Diêm dân mất mùa muối

17/07/2014 19:21

(Baonghean) - Thời điểm sản xuất muối chính vụ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu sắp kết thúc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cơn mưa rào trái mùa thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là ở thời điểm muối chính vụ làm cho mực nước ở trong các ô nại và sân phơi luôn trong tình trạng ứ đọng, nên diêm dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, dẫn đến năng suất, sản lượng muối của các địa phương bị sụt giảm mạnh, không đạt kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

Diêm dân An Hòa tích cực tát nước mưa ra khỏi ô nại.
Diêm dân An Hòa tích cực tát nước mưa ra khỏi ô nại.

Gia đình chị Hồ Thị Lan là một trong những hộ có diện tích làm muối lớn ở thôn Hồng Phong, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu với gần 200m2 ô nại. Các đợt mưa lớn xuất hiện dày đặc trong thời gian vừa qua không những ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của gia đình chị mà số muối tích trữ trong kho cũng bị hao hụt nhiều. Mặc dù, các cơn mưa đều vào ban đêm và chiều tối, ban ngày có nắng nhưng hơn 1 tháng nay gia đình chị chỉ tham gia sản xuất được khoảng 7 - 8 ngày, bởi lượng mưa nhiều làm giảm độ mặn, độ màu không có. Chị Lan cho biết: Năm nay vào lúc thời tiết thuận lợi, trời nắng to đều thì mỗi ngày gia đình chị cũng làm được 150 kg muối, do giá muối thấp nên thu nhập cũng chỉ đạt gần 200 nghìn đồng/4 lao động. Hiện nay, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, cũng như các hộ diêm dân khác trong thôn, gia đình chị đang tích cực tát nước ra khỏi ô nại, để khi trời nắng lên kịp thời bắt tay vào sản xuất. Chị Lan nói thêm: “Mọi chi phí tiêu dùng, sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào tiền bán muối, nhưng năm nay muối vừa mất mùa, vừa mất giá nên đời sống khó khăn. Bước sang tháng 7 này, mới chỉ làm được 2 buổi chiều, muối làm ra không đáng kể, tới đây là mùa mưa rồi, không biết nhìn vào đâu mà trang trải chi tiêu”.

An Hòa, huyện Quỳnh Lưu là vựa muối lớn nhất của tỉnh với diện tích trên 160 ha. Trong đó, có 20 ha các hộ dân khai hoang để sản xuất và 140 ha thuộc diện chia theo Nghị định 64 của Chính phủ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sản lượng muối mỗi năm của xã đạt khoảng 20.000 tấn với giá trị gần 20 tỷ đồng. Toàn xã có 7 thôn với trên 1.400 hộ chuyên nghề sản xuất muối. Bước vào sản xuất muối chính vụ năm nay, địa phương đã tập trung chỉ đạo bà con diêm dân tích cực tu sửa, cải tạo ô nề, xây dựng giát chạt lọc theo chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh nhằm tăng năng suất và sản lượng muối. Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn xã đã xây dựng được trên 1.000 bộ giát chạt lọc cải tiến, năm nay xã phấn đấu xây dựng thêm 600 bộ.

Bên cạnh đó, xã An Hòa còn triển khai xây dựng 10 ha muối sạch ở HTX Tân Thịnh do Tổng Công ty muối Việt Nam hỗ trợ và mở rộng diện tích muối trải bạt trên nền ô kết tinh. Tuy nhiên, trong 3 tháng chính vụ gồm tháng 5, 6 và tháng 7 dương lịch năm nay, mưa trái vụ xuất hiện nhiều làm ngập diện tích sân phơi cát nên sản lượng muối của xã An Hòa đạt thấp. Đã bước sang giai đoạn cuối vụ, nhưng toàn xã mới chỉ sản xuất được 9.500 tấn, đạt 50% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, giá cả thường xuyên biến động và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 nên đã gây nhiều khó khăn cho bà con diêm dân. Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Hàng năm đến thời điểm này, sản lượng đã đạt 70% KH đề ra. Năm nay, đã giữa tháng 7 nhưng sản lượng muối rất thấp, nếu tháng 8 và tháng 9 nắng nhiều thì mới đạt được sản lượng theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, đảng ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo bà con tận dụng những ngày nắng và thật sự bám nắng sản xuất để đạt được sản lượng đề ra từ 19.000 – 19.500 tấn/năm.”

Ở Quỳnh Thuận, tại thời điểm này cũng chỉ mới sản xuất được 7.000 tấn trên diện tích 120 ha sản xuất muối, đạt 48% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết bất lợi và bà con áp dụng chạt lọc cải tiến còn hạn chế. Toàn xã mới chỉ được 30% hộ dân áp dụng mô hình chạt lọc cải tiến. Trong khi đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng trên 1 giát chạt lọc nhằm giảm sức lao động cho diêm dân nhưng do tâm lý ngại thay đổi, thích theo hình thức truyền thống từ xưa tới nay. Tuy đã được đội ngũ cán bộ xã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng đa số các hộ dân vẫn không mấy mặn mà đối với việc áp dụng mô hình này. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Mặc dù bà con không mấy mặn mà với chạt lọc cải tiến nhưng hiện nay xã vẫn đang tích cực tuyên truyền, vận động thay đổi tư tưởng bảo thủ, theo tập quán cũ (dùng sức lao động nhiều và dùng xe cút kít để vận chuyển) nhằm chuyển sang xây dựng chạt lọc cải tiến giảm bớt sức lao động cho bà con.”

Để cải thiện tình trạng này, các cấp, các ngành huyện Quỳnh Lưu hiện đang chỉ đạo các địa phương tích cực làm giao thông thủy lợi, nạo vét các kênh tưới tiêu, đảm bảo về hệ thống thoát nước nhanh chóng để khi thời tiết nắng bà con có thể kịp thời sản xuất. Đặc biệt, mùa mưa bão đang đến gần để làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản do mưa bão gây ra thì huyện Quỳnh Lưu cũng đang tích cực chỉ đạo các hộ dân bám sát, theo dõi thời tiết để tiếp tục sản xuất. Đồng thời, bà con cần tích cực chủ động, nâng cấp, xây dựng các kho chứa muối kiên cố hơn, tránh thiệt hại về lượng muối đang dự trữ như trong đợt mưa lớn vào cuối vụ muối năm 2013.

Hồng Diện

(Đài Quỳnh Lưu)