Hạnh phúc giản dị

24/04/2014 21:56

(Baonghean) - Thầy tôi, trong quãng đời dạy Văn của mình đã có những lần khóc trên những trang văn của học trò. Thầy nói, có những bài văn mà đến giờ thầy còn nhớ đến từng dấu phẩy, nhớ đến từng nét chữ. Một trong số những bài văn đáng nhớ ấy, thầy kể, đó là của một cậu trò có đôi mắt buồn thăm thẳm. Bài văn thầy ra đề “kể về những người thân yêu nhất”, trong một buổi thầy đến nhận dạy lớp mới. Cậu trò ấy đã kể về cha mình bằng một giọng tươi vui.

Đó là một người cha cao to, vạm vỡ, có đôi tay rắn chắc hay ôm con vào lòng và hàng đêm vẫn hay kể chuyện cho cậu nghe; một người đàn ông đánh đàn hay, đánh giặc giỏi, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Kết luận bài văn, cậu trò nói, đó là cậu nghe mẹ kể thế và cậu vẫn thường gặp cha trong mơ. Khi cậu được sinh ra thì cha cậu đã hy sinh trên chiến trường, khi chỉ một vài giờ khắc nữa là chúng ta chạm đến ngày Chiến thắng…

l Khát vọng hòa bình (Lễ hội Non sông thống nhất trên sông Bến Hải - Quảng Trị). Ảnh: trần hoài
Khát vọng hòa bình (Lễ hội Non sông thống nhất trên sông Bến Hải - Quảng Trị). Ảnh: trần hoài

Câu chuyện thầy tôi kể mãi ám ảnh trong lòng những học trò chuyên văn chúng tôi ngày ấy. Cậu học trò lớp đàn anh chúng tôi, đã viết bài văn bằng sức tưởng tượng phi thường. Nhưng hơn cả như thế, trí tưởng tượng của anh được làm từ bao nhiêu khao khát, từ bao nhiêu nước mắt…Tôi cứ hình dung anh ấy đã ngồi trước trang giấy và để trái tim mình bay lên!

Sinh ra trong hòa bình, tôi hiểu mình và thế hệ mình may mắn thế nào khi được cất tiếng khóc chào đời trong không khí của tự do, được hưởng những âu yếm nâng niu từ bàn tay của cả cha lẫn mẹ. Tôi hiểu vào những buổi nguy nan của lịch sử dân tộc, mọi đứa trẻ sinh ra không được hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào như một lẽ đương nhiên ấy. Họ lớn lên trong một mái nhà thiếu bóng người cha, mái nhà lúc nào cũng trong tình trạng có thể bị giày xéo bởi bom đạn, mái nhà mà bao đêm người mẹ ngồi lặng lẽ soi bóng mình đơn côi trên vách tường, lặng lẽ khóc, lặng lẽ viết những bức thư gửi ra chiến trường.

Tôi hiểu, gần bốn chục năm về trước, trước cái ngày 30 tháng Tư lịch sử ấy, đất nước cũng như vậy - là một gia đình bị chia cắt. Quá nhiều nước mắt đã rơi, quá nhiều máu xương đã đổ, cho một ngày lá cờ đỏ sao vàng được phấp phới bay trên Dinh Độc Lập. Chiến thắng ấy của quân và dân ta mang tên Hội tụ. “Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”. Đã mấy chục năm rồi mà lời ca ấy vẫn vang lên rộn rã, như thể niềm vui hội tụ ngày nào còn vương vấn đến tận bây giờ. Âm hưởng của bản hùng ca chiến thắng dường như vẫn đọng lại trên từng ngọn cỏ nhành cây, trên từng vạt nắng chênh chếch chiếu xuống những mái nhà giờ đây đã yên bình, trên từng giọng nói tiếng cười.

Quá khứ chiến tranh và chia cắt đau thương đã lùi xa vào dĩ vãng, nhưng với nhiều người nỗi đau vẫn còn, mất mát vẫn rỉ máu, và ký ức vẫn ám ảnh. Chiến thắng và sự khoan dung đối với kẻ thù đã xoa dịu vết thương, nhưng còn đó một bài học xương máu về chiến tranh, về cái giá của hòa bình.

Anh học trò nào đó của thầy tôi, giờ chắc đã làm cha của những đứa con nhỏ. Con của anh được tự hào kể về cha mình, một người cha có bàn tay rắn chắc, hàng đêm vẫn kể chuyện cho chúng nghe. Hạnh phúc ấy giản dị và chân thật, chứ không cần phải đến trong trí tưởng tượng nữa. Điều giản dị ấy, thật đẹp đẽ biết bao!

Nghệ An cuối tuần