất đai.

Cũng vì sự tắc trách trong công tác quản lý đất đai dẫn tới hiện tượng bán, cấp đất, cho thuê mượn đất trái thẩm quyền như trường hợp xảy ra đối với 22 hộ dân Xí nghiệp gạch thuộc phường Mai Hùng (Thị xã Hoàng Mai). Đất mà họ đang ở trước đây là khu tập thể thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp gạch Trung Đô, nhưng sau đó xí nghiệp gạch đã tự ý phân lô trái thẩm quyền cho công nhân ở từ năm 1993 mà không có hồ sơ chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng chính quyền địa phương vẫn không có ý kiến gì, dẫn đến việc khi triển khai dự án nâng cấp mở rộng QL1A các hộ dân này yêu cầu bồi thường đất và tài sản trên đất. Hay như việc Nhà máy chè thuộc địa bàn xóm 14, xã Nghi Kim đã mượn đất của xã Nghi Kim từ năm 1987 cho các hộ dân tham gia kinh doanh dịch vụ, trải qua các thời kỳ các hộ dân này đã xây dựng nhà ở kiên cố, nay yêu cầu bồi thường 100% giá trị tài sản trên đất, làm khó cho chính quyền địa phương trong triển khai. Trường hợp 18 lều ốt xây dựng trên phạm vi chỉ giới PMU1 ở Nghi Yên (Nghi Lộc) và một số lều ốt ở Nghi Liên (Thành phố Vinh) cũng cùng một lý do tương tự gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Thực tế cho thấy đã có nhiều rắc rối nảy sinh bắt nguồn từ sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền sở tại. Như việc 18 hộ dân xây dựng trái phép trên phần đất phi nông nghiệp ở khối 10, Quỳnh Thiện (TX. Hoàng Mai). Theo lời ông Nguyễn Bá Sự - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Thiện thì lúc xảy ra sự việc (vào năm 2009) chính quyền địa phương đã có văn bản đình chỉ nhưng các hộ dân không chịu ký vào. Thế nhưng điều đáng nói là chính quyền đã không xử lý dứt điểm mà để tồn tại kéo dài từ đó đến nay dẫn đến “cái sảy nảy cái ung” gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A. Trong 18 hộ này có 6 hộ dân là công dân xóm 10 - Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu trước đây) năm 1987 di cư ra vùng đất này để khai hoang phục hóa, và sinh sống ổn định từ đó đến nay, mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai của mình, thậm chí nhiều hộ đến ở sau với hình thức mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ mà chỉ bằng giấy viết tay. Đến nay họ yêu cầu được bố trí TĐC hoặc được bồi thường theo diện tích đất vườn thì chính quyền “không có cơ sở để phê duyệt”.

Cũng ở phường Quỳnh Thiện thuộc địa bàn khối 6 còn xảy ra trường hợp các hộ dân mua đất, xây nhà sống ổn định ở mặt đường Quốc lộ 1A từ năm 1998 đến nay vẫn chưa có sổ đỏ. Lý do người dân đưa ra là vì “trước đây chúng tôi mua đất chỉ trừ lưu không 13,5m nhưng bây giờ chính quyền yêu cầu làm bìa đỏ phải trừ lưu không 27m diện tích đất bị thu hẹp lại nên chúng tôi không làm”. Vấn đề này ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Việc chuẩn hoá các thủ tục hành chính về đất đai, trong đó có việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân dọc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã là việc cần phải thực hiện trong thời gian tới, theo quy định, nếu hộ dân nào sau khi trừ lưu không mà diện tích đất ít hơn 50m2 thì được bố trí TĐC, nhưng để làm được điều đó cần phải có thời gian. Trước mắt chúng tôi tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu rõ các quy định trong Luật Đất đai và không xây dựng trái phép trên hành lang lưu không”.

