Hiệu quả từ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản

16/06/2014 19:39

(Baonghean) - Vụ xuân năm 2014, UBND huyện Nam Đàn chọn Kim Liên để triển khai mô hình CĐML liên kết với Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An gieo cấy giống lúa thuần VT-NA2. Vùng sản xuất rộng 250 ha trên các xứ đồng Sen, đồng Bàu Quan, đồng Chanh thuộc 14 xóm.

Việc liên kết sản xuất được cả 2 bên nhất trí với nội dung cơ bản: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho cơ sở sản xuất được ứng trước lúa giống, vật tư phân bón các loại theo định mức quy trình sản xuất không phải chịu lãi suất trong thời gian 6 tháng của cả vụ xuân. Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất thâm canh đến tận hộ dân và bảo lãnh chất lượng hạt giống, chất lượng phân bón, năng suất tối thiểu của các giống lúa đưa vào sản xuất. Cuối vụ thu hoạch bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân với giá bằng giá thị trường tại thời điểm thu mua cộng thêm 10% giá khuyến khích nếu họ có nhu cầu bán.

Về phía cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm chỉ đạo bà con nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất để đạt kết quả cao nhất và động viên bà con nông dân bảo đảm chất lượng sản phẩm, bán hết sản phẩm cho doanh nghiệp… Ông Nguyễn Quốc Hóa ở xóm Hội 3 - là một trong những hộ có diện tích sản xuất lúa lớn của xã phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi có 10 sào lúa ở cánh đồng mẫu thuộc xứ đồng Sen. Ngay từ giai đoạn ngâm ủ thóc giống cho đến thời điểm lúa chắc xanh luôn có cán bộ khuyến nông huyện, xã đồng hành cùng chúng tôi trên đồng ruộng. Qua mô hình liên kết sản xuất, tôi thấy hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt hơn trước, tiết kiệm được không ít tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, và với quy trình sản xuất cẩn thận như thế này, vụ xuân năm nay chúng tôi đã có một mùa vàng bội thu, năng suất nhà ai cũng đạt 3,2- 3,3 tạ/sào”.

Bà con xã Kim Liên – huyện  Nam Đàn thu hoạch lúa vụ xuân 2014.
Bà con xã Kim Liên – huyện Nam Đàn thu hoạch lúa vụ xuân 2014.

Ông Trần Lê Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: Hàng năm xã gieo cấy hơn 1.300 ha, sản lượng lúa trên 6.500 tấn. Ngay sau khi thu hoạch phía công ty thông báo sẽ mua hết cho bà con với giá 6.600 đồng/kg lúa đã khô khén, cao hơn giá lúa thị trường 10%. Tính ra doanh thu bình quân trên 1 ha CĐML đạt 42.570.000 đồng, trừ chi phí thu lãi ròng 23.170.000 đồng/ha. Chỉ tính riêng tiền chênh lệch giữa giá giống lúa VT-NA2 so với giống KD18 thì đã gia tăng bình quân 3,84 triệu đồng/ha, chưa kể giá bán lúa VT-NA2 tại thời điểm đang cao hơn vài giá. Từ thắng lợi trên, mong muốn của bà con được tiếp tục hợp tác trong vụ hè thu tới.

Trong những ngày này, các hộ nông dân trên địa bàn xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) đang tấp nập đóng lúa vô bì để cân lúa giống T10, Thiên ưu 8 cho Công ty Giống cây Trung ương. Người dân rất phấn khởi vì lúa được mùa mà giá lại cao hơn so với thị trường tự do. Hiện nay, giá lúa thương phẩm dao động từ 5.500 - 6.000 đồng/kg thì nông dân Nghi Lâm đang được doanh nghiệp thu mua với giá 8.000 đồng/kg… Từ năm 2000, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm (xã Nghi Lâm - Nghi Lộc) đã liên kết sản xuất lúa giống trên diện tích gieo trồng hơn 60 ha cho Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống Bắc Giang theo hình thức doanh nghiệp cung cấp giống lúa nguyên chủng, HTX tiến hành gia công sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất lúa giống do công ty đưa ra; giá thu mua sẽ cao hơn 30% so với giá thóc thương phẩm ở thời điểm mùa vụ.

