Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Cần giải pháp đồng bộ
(Baonghean) - Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để tương xứng với tiềm năng cũng như tạo hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, cần rất nhiều cách làm và biện pháp hiệu quả hơn.
(Baonghean) - Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để tương xứng với tiềm năng cũng như tạo hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, cần rất nhiều cách làm và biện pháp hiệu quả hơn.
Hướng đi đúng nhưng còn chậm
Hưng Nguyên có 3 vùng kinh tế rất rõ rệt trong phát triển các loại cây nông nghiệp là: vùng đất đồi, đất lúa và đất bãi. Những năm qua, chủ trương và hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện được thể hiện rõ nhất ở vùng kinh tế bãi ven sông. Trước đây, diện tích đất đai màu mỡ này chủ yếu trồng ngô, đậu đỗ các loại. Mấy năm gần đây, huyện đưa vào khai thác theo hướng trồng lạc vụ xuân, sau đó trồng ớt cay, rau, cà rốt, đặc biệt những vùng có điều kiện thâm canh sẽ tập trung vào trồng ớt cay xuất khẩu theo các hợp đồng ký với doanh nghiệp, theo đó nông dân sẽ được cung cấp, hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo bao tiêu sản phẩm.
Cây rau màu đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân huyện Diễn Châu. Ảnh: Ngọc Anh |
Để phát huy hiệu quả kinh tế vùng đất này, Hưng Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế vùng bãi đến năm 2020, trong đó xác định rõ hướng cơ cấu, chuyển toàn bộ hơn 1.000 ha đất vùng bãi sang trồng rau và thực phẩm xuất khẩu. Trong đó ngoài 350 ha rau các loại, số diện tích còn lại sẽ chuyên sản xuất cây gia vị. Huyện hỗ trợ 30% giá trị công trình để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đường điện, thủy lợi tưới tiêu…“Theo nội dung được xác định rõ trong đề án, đến năm 2015, số tiền từ ngân sách huyện nhằm đầu tư cho phát triển kinh tế vùng bãi là 4,6 tỷ đồng và đến năm 2020 là 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể phát triển, khai thác hết tiềm năng của vùng đất này, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng trong hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường điện, giao thông và đặc biệt là thủy lợi, chưa đầu tư xây dựng để nhân rộng các mô hình vùng bãi. Các doanh nghiệp chủ yếu bán giống và phân bón, chứ chưa phối hợp nhiều với địa phương và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” - ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện trăn trở.
Còn tại huyện Yên Thành, những năm 2006 - 2007, huyện có trên 5 nghìn ha ngô đông, thế nhưng những năm gần đây, diện tích cây ngô đông của huyện dần “co” lại và hiện chỉ còn trên 2.000 ha, trong khi thực tế sản phẩm ngô hạt đang có nhu cầu rất lớn, trong khi sản lượng sản xuất ra không đủ, các nhà máy sản xuất thức ăn trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải nhập ngô từ nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Dương- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Chúng tôi đang chủ trương mở rộng diện tích cây ngô đông. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như rau màu, đậu đỗ, mía và đặc biệt là xây dựng hẳn một đề án riêng về phát triển sản xuất nấm nhằm tăng giá trị thu nhập cho người dân, chứ không chỉ chú trọng vào phát triển cây lúa nước như trước đây. Theo đó, ở những diện tích đất sâu, Yên Thành chuyển sang nuôi cá - lúa kết hợp; các loại cây màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn cũng thay thế cho cây lúa ở những diện tích đất cao, không chủ động nước...
Với trên 180 nghìn ha sản xuất lúa/năm, hiện nay Nghệ An có sản lượng thóc hàng năm đạt trên 900 nghìn - 1 triệu tấn, với nhu cầu lương thực hàng năm chỉ khoảng 800 - 850 nghìn tấn lúa, lượng thóc dư thừa trong dân ngày càng lớn. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn khá nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, chủ yếu tập trung ở các vùng trung du, miền núi thấp và cả những diện tích đất thấp trũng, sản xuất bấp bênh ở đồng bằng. Trước tình hình đó, những năm qua, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cả ở những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, cả ở những diện tích đất đai màu mỡ nhưng có cơ cấu cây trồng chưa phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng với tiềm năng. Trong đó, ngô được coi là một trong những loại cây trồng được ưu tiên hàng đầu. Đây là loại cây trồng có năng suất khá ổn định, có thể đạt từ 9 - 10 tấn/ha, đặc biệt là thị trường tiêu thụ rất dễ và ổn định.
