Chuyến tàu cuối năm
Tàu chầm chậm rời thành phố, hướng ra Thủ đô. Chuyến tàu cuối năm đông hơn lệ thường, và không khí cũng có vẻ náo nức, rộn ràng hơn hẳn. Những cánh tay vẫy vẫy, những nhắn nhủ, dặn dò, những bùi ngùi, tiễn biệt… khiến cho người đi xa và người ở lại trĩu nặng nhớ thương.
(Baonghean) - Tàu chầm chậm rời thành phố, hướng ra Thủ đô. Chuyến tàu cuối năm đông hơn lệ thường, và không khí cũng có vẻ náo nức, rộn ràng hơn hẳn. Những cánh tay vẫy vẫy, những nhắn nhủ, dặn dò, những bùi ngùi, tiễn biệt… khiến cho người đi xa và người ở lại trĩu nặng nhớ thương.
Bài hát “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, qua sự thể hiện của NSND Thanh Hoa, nghe đã không biết bao lần, nhưng hay nhất, vẫn là nghe trên những chuyến tàu. Giai điệu tha thiết, rạo rực, lẫn vào tiếng gió, tiếng rầm rập của đoàn tàu, để lại bao cảm xúc tự hào, sâu lắng, và tưởng như ta đang được thăng hoa cùng những vinh quang của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, chiều rộng không gian, chiều sâu văn hóa. Chuyến tàu mang theo những mệt nhọc mà vẻ vang của nhân dân những năm tháng phá núi, mở đường; những hiểm nguy ngày chiến tranh mưa bom, bão đạn; những gian khó ngay cả khi đất nước đã thanh bình…
Những chuyến đi xa, tôi thường chọn tàu hỏa. Không đơn thuần vì nó dễ chịu hơn, thuận tiện hơn, an toàn hơn. Mà còn vì những khoảnh khắc suy tưởng mà tôi có được trên những chuyến tàu. Con tàu lao vun vút giữa cánh đồng, cheo leo trên những triền núi, thong thả trên những cây cầu bắc giữa dòng sông, xuyên mình trong lòng thành phố… Mỗi nơi tàu đi qua, dường như còn đem theo cả một chút không khí, hương vị của vùng đất, lưu luyến lại trên mỗi toa tàu. Ai cũng dõi theo từng chặng đường của đoàn tàu trên hành trình Nam - Bắc. Mỗi vùng quê có một đặc sản riêng, và thật thú khi mua chúng làm quà cho bạn bè thân thích. Bánh cốm Hà Nội; nem chua Thanh Hóa; cu-đơ, bánh đa xứ Nghệ; mè xửng Huế; mắm ruốc Đà Nẵng; đường phổi, mạch nha Quảng Ngãi… Chỉ thưởng thức một chút xíu thôi, cũng đủ để say mê, quyến luyến, và mong có dịp được dừng chân.
Con tàu Thống Nhất chỉ dừng nghỉ dăm bảy phút ở mỗi ga, rồi lại từ từ lăn bánh. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, với nhiều người, đã kéo theo cả một thế giới hồi ức trở lại. Với những người lính già nhớ vùng đất từng hành quân; con đường khi xưa bom đạn ngổn ngang, họ đã lặng lẽ để bạn nằm vào lòng đất mẹ, còn mình nén thương đau, tiếp tục sinh tồn; với những người trẻ, họ băn khoăn không biết sau những rủi may của số phận, mảnh đất nào sẽ gắn bó đời mình; với những em bé, ánh mắt xoe tròn, ngơ ngác, bám níu vai mẹ, chỉ trỏ, kiếm tìm. Đây mới chỉ là chuyến hành trình đầu tiên của em, còn biết bao những chuyến tàu đang chờ em phía trước… Chuyến tàu chở theo những ký ức và cả những mơ ước, khát vọng; niềm tin và sự lạc quan. Chuyến tàu cũng giống như cuộc đời, bao giờ cũng nỗ lực tiến về phía trước. Trên hành trình ấy, có những nhanh chậm, những thăng trầm, có lúc phải dừng lại, nhưng sau đó, như được tiếp sức, nó mạnh mẽ đi tiếp.
Khoảng thời gian ngồi trên tàu là lúc lắng đọng nhất những trăn trở, nghĩ suy, không chỉ về cuộc đời riêng của mình, mà còn về muôn nẻo những mối quan hệ khác: với gia đình, với bè bạn, với quê hương, với dân tộc… Những người - ta chưa từng gặp bao giờ, nay ngồi cùng trên một chuyến tàu, và liệu còn có bao giờ được gặp lại? Những câu chuyện ta được nghe họ kể, hay nghe loáng thoáng họ nói chuyện với nhau, khiến cho ta thấy mỗi người có một số phận của riêng mình. Người bà oằn lưng bế cháu ngủ trên chặng đường từ Tuy Hòa ra Nam Định, bảo: Đưa cháu vào chơi bố mẹ nó một tháng, giờ phải về; chia tay, bố mẹ khóc, con khóc, bà cũng sụt sùi, nhưng biết làm sao.
Bố mẹ làm công nhân khu công nghiệp, đang phải thuê trọ. Để có thể quần quật kiếm sống, đẻ con được 8 tháng phải gửi về bà…. Còn cậu thanh niên ngồi đối diện thì ra Hà Nội tìm việc làm. Quê Quảng Bình, sau mấy trận lũ lụt liên tiếp, nhà tiêu điều, xơ xác. Ba đứa em còn tuổi ăn học. “Biết là năm hết, Tết đến, nhưng vẫn phải đi. Em nghe đâu làm thêm dịp Tết sẽ được trả nhiều tiền”… Những câu chuyện trĩu nặng lòng người nghe biết bao thương cảm. Là những người xa lạ, nhưng trên cùng một đất nước, chung nòi giống Tiên Rồng, những chia sẻ, đồng cảm dễ đến với nhau hơn. Những câu chuyện ấy vừa hé lộ đời sống riêng, vừa mở ra những lo toan chung mà nhiều người dân, đó đây, còn đang phải đối mặt. Và rõ ràng là, chỉ khi có sự chung tay, chung sức từ cộng đồng, nhiều người nghèo mới mong được đổi phận.
Chuyến tàu, với nhịp độ của nó, với không khí mà nó đưa lại, dường như đã vợi bớt những lo toan. Hay phải chăng, mùa Xuân đã gõ cửa chuyến tàu trước, rồi mới đến từng nhà, từng phố? Sau những trăn trở, gương mặt ai cũng bừng rạng. Họ nói về ngày Tết quê mình, về ngày mai. Cô gái ngồi cạnh tôi, đang trên đường ra thăm người yêu là lính hải quân ở Hải Phòng. Anh phải trực Tết. Cô ra thăm anh sớm, để về còn lo chuyện sắm sanh, nhà cửa. Trong hành lý của cô, có một bó hoa ly to, sắc trắng - vàng rực rỡ, cô bảo “là của vườn nhà”…
Song Nguyên