Mưu sinh chốn thị thành

17/03/2014 22:55

(Baonghean) - Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn là vấn đề bức xúc và nan giải, nhất là các vùng nông thôn có dân số đông, tỷ lệ người ở độ tuổi lao động cao, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa. Dù chính quyền các cấp đã nỗ lực tạo việc làm tại chỗ nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân đã phải rời “lũy tre làng” ra thành phố mưu sinh với đủ thứ nghề.

Bán rong nồi đất (ảnh chụp trên đường Trường Thi, TP, Vinh).
Bán rong nồi đất (ảnh chụp trên đường Trường Thi, TP, Vinh).

12 giờ đêm, Thành phố Vinh chìm trong sương mù, giá lạnh. Trên từng góc phố, căn nhà, không gian trở nên tĩnh lặng, yên ắng, giờ này có lẽ mọi người đã ngủ say. Thế nhưng, bà Ngô Thị Bân (53 tuổi, ngụ phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai) trở dậy buộc tỏi, mùi, hoa quả chuẩn bị cho một ngày mới bán buôn. Con đường nằm bên hông chợ Vinh ướt loẹt nhoẹt, hắt lên những tia sáng vàng vọt, lạnh lẽo. Đã nhiều năm nay, hiên nhà của các hộ dân trên con đường này được mấy chị em bà Bân thuê lại để làm nơi ngủ qua đêm và nhập sĩ, lẻ rau, quả cho các tiểu thương. Đưa tay che cái ngáp dài, bà Bân tâm sự: “Mấy chị em chúng tôi ở đây toàn người Quỳnh Lưu, Hoàng Mai vào cả. Công việc vất vả lắm, mỗi ngày chỉ ngủ chừng vài ba tiếng đồng hồ thôi. 9 giờ tối là chúng tôi đã ngồi lựa chọn, bó buộc rau cho đến 11 giờ đêm, sau đó tranh thủ ngủ chừng vài tiếng, đến 12 giờ lại thức dậy làm tiếp cho tới sáng”.

Trên đoạn vỉa hè đường Trường Thi gần công viên Nguyễn Tất Thành, đêm đã về khuya, những đôi trai gái, thanh niên kéo nhau vào sưởi ấm, ăn ngô nướng, khoai lang luộc. Miệng mời chào, tay thoăn thoắt làm việc không ngơi nghỉ, chị Trần Thị Hoa (31 tuổi, quê Đô Lương) hồ hởi cho chúng tôi hay: “Ra tết trời lạnh giá kéo dài nên làm ăn cũng được, mỗi đêm nếu may mắn cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng nuôi các con ăn học. Nhưng buôn bán ở đây cũng bị phường, rồi đô thị thành phố đuổi suốt, đến khổ. Biết là vi phạm nhưng không bám đây thì lấy gì mà ăn”.

Buổi sáng trên đường Phan Đăng Lưu, Thành phố Vinh, anh Nguyễn Đình Hoàng (ngụ xóm 12, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương) cần mẫn đẩy chiếc xe thồ đi rao bán nồi đất. Trời rét mướt, mưa lạnh nhưng mỗi ngày anh phải đi bộ hơn 50 cây số khắp các ngóc ngách ở Thành phố Vinh, các huyện, thành lân cận để mưu sinh. Công việc vất vả là thế nhưng ngày may mắn anh cũng chỉ bán được vài chục chiếc nồi đất kiếm lời khoảng 200 ngàn đồng nuôi vợ con. Anh Hoàng tâm sự: “Quanh năm, suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Hạt lúa làm ra phải “cõng” thêm nhiều khoản chi phí ngày càng tăng cao; chăn nuôi không hiệu quả, ruộng đồng dần bị thu hẹp nên chúng tôi chỉ có nghề bán nồi đất này kiếm sống. Mặc dù vất vả nhưng có thu nhập, đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống”.

Có thể nói, cùng với quá trình đô thị hóa, thì xu thế “ly nông” tiếp tục tăng. Nhưng do không có tay nghề và trình độ kỹ thuật, nên đa số lao động từ quê ra thành phố đều làm những công việc phụ, lao động chân tay như: bán hàng quán, làm “ôsin”, bán dạo, chạy xe ôm hay cực nhọc hơn nữa là làm phu khuân vác, phụ hồ…

Chị Hà Thị Xuân (37 tuổi) quê Anh Sơn đã xuống Thành phố Vinh làm việc được 2 năm nay. Công việc của chị cũng khá thất thường, lúc thì đi phụ rửa bát ở nhà hàng, khi thì bốc xếp ở các khu chợ, chạy “xô” giúp việc cho các gia đình… Nói chung công việc chỉ dùng đến chân tay và sức lực. Chị tâm sự: “Xin vào công ty phải có bằng cấp, trình độ mà chị em tụi tui có học hành chi mô. Ai xuống đây cũng phải đi làm mấy việc lặt vặt kiếm sống cả, thu nhập cũng bấp bênh, không được là bao”.

