Nụ cười và câu chuyện "làm" du lịch

24/04/2014 18:43

(Baonghean) - Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam, vừa diễn ra vào đầu tháng 4 này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có một phát biểu đầy hình ảnh: “Một nụ cười cũng là tham gia làm du lịch. Những nỗ lực để duy trì phát huy làng nghề truyền thống, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa cũng là tham gia phát triển du lịch. Một nỗ lực nhặt mảnh rác ở đường hay không vứt mảnh rác trong tay ra đường thì cũng có nghĩa là chúng ta tham gia phát triển văn hóa Việt Nam, phát triển du lịch”. Như một nhắc nhở, Phó Thủ tướng đã phát đi thông điệp rằng, không thể khác, văn hoá chính là nội dung, là bản chất của du lịch Việt Nam, cần phải hướng đến!

Một số gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2014. Ảnh: TITC
Một số gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2014. Ảnh: TITC

Từng được mệnh danh là ngành “công nghiệp không ống khói”, nhiều thập kỷ qua, du lịch đã là cánh cửa thần kỳ, mở ra cho nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ là nguồn lợi khổng lồ về tài chính mà quan trọng hơn đó là nơi để giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa ra với bầu bạn năm châu. Ở chiều ngược lại, nó cũng là cơ hội để tiếp nhận một cách có chọn lọc những giá trị từ văn hóa nhân loại. Du lịch còn được coi như là môi trường giao lưu, giao thoa và làm sống dậy các giá trị văn hoá dân tộc.

Cho dù Phó Thủ tướng chưa đề cập một cách trực diện, không quá khó để chúng ta có thể nhận ra những băn khoăn của ông trước thực trạng của ngành Du lịch nước nhà. Tất nhiên, du lịch Việt Nam quả là còn nhiều chuyện đáng bàn. Cái con số được xem “cay” nhất là 85% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều “một đi không trở lại”! Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái lan, Singapore, hay Indonesia… tỷ lệ này có khi trên 50%.

Nguyên nhân từ đâu? Phải chăng đó là cái giá chúng ta phải trả cho một kiểu du lịch “ăn xổi” đã trở thành quen thói lâu nay? Mài đi mài lại, thậm chí vắt kiệt sức những sản phẩm du lịch đơn điệu, nghèo nàn… Bao nhiêu năm nay vẫn chỉ là tìm cách “phỉnh” du khách đến Vịnh Hạ Long, Sa Pa hay Đà Lạt? Nạn chặt chém, lừa lọc, chèo kéo càng phê phán càng “trơ”. Chuyện du khách mất tiền triệu cho dăm cây số taxi, trả trăm ngàn cho vài chai nước lọc phải chăng đã trực tiếp “đuổi” khách một cách cực kỳ thô bạo nhưng lại rất “hiệu quả”! Chuyện này nào lạ lẫm gì, đâu cũng có, đâu cũng nói, nhưng đâu vẫn hoàn đấy!

Du lịch là một nhu cầu có tính xã hội, được hình thành nhờ sự kết hợp hữu cơ giữa 3 yếu tố: người du lịch, tài nguyên du lịch và môi giới du lịch. Vậy thì ngoài cái tài nguyên hiện hữu lâu nay chúng ta miệt mài khai thác, liệu còn điều gì chưa được coi trọng? Câu trả lời chắc không nằm ngoài những thông điệp mà Phó Thủ tướng đã gửi gắm trong lời phát biểu của mình – một nụ cười cũng là tham gia làm du lịch! Câu hỏi đặt ra là nụ ai cười? Thiết nghĩ, chắc nó không đơn giản là cái cười xã giao thường trực treo trên môi ngành Du lịch. Dù xét ở góc độ văn hóa vật chất hay văn hóa tinh thần, dù chiếu từ thời gian hay không gian thì văn hóa vẫn là tài nguyên độc đáo của du lịch.

Để làm nên không phải trách nhiệm của một riêng ai, không riêng một địa danh hay thời điểm nào. Chính cái môi trường văn hóa lành mạnh, những nụ cười thân thiện, tình cảm và sự chân thành của mỗi một con người mới là quyền năng níu chân du khách. Thành công từ Fetival Huế, hay hội thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng những năm qua đã phần nào chứng minh điều ấy. Sứ mệnh của du lịch cũng không chỉ để kiếm tiền mà cao hơn thế, rộng hơn thế, xa hơn thế rất nhiều. “Nhặt mảnh rác trên đường hay không vứt mảnh rác trong tay ra…” chắc chưa từng là thói quen của người Việt? Khi chúng ta vẫn coi việc xả rác xuống đường như một thói quen hiển nhiên, hay nhặt mảnh rác trên đường như một hành động “xa xỉ” thì tất nhiên mọi nỗ lực khác cũng dễ dẫn đến vô nghĩa.

Chúng ta từng tự hào được sống trong đất nước có tiềm năng du lịch. Một quốc gia ổn định về chính trị trải dài theo bờ biển với những bãi tắm được xếp vào hàng đẹp nhất hành tinh. Chúng ta cũng có nhiều di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa của nhân loại. Một đất nước có bề dày truyền thống với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa… từ Việt Nam du khách có thể dễ dàng đến với các nước trong hành trình khám phá của mình. Lợi thế là vậy, lợi thế nhiều nhưng sao vẫn mãi chưa thóat ra khỏi hai chữ "tiềm năng"?

Du lịch cũng là một thị trường, mà thị trường thì phải bán cái người ta cần chứ không phải “ủi” cho người ta cái mình có. Quả thật khó cho chúng ta sải bước ra biển lớn, ngửng đầu lên trời cao nếu mãi cứ luẩn quẩn bên cái thứ du lịch chèo kéo. Có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý cần có cái nhìn tỉnh táo và bao quát thực sự để không bao giờ lạc lối giữa thị trường du lịch thô mộc và phân mảnh này nữa chăng?

Nguyễn Khắc An