"Thủ lĩnh" thanh niên vượt khó làm giàu

03/08/2014 21:36

(Baonghean) - Không chỉ biết đến với vai trò là Phó chủ tịch UB MTTQ xã, nhiệt tình và tâm huyết với công tác đoàn của địa phương, anh Trần Văn Mai ở xóm 2A, xã Thanh Phong (huyện Thanh Chương) còn được biết đến là tấm gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi…

(Baonghean) - Không chỉ biết đến với vai trò là Phó chủ tịch UB MTTQ xã, nhiệt tình và tâm huyết với công tác đoàn của địa phương, anh Trần Văn Mai ở xóm 2A, xã Thanh Phong (huyện Thanh Chương) còn được biết đến là tấm gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi…

Tới thăm mô hình kinh tế tổng hợp với quy mô tuy chưa phải là lớn của anh Trần Văn Mai (sinh năm 1981), nhưng nghe anh trải lòng về quá trình lập nghiệp chúng tôi thật sự nể phục sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên này. Tốt nghiệp cấp III, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa với nhiều ước mơ hoài bão về giảng đường đại học, thế nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh không thể tiếp tục sự nghiệp đèn sách mà phải vào Cần Thơ đi làm thuê ở Nông trường Sông Hậu. Vừa làm vừa học hỏi, anh quan sát thấy đồng đất của họ cũng đâu khác quê mình, có chăng chỉ khác là họ quy về được 1 vùng nên dễ dàng đầu tư thâm canh, tạo được sản phẩm hàng hóa lớn. Khi đã giải được bài toán kinh tế, anh không ngần ngại xách ba lô về quê, quyết chí phải có sự nghiệp ngay trên quê hương. Anh Mai cho hay: Sau một vài năm chăn nuôi nhỏ lẻ, đến năm 2008, từ chỗ gia đình có 700m2 đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả ở xứ đồng cây Trâm, tôi đã vận động 12 hộ dân đổi đất để có được 0,8 ha liền vùng, liền thửa xứ đồng này. Với số tiền gần 2 năm đi làm thuê ở Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), tôi mạnh dạn vay thêm vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và vốn từ Quỹ Thanh niên lập nghiệp của Huyện đoàn Thanh Chương hơn 200 triệu đồng, thuê máy múc đào ao thả cá trên diện tích 0,5 ha; xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn với diện tích trên 320m2 và hệ thống nuôi dế gần 40m2. Và quyết tâm không để đất trống, xung quanh ao tôi trồng các loại rau sạch theo mùa vụ như bắp cải, su hào, xúp lơ vừa phục vụ gia đình vừa tăng thêm nguồn thu nhập”.

Vườn cây thanh long ruột đỏ của anh Trần Văn Mai  ở xóm 2A, xã Thanh Phong (Thanh Chương).
Vườn cây thanh long ruột đỏ của anh Trần Văn Mai ở xóm 2A, xã Thanh Phong (Thanh Chương).

Hiện trang trại của anh Trần Văn Mai thường xuyên có hơn 100 con gà đẻ, 200 con lợn và 10 con lợn nái sinh sản, một năm xuất chuồng 3 lứa khoảng 2.000 con gà thịt, trên 20 tấn lợn hơi và khoảng 2 tấn cá... Để chăn nuôi đạt hiệu quả, anh luôn chú trọng lựa chọn con giống và áp dụng các quy trình kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi; xây dựng mô hình khép kín phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi nhằm thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc và bảo vệ vật nuôi trước những thay đổi thất thường của thời tiết. Vì vậy vật nuôi luôn khỏe mạnh, ít khi xảy ra dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2013, tổng doanh thu từ cây, con là hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí còn thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra trang trại của anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 4 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, hiện nay anh đang mở rộng trang trại thêm 2,1 ha tại cánh đồng Mù Đa để trồng lạc, ngô và trồng hơn 3 vạn gốc hoa cúc các loại. Khi đã có tiền tích luỹ anh đầu tư mua một máy cày đa chức năng , 2 con trâu để phục vụ cày kéo cho trang trại và bà con quanh vùng.

