Nữ phó chủ tịch xã 8X

22/01/2014 17:02

(Baonghean) - Tốt nghiệp đại học, Lương Thị Hiên đảm nhận vị trí phó chủ tịch xã tại một xã nghèo thuộc huyện 30a (xã Thạch Giám - huyện Tương Dương). Là phó chủ tịch phụ trách mảng Nông lâm ngư nghiệp, Hiên đã nỗ lực bám cơ sở, góp phần thay đổi phương thức sản xuất của bà con dân bản; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Nữ phó chủ tịch xã trẻ tuổi đang dần phát huy được sức trẻ trên vùng đất khó...

(Baonghean) - Tốt nghiệp đại học, Lương Thị Hiên đảm nhận vị trí phó chủ tịch xã tại một xã nghèo thuộc huyện 30a (xã Thạch Giám - huyện Tương Dương). Là phó chủ tịch phụ trách mảng Nông lâm ngư nghiệp, Hiên đã nỗ lực bám cơ sở, góp phần thay đổi phương thức sản xuất của bà con dân bản; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Nữ phó chủ tịch xã trẻ tuổi đang dần phát huy được sức trẻ trên vùng đất khó...

“Em sinh ra ở bản Cao Vều – một bản miền núi còn nhiều khó khăn, vất vả từ bé nên giờ em cũng khá dễ dàng để thích nghi với cuộc sống và công việc trên vùng đất khó này” – Hiên bắt đầu câu chuyện với tôi như thế. Là con thứ 2 trong gia đình có 4 chị em ở bản Cao Vều – xã Phúc Sơn – Anh Sơn, hoàn cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp khoa Quản lý tài nguyên rừng - Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, Hiên đã đăng ký tham gia Dự án “Tăng cường trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo”.

Gốc là người dân tộc Thái, biết nói tiếng Thái và thuộc “nằm lòng” những tập tục của người dân tộc mình, thế nhưng, khi nhận nhiệm vụ phó chủ tịch xã ở địa bàn xã Thạch Giám – Tương Dương, Hiên cũng không tránh khỏi những khó khăn. “Thạch Giám với gần 4 nghìn dân, trong đó đa phần là người dân tộc Thái, phong tục của người Thái ở đây cũng có nhiều khác biệt so với người Thái ở Anh Sơn. Bởi vậy, em phải dành rất nhiều thời gian gần dân để hiểu hơn bà con mình. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn nên khi biết có phó chủ tịch xã trẻ mới về, bà con mừng lắm. Niềm vui của bà con vô hình trung lại là áp lực cho em, bởi vậy em luôn trăn trở làm sao để giúp bà con thoát nghèo” - Hiên tâm sự.

Phụ trách mảng nông nghiệp, công việc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng nghìn người dân nơi em công tác, bởi vậy Hiên luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp, tự mình tìm tòi thêm kiến thức chuyên môn; đồng thời chịu khó “bám dân” để nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của bà con. Nữ phó chủ tịch xã trẻ đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ chỉ đạo các bản thực hiện Chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn bà con triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và đang mang lại những hiệu quả bước đầu.

“Chuối tiêu hồng ở bản Chắn” là một trong những mô hình như thế. Chuối là giống cây phù hợp với chất đất của địa phương, lại không xa lạ với bà con nên được lựa chọn triển khai mô hình từ tháng 9/2012. Bà con ở bản Chắn trước đây vốn quen với tập tục sản xuất nhỏ lẻ, trồng ngô, sắn, màu theo mùa hiệu quả thấp. Xã mong muốn thay đổi đời sống bà con bằng giống chuối tiêu hồng hàng hóa, thế nhưng dự án gặp phải không ít khó khăn. “Trồng chuối phải chờ một năm mới được thu hoạch, bà con dân bản mới đầu cũng chưa tin tưởng nên không mấy hưởng ứng. Bởi thế em đã cùng với anh em trong ban nông nghiệp xã xuống từng hộ dân để tuyên truyền, vận động; và cùng ăn, cùng ở cùng làm với bà con những thời điểm xuống giống, tỉa mầm, bón phân… công đoạn cần hỗ trợ kỹ thuật” – Hiên chia sẻ.

Nhờ vậy mà bản Chắn đã có 23 hộ tham gia mô hình trồng chuối với diện tích 3ha. Được xã hỗ trợ 80% giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật… đến nay một nửa diện tích đã cho thu hoạch. Chuối được mùa, được giá, bà con bản Chắn vui lắm. Chị Kha Thị Lan, một trong những hộ tham gia mô hình phấn khởi cho biết: “Vườn chuối hơn 4 sào của gia đình tôi lứa đầu tiên đã có 200 buồng, năm nay chuối dễ bán, mỗi buồng trung bình bán được khoảng 80 -100 nghìn đồng nên ước tính mùa này gia đình tôi sẽ thu hoạch được trên 100 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới”.