Khi mới bắt tay vào sản xuất lúa giống, Ban quản lý HTX cũng như người dân còn nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn sợ khó vì phải áp dụng đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật từ khâu ra giống đến công đoạn đóng gói. Nhưng chẳng bao lâu, nhiều xã viên đã chuyển hắn sang chuyên canh tác sản xuất lúa giống hàng hóa. Và trong nhiều năm qua, Nghi Lâm trở thành "địa chỉ đỏ" của Công ty Giống cây trồng Trung ương. Vụ xuân 2014 này, HTX đã ký kết sản xuất 90 ha lúa giống Thiên ưu 8 và T10 trên vùng đồng May và vùng đồng Đuôi Lắn, có hơn 700 hộ dân thuộc 7 xóm tham gia. Hiện tại xã đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch 3 vùng đồng rộng 120 ha sản xuất hàng hóa tập trung, định hướng trong thời gian tới Nghi Lâm sẽ mở rộng vùng sản xuất lúa giống tạo điều kiện giúp người nông dân yên tâm sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định ngay trên đồng đất quê mình…

Với quan điểm nông dân được mùa cũng là thành công của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa giống, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh ta. Theo ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An: Từ vụ xuân 2012, Tổng công ty đã liên kết với các địa phương và người nông dân xây dựng 9 cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa thuần Vật tư - NA2 ở các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc trên diện tích 323 ha. Đến nay tại hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều đã có các cánh đồng mẫu lớn do công ty liên kết sản xuất với tổng diện tích gần 1.500 ha, công ty đã thực hiện cung ứng giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương thực hiện mô hình.

Để mở rộng quy mô, diện tích, tăng hiệu quả của sự liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo thông qua mô hình CĐML, hiện nay Tổng công ty đang chọn tạo thêm 6 loại giống, trong đó có 2 loại giống lúa chất lượng gạo thơm ngon, có thời gian sinh trưởng ngắn (85 - 87 ngày ) phù hợp với khí hậu thời tiết của Nghệ An. Đồng thời, để phục vụ cho việc dự trữ, chế biến sản phẩm sau khi thu mua, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống kho với diện tích trên 11.000m2 đảm bảo sức chứa 30.000 tấn thóc gạo và dây chuyền xay xát, đánh bóng gạo công suất 10 tấn thóc/giờ... Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo công nghệ cao, liên kết xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo thông qua mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với sự tham gia của 4 nhà đang là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đây là cơ sở để chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, tăng năng suất chất lượng cây trồng, tăng sức cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài 2 xã Kim Liên và Nghi Lâm, trên địa bàn tỉnh còn có các xã Diễn Lộc, Diễn Cát, Diễn Tân (Diễn Châu), Văn Sơn (Đô Lương)… liên kết sản xuất lúa với Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Hòa, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Công ty giống Thái Bình, Bắc Giang. Thông qua ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, người dân được đầu tư ứng trước giống, vật tư phân bón, tập huấn kỹ thuật sản xuất thâm canh, phía công ty sẽ nhận bao tiêu sản phẩm. Riêng Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Hòa nhiều năm qua là một công ty chuyên kinh doanh giống lúa gạo chất lượng cao và thu mua lại sản phẩm cho nông dân. Sản phẩm giống lúa chất lượng cao AC5 của công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng chỉ “gạo xứ Nghệ”. Từ giống lúa này, công ty đã ký kết hợp đồng với hàng chục hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh để sản xuất hàng ngàn ha giống lúa AC5. Những năm gần đây, giống lúa AC5 độc quyền trên cả nước không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu “gạo xứ Nghệ” trên thị trường.

Còn nhiều việc cần làm để phát huy tác dụng mối liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo, nhưng hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy tầm quan trọng của liên kết 4 nhà, đặc biệt là nhà nông và nhà doanh nghiệp đóng vai trò quyết định, bởi đây là mối liên kết nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Anh