Làng thang tre

10/08/2014 10:28

(Baonghean) - Người dân xóm 6, xã Nghi Liên (Thành phố Vinh) trước đây nhà nhà làm thang tre. Nhưng giờ đây, phần lớn thợ làm thang chuyển nghề, làng chỉ còn khoảng chục hộ bám trụ...

Ông Lam (xóm 6, Nghi Liên) đưa thang đi bán.
Ông Lam (xóm 6, Nghi Liên) đưa thang đi bán.

Tình cờ gặp người đàn ông có dáng người gầy, chân tay đen nhẻm, hì hục đẩy chiếc xe đạp cà tàng với gần chục chiếc thang bắc ngang dưới trời nắng nóng, trên ghi đông xe treo lủng lẳng bình nước, chiếc khăn cũ lau mồ hôi. Tò mò, “bắt quen” với ông, tôi được dẫn về xóm 6, xã Nghi Liên, “quê gốc” của những chiếc thang tre…

Người đàn ông tôi gặp trên đường hôm ấy là ông Võ Đình Lam, 55 tuổi, xóm 6, Nghi Liên. Tôi đến, khi ông đang say sưa đẽo, vót tre để làm thang. Nhận ra tôi, ông cười tươi bảo: "Chân tay người thợ thang khi mô cũng đen nhẻm. Tre cong, phải đốt qua lửa để uốn cho thẳng, những cây tre tuy cong nhưng già tre, tốt lắm, mình chịu khó đốt, uốn, mất công, khó nhọc, bù lại là cây thang chắc...". Ông Lam cho biết thêm: Đến ông là đời thứ ba làm thang. Lên 10 tuổi, ông Lam đã theo ông nội chọn tre, làm thang, ngày đó, tre ở Nghi Liên nhiều. Người thợ làm thang có con mắt nhìn tre tinh tường. Chỉ cần nhìn vào gốc tre là biết cây nào tốt, có thể đem về làm thang được. Nhiều bận, những cây tre thẳng, to mập mạp nhưng ông nội cũng chỉ chọn cây tre cong, ông thắc mắc: "Sao ông không chọn tre thẳng hả ông?". Ông nội cười: “Tre cong nhưng già tre, khi về mình đốt nó sẽ thẳng lại”. Mùa đông cũng như mùa hè, người thợ làm thang tập trung hai bên đường làng, người uốn tre, người làm chân thang, người đục đẽo... Đàn ông chặt tre, đốt, uốn, phụ nữ đục tre, làm các bậc thang, rộn rã một góc quê. Bây giờ, tuy nghề thang không còn rộn ràng như xưa, nhưng những người còn gắn bó với nghề thang cũng có niềm vui riêng.

Ngày ngày, vợ chồng ông Lam rong ruổi đi mua tre, chủ yếu mua tre vườn. "Bây giờ không chỉ có thang tre mà thang I-nốc, người ta bán nhiều nên mình cũng phải chọn tre tốt, làm thang đẹp mới bán được. Người mua thang tre chủ yếu là thợ làm xây dựng. Làm thang tre, bình quân một ngày thu nhập trên dưới 150 nghìn đồng. Ở nông thôn, mức thu nhập như thế là cũng tốt rồi, còn làm ruộng, nghề phụ khác nữa. Người chịu khó đẩy thang đi bán thì giá cao hơn bán tại nhà. Người ta đến đặt thang cũng có, mua lẻ cũng có..., ông Lam tâm sự.

Hiện nay, ở xóm 6, có khoảng chục gia đình còn gắn bó với nghề làm thang. Như nhà anh Huệ, anh Huế nhờ nghề thang cũng đủ nuôi các con ăn học. Rồi trong làng có ông Phương, năm nay đã 74 tuổi, gắn bó với nghề nghề thang đến tận bây giờ, không phải chỉ vì miếng cơm, manh áo như xưa, mà ông yêu cái nghề ông cha mình một thời gắn bó. Một ngày, vừa làm, vừa nghỉ cũng hoàn thiện được 2 chiếc thang. Nghề làm thang có thú vui riêng, vợ chồng, ông, cháu lúc rảnh rỗi quây quần làm thang, khi nào mệt thì nghỉ, không bị bó buộc thời gian. Ông Phượng già rồi, không đem thang đi bán được thì bán cho người buôn thang. Khi tui còn sức khỏe, cũng như họ, đẩy thang đi bán khắp nơi. Nhiều vùng quê đã đi qua, người ta quen mặt, gặp bữa cơm mời vào dùng bữa. Vợ chồng ông Phượng nên duyên cũng từ bắt nguồn từ nghề làm thang ấy. Ở làng, nhiều nghề có thu nhập cao hơn, nhưng một số người vẫn gắn bó với nghề làm thang...

Tầm 4 giờ sáng, ông Lam cũng như những người thợ xóm 6, xã Nghi Liên lại buộc chục chiếc thang lên xe đạp, rồi đẩy đi bán, trên xe đạp người đi bán thang bao giờ cũng có một bình nước uống, nắm cơm vừng. Nghề làm thang có cái hay, hôm nay bán không hết, hôm sau bán tiếp, không sợ ế…

Thu Hương