Ở Thanh Phong, anh Mai được xem là người khá thức thời bởi tiên phong thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Đơn cử như mô hình nuôi dế, mô hình trồng lạc trái vụ để cho đến tận đầu tháng 8DL vẫn có lạc tươi cung cấp cho các quán bia ở TP. Vinh; hay trồng hoa cúc bán dịp Tết đầu tiên trên địa bàn xã, mô hình mới này đã mang đến cho anh Mai nguồn thu nhập đáng kể. Giờ lại đến việc thử nghiệm cây trồng thanh long ruột đỏ trên đất pha cát. “Thoạt đầu khi đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng, bà con quanh vùng cho rằng anh Mai “liều lĩnh”, vì họ nghĩ loại đất cát bạc màu xứ nắng nóng này làm sao có thể nuôi dưỡng một giống cây có nguồn gốc từ trong Nam nơi có khí hậu quanh năm ôn hòa. “Mình đã tham khảo nhiều nơi, được biết ở Nghệ An cũng đã có một số người trồng thành công thanh long ruột đỏ nên ra Hà Nội, Uông Bí - Quảng Ninh để mua cây giống và học hỏi các kiến thức cơ bản trong chăm sóc. Đầu tháng 7 vừa rồi tôi đã cải tạo 2 sào đất, đúc trụ xi măng cao 1,4m để trồng 250 gốc thanh long ruột đỏ. Ngoài những kiến thức được nhà cung cấp giống chỉ dạy, tôi còn mày mò học hỏi cách chăm sóc cây từ mạng internet để có được cách chăm sóc tốt nhất cho loại cây mới này... Thanh long là loại cây thuộc họ xương rồng, không đòi hỏi cao về dinh dưỡng, yếu tố môi trường, thổ nhưỡng. Đặc biệt giống này ưa ánh sáng, khả năng chịu hạn tốt. Phân bón chủ yếu là phân hữu cơ. Để cây thanh long mau lớn và đạt sản lượng cao phải giữ gìn bộ rễ không để tổn thương. Thanh long ruột đỏ là cây trồng lâu năm, khoảng 20 - 25 năm sau mới phải trồng lại. Giá thanh long ruột đỏ khoảng 50.000 đồng/kg, cao hơn giá thanh long ruột trắng, vì có màu sắc đẹp, vị ngọt, bổ dưỡng nên thị trường tiêu thụ khá thuận lợi” - Anh Mai cho biết thêm.

Trên cương vị là Phó Bí thư chi đoàn xã, tiếp đến năm 2008 là Phó Chủ tịch UBMTTQ xã, gương thanh niên điển hình Trần Văn Mai đã tạo động lực cho nhiều thanh niên trong xã quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế, thời gian qua anh cũng không ngừng trau rồi kiến thức để tốt nghiệp được lớp Trung cấp Khuyến nông do Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Nông thôn Bắc Bộ đào tạo và đủ điều kiện tham gia chương trình Đại học từ xa khoa Luật - Kinh tế Trường Đại học Thái Nguyên. Qua trao đổi, anh Mai khẳng định: “Chẳng có vùng đất khó, chỉ có con người chưa chịu khó lao động mà thôi. Muốn thành công trong trồng trọt cũng như chăn nuôi, phải thực sự am hiểu về đối tượng đầu tư sản xuất, và việc đa dạng hóa cây, con cũng rất quan trọng vì nếu chỉ đầu tư một loại cây, con khi xảy ra dịch bệnh hoặc thay đổi về thị trường thì sẽ rất khó xoay xở”. Giờ đây trang trại của anh Mai đang là mô hình điểm cho nhiều thanh niên trong và ngoài xã tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn.

Câu chuyện phát triển kinh tế trang trại của chàng thanh niên Trần Văn Mai tưởng chừng đơn giản, nhưng để có được thành công đó là cả một quá trình lao động cần cù, không ngại gian khổ. Bằng ý chí không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2012, anh vinh dự được bình chọn là 1 trong 300 thanh niên toàn quốc nhận Giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn dành cho “nhà nông trẻ xuất sắc”… Với Trần Văn Mai, những thành công ban đầu này sẽ là động lực để anh tiếp tục phát huy sức trẻ, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh:Ngọc Anh