Còn ở khu vực cầu Kênh Bắc hay vườn hoa Tam giác, trời vừa tờ mờ sáng cũng là lúc những nữ cửu vạn tập trung về đây. Họ ngồi xúm lại bên nhau trò chuyện tỉ tê, lâu lâu ngước lên xem có ai đến hỏi thuê. Một chiếc xe hộp vừa dừng bên lề đường Nguyễn Sỹ Sách, thì hàng chục phu nữ đã vây quanh đon đả: “Có việc chi làm không anh? Thuê em làm cho hây? Việc gì em cũng làm được hết, giá cả lại rẻ”. Người đàn ông đảo mắt một vòng, chọn lấy 3 người to khoẻ nhất trong nhóm. Địa điểm bốc hàng nằm cách cầu Kênh Bắc 2 km. Ba người phụ nữ được chọn mặt hớn hở, vậy là ngày hôm nay không phải về tay không. Những chiếc xe đạp cà tàng phóng vù giữa phố phường đông đúc, bàn đạp ấn mạnh cho kịp chuyến xe. Những phụ nữ còn lại không được thuê mặt buồn xo, quay lại ngồi vật vạ bên lề đường.

Việc ít mà người thì đông. Mỗi ngày may mắn lắm, một phu nữ cũng chừng được ba “cuốc”, mỗi “cuốc” trung bình khoảng 50 ngàn đồng tiền công. Nhưng cũng có ngày phải về tay không, chẳng kiếm được đồng nào mà còn mất vài chục ngàn tiền cơm. Chị Hồ Thị Hoài (40 tuổi, ở xã Nghi Vạn, Nghi Lộc) cho hay: “Làm cái nghề này cực nhọc đã đành, nhưng cực nhọc mà có người thuê còn hơn là về tay không. Hôm nào mà không được… bán sức là người “đuối” như gần chết, lạ vậy đấy”. Chợ người chủ yếu được thuê để bốc vác hàng chuyến như rau củ, xi măng, sắt thép; dọn nhà vệ sinh, đổ rác, hay cắt tỉa, dọn dẹp nương vườn, nhà cửa… Nói chung công việc bất kể nặng nhọc đến đâu, các chị vẫn làm, miễn là có tiền.

Thực tế cho thầy, đồng tiền làm ra khá hơn nhưng lao động từ quê ra thành phố luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và hiểm nguy rình rập. Trước hết, đó là điều kiện ăn ở thiếu thốn, mất vệ sinh tại các khu trọ rẻ tiền. Đi một vòng qua các con đường Phong Định Cảng, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Phong Sắc… người ta dễ nhận thấy ngoài những khu trọ dành cho học sinh, sinh viên ở các trường lân cận, thì còn có các khu “lều”, dãy trọ dành cho người lao động nhập cư. Cuộc sống tạm bợ trong những phòng trọ có khi lên đến năm, mười người. “Ở chật chội như vậy nhưng mỗi tháng chúng tôi cũng mất vài ba trăm ngàn đồng, chưa kể tiền ăn uống”- Chị Đậu Thị Sang - một phụ hồ cho biết. Ngoài những khó khăn về điều kiện sống, các lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ luôn bị tai nạn nghề nghiệp, các tệ nạn xã hội luôn rình rập.

Tình trạng người dân nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm cũng gây không ít khó khăn cho chính quyền thành phố. Lao động tự do không đăng ký tạm trú, tạm vắng, cuộc sống tạm bợ nay đây mai đó, nên đã gây ra không ít phức tạp cho tình hình quản lý an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội khác. Cần phải có những chính sách cho vấn đề này như thu hút các doanh nghiệp về khu vực nông thôn, khôi phục những làng nghề truyền thống hay vay vốn XKLĐ… để tận dụng nguồn lao động dồi dào, tạo điều kiện phát triển ở các vùng nông thôn, góp phần giảm bớt sự quá tải ở thành phố.

Triều Dương