Hiện nay nhiều địa phương đã dần chuyển những loại cây trồng kém hiệu quả và bấp bênh hơn sang trồng ngô, điển hình như huyện Nghi Lộc ở vụ xuân vừa qua. Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: Huyện đã thu hẹp dần diện tích trồng cây lạc để chuyển sang trồng ngô. Thực tế cho thấy đây là một hướng đi đúng khi cây lạc vụ xuân của Nghi Lộc đã bị thiệt hại và giảm năng suất nặng nề do nắng hạn, tiêu thụ khó khăn thì ngô lại rất được mùa, tiêu thụ nhanh và được giá. Ngoài Nghi Lộc, ở hầu hết các địa phương cũng đã chuyển đổi, mở rộng diện tích các loại cây trồng khác như: mía, lạc, rau màu các loại...
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên những vùng chuyên canh trồng lạc, màu ở Diễn Châu, Nghi Lộc từ đất lúa vãi, hay các vùng trồng cây nguyên liệu tập trung mía, dứa. Ngoài ra, ở các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc…có những diện tích chỉ trồng một vụ lúa xuân, sau đó chuyển qua là rau màu, dưa hấu… đem lại giá trị kinh tế rất cao, gấp mấy lần trồng lúa; ngoài ra những vùng chuyên canh rau màu, dưa ở Nghi Lộc, Quỳnh Lưu cho thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/ha…
Cần chuyển đổi đồng bộ
Tuy nhiên, nhìn nhận lại một cách khách quan, kết quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh ta vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Diện tích cây ngô vẫn còn ít, hiện tại toàn tỉnh mới có trên 10 nghìn ha cả ngô, đậu tương và rau màu vụ đông, trong khi với khoảng 55 nghìn ha đất lúa hè thu và trên 30 nghìn ha đất lúa mùa, nếu làm tốt, chúng ta có thể bố trí khoảng 25 nghìn ha sản xuất vụ đông, đem lại nguồn thu rất lớn. Các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao khác, hoặc diện tích còn khiêm tốn, hoặc trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN & PTNT, thẳng thắn: Ngoài một số vùng chuyển đổi tập trung, thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và có tính “cục bộ” của từng địa phương, từng thời kỳ, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, đồng thời kéo theo nhiều vấn đề bất cập. Rõ nhất là các địa phương vẫn chưa thực sự xác định được các loại cây con chủ lực, từ đó tập trung sản xuất ở từng vùng nhất định để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung nhằm tạo điều kiện cho bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Như vậy, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng với tiềm năng của tỉnh, trước hết, Nghệ An cần xác định rõ một quy hoạch tổng thể của cả tỉnh, trong đó xác định trọng tâm sản xuất của từng vùng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường. Từng huyện sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể, có quy hoạch riêng của mình một cách chi tiết, từ đó có sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo vùng sản xuất tập trung để có thể áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo khối lượng sản phẩm lớn thuận lợi cho chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng như đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong thu mua.
Đồng thời, khi đã có quy hoạch cụ thể và chuyển đổi được theo quy hoạch, chúng ta cần có các chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các lò sấy, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi ngay tại những vùng sản xuất tập trung này nhằm đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong quy hoạch, nhất thiết phải gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng ế thừa sản phẩm. Đồng thời, có các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo khâu vệ sinh ATTP để có thể đưa được sản phẩm nông sản của chúng ta vươn tới được những thị trường bên ngoài, đặc biệt là những thị trường được coi là “khó tính”, từ đó mới có thể nâng cao được giá trị sản xuất. Và điều cốt yếu nhất, đó là phải có các cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp vào tham gia liên kết, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp.
Phú Hương