Niềm tin vĩnh hằng

13/07/2014 17:52

(Baonghean) - Trong cõi đời rộng lớn này, hầu như những nền tảng cơ bản mà loài người xác lập nên để tồn tại đều dựa trên sự tin yêu và tình thương. Nhưng trong đó, cội nguồn cho tất cả tình thương yêu, cũng được xem là cao cả nhất, đấy là tình thương yêu của bố mẹ dành cho con cái. Đây là niềm tin yêu luôn luôn, mãi mãi và vô điều kiện, cao cả và thánh thiện, hơn bất cứ giá trị nào khác trên đời. Bài viết "Nôbita của bố mẹ" của tác giả Hải Triều đăng trong trang 4 - 5 số Cuối tuần (6/7) là một bài viết xúc động về đề tài này.

Việc Hải Triều dùng tên nhân vật Nôbita trong bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản để làm tựa cho bài viết đã là một ý có chủ đích hướng tới tình thương yêu vô điều kiện đấy. Bởi, cậu chàng Nôbita, nhân vật chính trong truyện, luôn là một cậu bé hậu đậu và là một học sinh lười và... dốt. Như tác giả đã viết "Trong truyện Đôrêmon, bố mẹ Nôbita có lúc quở trách cậu con trai vừa lười vừa... dốt lại vừa yếu đuối của mình, ấy thế nhưng ta tuyệt nhiên không hề cảm thấy không khí nặng nề của sự thất vọng hay áp lực trong bộ truyện này.

Tại sao chúng ta lại yêu thích bộ truyện Đôrêmon đến vậy, có phải vì nhìn thấy một Nôbita đâu đó trong mỗi chúng ta, có thể yếu đuối, có thể khiếm khuyết nhưng vẫn là đứa con yêu quý của bố mẹ ta, phải không?". Cho dẫu Nôbita có thể có khiếm khuyết, thậm chí là nhiều đi chăng nữa, thì dưới ánh mắt của cha mẹ, cậu vẫn là một đứa con dại khờ cần phải được dạy bảo nhiều. Và bởi vậy, ta yêu thích bộ truyện này bởi lẽ, dường như chính ta đã tìm được hình bóng của chính mình qua những trang truyện tranh kia, dù còn nhiều điều đáng bị bố mẹ giận, nhưng vẫn là đứa con quý yêu, bé bỏng trong mắt bậc sinh thành, như có câu thơ đã nói "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con".

Thì đấy thôi, chính tác giả cũng là một Nôbita nào đấy trong câu chuyện của mình, khi người bố, "nhà phiên dịch tiếng Anh cấp xóm" dạy cho con bài hát nổi tiếng về tình yêu để nịnh mẹ. Nhờ được hàng xóm khen là "thần đồng tiếng Anh" nên mỗi khi có khách đã phải "ba chân bốn cẳng chạy về, vừa đến cổng đã rống lên "Đôn diu nâu ai lớp diu xâu..." (Don't you know I love you so). Làm thần đồng mệt hết cả hơi, khản cả cổ!". Đoạn văn này, ta đấy thấy hiện lên một chú Nôbita khờ khạo, đáng yêu hiện lên qua câu viết rất dí dỏm của tác giả với việc "mệt hết cả hơi, khản cả cổ" chỉ để được khen là "thần đồng tiếng Anh"

Mạch viết của tác giả bắt đầu chuyển màu sắc lên một cấp độ cao hơn của tình yêu thương mà người bố dành cho con, khi mà mỗi lúc "mình cặm cụi tự ngồi học đọc chữ với phần lời mở đầu của cuốn sách tô màu, rồi khi mình vào lớp 1 và được cô khen là sáng dạ,... bố mình vẫn giữ nguyên phản ứng ban đầu là cười tít mắt sung sướng và chạy đi khoe khắp nơi. Nhiều lúc mình được điểm 10 mà cứ như bố mới là người được tuyên dương trước lớp ấy, không hiểu ai mới là người trẻ con nhất nhà?". Tác giả tự hỏi "Không biết ai là người trẻ con hơn", nhưng người đọc hiểu rằng, chính tác giả mới là người biết rõ nhất, bởi như vậy, mới có thể viết ra được những dòng về tình yêu thương của bố mẹ dành cho con chan chứa và đẫm nặng ân tình đến vậy. Ta cũng thêm một lần lắng lại mà nghĩ về bố mẹ khi mỗi chút thành tích của con, mỗi việc tốt con làm được là như chính công của họ. Không tự hào sao được, không "chạy đi khoe khắp nơi sao được", khi đứa con là thành quả của yêu thương, của 9 tháng 10 ngày và biết bao chăm bẵm, bú mớm và cả một trời gửi gắm niềm thương vào đó.

Từ đây, tác giả Hải Triều đã đưa vấn đề vào một quỹ đạo cao hơn nữa, mang tầm nhận thức bao quát. Tác giả hiểu rằng, đó là cách bố thể hiện tình yêu thương, và có thể "tình yêu vốn dĩ chính nó là mù quáng". Thế nhưng, như tác giả phân tích rằng "Mù quáng bởi vì đi ngược lại với bản năng sinh tồn, tự bảo vệ của mỗi chúng ta. Mù quáng bởi vì ta sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ thứ mà ta yêu. Mù quáng bởi vì ta cứ cho đi mà không cần được đáp lại. Lý trí nói rằng ta mù quáng, trái tim lại nói rằng đó là tình yêu chân thành mà mãnh liệt, là thứ tình cảm tự nhiên nảy nở trong ta mà chẳng bao giờ ta chất vấn "Vì sao?". Ở đây, lại nhớ đến một câu nói đại ý "Có những điều, không thể giải thích được bằng lý trí nữa, mà chỉ có thể để trái tim lên tiếng".

Trong một phần câu chuyện của mình, tác giả có viết rằng "Em ạ, nếu vì một khiếm khuyết mà người ta ngừng tin yêu ai đó, thì chắc cả cái thế giới này chỉ còn hận thù và vô cảm mà thôi, bởi vì trên đời có ai hoàn hảo đâu em? Thất bại của em, nỗi buồn của em, bố mẹ sẽ buồn. Vì tin yêu và kỳ vọng nên mới buồn. Nhưng nỗi buồn chưa bao giờ là con dao giết chết được tình yêu". Hoàn toàn đồng ý với tác giả trong đoạn này. Bởi, người ta đã nói "Nhân vô thập toàn", con người không bao giờ hoàn hảo. Hơn thế nữa, niềm kỳ vọng bố mẹ dành cho con cái không bao giờ mất đi, mỗi lần con vấp ngã, bố mẹ lại đưa đôi cánh mềm nâng đỡ cho con đi tiếp, và rồi lại kỳ vọng, và không bao giờ nguôi kỳ vọng.

Trở lại với niềm tin, yêu cao thượng này, tác giả đã viết "Nếu như ngữ pháp tiếng Việt có chia động từ, mình cho rằng nên để động từ "tin", "yêu" ở dạng nguyên thể, bởi đó là hai thứ tình cảm không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Tình yêu, niềm tin là tuyệt đối, nên như thế". Niềm tin, yêu vĩnh hằng - đó chính là tình cảm bất biến của bố mẹ dành cho con cái.

Người xây dựng