Đi cùng với sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai là sự buông lỏng trong quản lý nhân khẩu, quản lý hành chính.Theo bà Hồ Thị Lan, 1 trong 6 hộ sinh sống tự phát, bất hợp pháp tại vùng đất phi nông nghiệp ở khối 10, phường Quỳnh Thiện (Thị xã Hoàng Mai” thì: “Chúng tôi đã sinh sống ở đây 4 thế hệ mà không thuộc quyền quản lý hành chính của địa phương nào, chỉ 2 năm trở lại đây chính quyền Quỳnh Thiện mới thu thuế đất phi nông nghiệp, còn các thủ tục liên quan đến hành chính như giấy khai sinh cho con cháu… đều về xã Quỳnh Lộc để được giải quyết”???.

Còn đối với 80 hộ dân “xóm đường một” thuộc xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu thì mặc dù đã sinh sống tại địa bàn hơn 20 năm nhưng xóm này vẫn chưa được lập địa giới hành chính. Thế nên mới có chuyện dù các hộ này ở liền kề nhau trên một cung đường nhưng hộ thì thuộc xóm 3, hộ xóm 9, hộ xóm 10. Đại diện chính quyền địa phương, ông Lê Hồng Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Diễn Trường giải thích rằng, do điều kiện để có thể thành lập một địa giới hành chính xóm đối với các huyện vùng đồng bằng cần phải có từ 200 hộ dân sinh sống trở lên. Ngoài ra còn cần rất nhiều điều kiện khác mà hiện “xóm đường một” chưa hội tụ đủ, cộng thêm thủ tục thành lập xóm rườm rà qua nhiều khâu nên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thành lập được xóm. Thế mới có chuyện một số hộ dù đã sinh sống ở “xóm đường một” nhưng vẫn thuộc quản lý hành chính của xóm cũ, còn các hộ là công dân từ địa bàn khác sau khi nhập hộ khẩu vào Diễn Trường thì được “sinh hoạt ghép” tại các xóm liền kề”.

20 năm qua chính quyền địa phương vẫn mặc nhiên để tình trạng trên tồn tại, mặc dù biết rõ sự phức tạp, tạm bợ trên đã gây khó khăn trong việc quản lý hồ sơ nhân khẩu và công tác tuyên truyền vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các hộ dân “xóm đường một”. Và điều này đã thể hiện rõ trong việc bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A.

Để gỡ rối cho những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do hệ lụy từ việc buông lỏng trong công tác quản lý đất đai khi mốc cam kết bàn giao đã cận kề, UBND tỉnh đã phải ra Thông báo số 147/TB.UBND-GT ngày 3/4/2014, trong đó đưa ra những hướng giải quyết cụ thể như: Đồng ý bồi thường, hỗ trợ đất vườn trong cùng thửa đất (trừ diện tích hành lang chỉ giới PMU1) đối với 22 hộ phường Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai do Xí nghiệp gạch cấp đất trái thẩm quyền; đối với các trường hợp UBND huyện Quỳnh Lưu đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Giang nằm trong hành lang đã giải phóng tại Dự án PMU1 (cấp sai quy định) thì giao UBND huyện tổ chức thu hồi để cấp Giấy chứng nhận QSD đất đúng quy định; tuyên truyền vận động người dân bàn giao mặt bằng. Sau khi bàn giao kiểm tra nếu có quyết định đầy đủ hóa đơn, chứng từ người dân nộp tiền mua đất trước đây thì hoàn trả lại cho các hộ dân số tiền đã nộp tương ứng với phần diện tích đất nói trên và tiền lãi suất tính từ thời điểm nộp tiền.

Qua đây, chính quyền các cấp cần rút ra bài học trong quản lý đất đai, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc cấp, quản lý đất đai dẫn đến những sai sót trước đây, cho dù đó là “thời kỳ quá độ”. Và chính quyền hiện nay không thể đổ lỗi cho chính quyền thời kỳ trước để trốn tránh trách nhiệm hay xử lý theo kiểu tặc lưỡi, để rồi “sai lại chồng lên sai”. Ví như việc những hộ dân được cấp bìa đỏ sát chân đường thì chính quyền hiện nay không nên để đến lúc có dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A mới giải quyết hậu quả bằng cách cấp lại sơ đồ hiện trạng, thu hồi và cấp lại bìa mới đúng quy định theo Luật Đất đai hiện hành. Và, phải thực hiện động tác bất đắc dĩ để giải quyết tình thế “nóng mặt bằng”, bằng cách hoàn trả tiền mua đất cả gốc lẫn lãi cho các hộ dân có Giấy chứng nhận QSDĐ gồm cả phần diện tích hành lang.

Trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng còn có nguyên nhân từ việc thiếu quyết liệt, nhịp nhàng, thiếu sâu sát trong việc nắm bắt nhận định tình hình, sự vào cuộc thiếu đồng bộ trong vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền. Bởi công tác GPMB được triển khai từ đầu năm 2012, nhưng một số địa phương đến cuối 2013 vẫn đủng đỉnh, vẫn chưa vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ.

Đến thời điểm nước rút sau khi có Thông báo 147 thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, hầu hết các địa phương mới đồng loạt triển khai các tổ công tác bám ngày, bám đêm để thực hiện việc tuyên truyền vận động. Điển hình là tại xã Quỳnh Giang - Quỳnh Lưu, Quỳnh Thiện - Hoàng Mai, Nghi Long - Nghi Lộc đến thời điểm nước rút tại địa bàn xã mới thành lập các tổ công tác rà soát, phân loại đối tượng để vận động, đồng thời giải thích các chủ trương, chính sách cho các trường hợp cá biệt cố tình đòi hỏi yêu cầu những văn bản, hồ sơ thủ tục pháp lý nhằm làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng. Nếu công tác này được thực hiện ngay từ khi có công văn của UBND tỉnh yêu cầu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ vào 31/3 đối với mặt bằng không bố trí TĐC và 30/4 đối với những mặt bằng phải bố trí TĐC thì chính quyền các cấp không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” vào từng hộ cá biệt vận động, tuyên truyền như trong thời gian qua.

Bài học rút ra là đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Bởi từ thực tế công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A cho thấy để giải quyết những hệ lụy từ “một thời ấu trĩ cùng hưởng lợi” không những gây không ít khó khăn, phức tạp trong việc vận động, tuyên truyền để nhân dân chấp hành các chủ trương chính sách của Nhà nước mà còn gây những hệ quả khó đong đếm. Đó là việc mất niềm tin trong quần chúng nhân dân vào chính cấp ủy, chính quyền, mất niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vì vậy, nên chăng điều gì đang bất cập trong công tác quản lý đất đai, quản lý thủ tục hành chính cần được rà soát, giải quyết dứt điểm, không đợi khi có dự án mới cuống cuồng xin cơ chế, vận dụng chính sách, đi tắt đón đầu, linh hoạt sáng tạo, để giải quyết việc “lịch sử để lại”. Và để giải quyết những bất cập tận gốc rễ, điều quan trọng nhất trong lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý hành chính phải chọn đúng người, giao đúng việc; đào tạo được những cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý đất đai, hành chính vừa hồng, vừa chuyên, vừa có tâm, vừa có tầm, nhất là đối với cán bộ địa chính cấp xã chứ không nên bố trí theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai”.

* Theo tổng hợp, đến cuối ngày 23/4, 47/59 hộ còn lại ở Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) đã bàn giao mặt bằng. Như vậy, đến nay Quỳnh Lưu chỉ còn 0,1 km/12,25 km chiều dài tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện chưa được bàn giao mặt bằng. Dự tính 12 hộ còn lại sẽ bàn giao mặt bằng trong hôm nay (24/4).

* Tại Diễn Châu cũng chỉ còn 100m chiều dài đi qua 7 hộ dân ở xã Diễn Ngọc và 6 hộ dân ở xã Diễn Hồng. Hiện Hội đồng bồi thường GPMB đang nhanh chóng giải quyết đơn thư khiếu nại của các hộ dân về yêu cầu đòi thường đất trong phạm vi chỉ giới PMU1; đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động để các hộ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

P.V

Nhóm P.V