Bà con được mùa chuối khiến nữ phó chủ tịch xã cũng “vui lây”. Chuối tiêu hồng lứa đầu được mùa đã dần chứng minh được tính thực tiễn của mô hình, nhưng quan trọng hơn cả là nữ phó chủ tịch xã đã dần có được sự tin tưởng của bà con. Các hộ dân bản Chắn bây giờ vẫn thường nhờ chị phó chủ tịch tư vấn kỹ thuật sản xuất, thời điểm thu hoạch, bán cây con…

Ngoài mô hình chuối tiêu hồng, Hiên còn được lãnh đạo xã tin tưởng giao phó nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình nuôi dê nhốt ở bản Thạch Dương từ nửa năm nay. Trước đây bà con trong bản Thạch Dương nuôi dê thả, không chăm sóc được, mà dê lại phá hoại mùa màng… nên khi xã triển khai mô hình nuôi nhốt, nhiều hộ dân rất tích cực hưởng ứng. Gia đình ông Chang Văn Minh, được dự án hỗ trợ nuôi 3 con dê cái, sau gần 6 tháng, đàn dê của gia đình ông đã tăng lên thêm 4 con. Ông Minh vui vẻ cho biết: “Ban đầu thực hiện mô hình nuôi dê nhốt này bà con chúng tôi cũng không biết kỹ thuật chăm sóc, nhưng được xã tập huấn; cộng với chị phó chủ tịch vẫn thường xuống nhà để tư vấn trực tiếp nên chúng tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng cách nên chúng tôi tốn ít kinh phí đầu tư mà đàn dê sinh sản rất nhanh”. Từ 21 con giống ban đầu, đến nay tổng đàn dê của bản Thạch Dương đã tăng gấp đôi.

Nữ Phó Chủ tịch Lương Thị Hiên thăm mô hình nuôi dê nhốt ở bản Thạch Dương.
Nữ Phó Chủ tịch Lương Thị Hiên thăm mô hình nuôi dê nhốt ở bản Thạch Dương.

Cũng chính nhờ sự sát sao, khéo léo của nữ phó chủ tịch mà nhận thức bà con nhiều bản trong xã đã dần thay đổi, từ thói quen mỗi gia đình chỉ nuôi một vài con lợn thịt, đến nay bà con đã tích cực tham gia dự án nuôi lợn hàng hóa. Mô hình “nuôi lợn Móng Cái sinh sản” được triển khai từ cuối năm 2012 tại 12 hộ trong xã. Sau một năm triển khai, tổng đàn cũng tăng nhanh từ 50 con lợn giống ban đầu, lên hơn 120 con và hiện đang tiếp tục được nhân rộng.

Nói về nữ trí thức trẻ đảm nhận vai trò phó chủ tịch của xã nghèo, Chủ tịch UBND xã Thạch Giám – ông Vi Xuân Quyết cho biết: “Là một người trẻ có trình độ nên dù mới về xã một thời gian ngắn nhưng chị Hiên đã phát huy được năng lực của mình; năng nổ, nhiệt tình, chịu khó để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy mà ban lãnh đạo xã cũng tin tưởng giao cho chị chịu trách nhiệm chỉ đạo nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ bà con thoát nghèo. Đến nay các dự án hầu hết đang mang lại hiệu quả. Quan trọng hơn là với sự sâu sát, hiểu dân, được dân tin, chị phó chủ tịch đang góp phần dần làm thay đổi tập tục sản xuất của bà con từ tự cung tự cấp trước đây sang sản xuất hàng hóa. Trong năm 2013, Phó Chủ tịch Lương Thị Hiên là 1 trong 2 cán bộ của xã Thạch Giám được ghi nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Những thành quả đó chính là minh chứng cho ý chí và nghị lực vượt khó của một trí thức trẻ đang nỗ lực hết mình đem sức trẻ cống hiến cho quê hương, đất nước. Luôn miệt mài và hết lòng với bà con, bởi thế nữ phó chủ tịch trẻ luôn trăn trở: “Thời gian thực hiện Dự án “Tăng cường trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo” đã đi được hơn 1/3 chặng đường nhưng em vẫn còn rất nhiều những dự định, kế hoạch đang ấp ủ để hỗ trợ nhiều hơn cho bà con dân bản nơi đây…”.

Hải Phong