Thanh Chương: Xác định hướng đi đúng để phát triển bền vững
(Baonghean.vn) - Chiều 7/4, đoàn công tác của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và UBND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Thanh Chương đánh giá hướng phát triển của huyện.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Thanh Chương là huyện miền núi thấp, diện tích hơn 1,1 triệu Km2 với 39 xã và 1 thị trấn. Dân số toàn huyện có khoảng 250 nghìn người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,09%, thu nhập bình quân đầu người là 17,5 triệu đồng. Về giao thông đi lại của huyện tương đối thuận lợi với 2 tuyến Quốc lộ chính là đường Hồ Chí Minh và QL46. Tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp chiếm 34,5%, công nghiệp, xây dựng chiếm 27,4%; dịch vụ chiếm 38,1%. Tuy nhiên, huyện Thanh Chương đang gặp phải những khó khăn cơ bản như chưa có hướng đi bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với các xí nghiệp chè hoạt động không hiệu quả, hoạt động còn yếu. Bên cạnh đó, nhiều lao động thiếu việc làm, nhận thức, tư duy sản xuất của người dân còn hạn chế...
Lãnh đạo huyện Thanh Chương báo cáo tình hình của huyện |
Đối với cửa khẩu Thanh Thủy, hiện khu vực cửa khẩu đã xây dựng đường giao thông, có đồn biên phòng, tỉnh thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu. Ngày 14/6/2011, UBND tỉnh đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Cùng với đó, UBND tỉnh đã cho phép và phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị mới Thanh Thủy với tổng diện tích 270 ha, hiện đã thu hút được 2 dự án vào đầu tư.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền cho biết, đối với huyện Thanh Chương, tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy, dự án. Hiện nay, tỉnh đã có những bước đi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Đối với cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh xác định đây là một hướng phát triển mới và đang xúc tiến với Lào để nghiên cứu và thúc đẩy thực hiện từng bước lộ trình phù hơp.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, định hướng phát triển của Thanh Chương đến nay là chưa rõ ràng. Về các hoạt động sản xuất nông nghiệp đều manh mún, không bền vững. Đối với công nghiệp, huyện mới chỉ có một số dự án nhỏ và sẽ khó thu hút các dự án lớn. Bài toán của Thanh Chương là phải xác định lựa chọn cây gì, con gì và giải quyết các bài toán con giống, đầu ra và gắn với liên kết với doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực rừng, huyện cần đánh giá lại giá trị của rừng để có hướng thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy, nhưng phải đặt trong quy hoạch tổng thể chung của tỉnh.
Phạm Bằng