"Song thụ" bản Đồng Tiến

28/07/2014 21:15

(Baonghean) - Cây đa của bản Đồng Tiến (Lạng Khê - Con Cuông ) là một trong số ít cổ thụ có thế đẹp, tầm vóc đồ sộ. Ngay cạnh đó là một cây thị dễ cũng đã đến trăm tuổi. Sự kết hợp của bộ đôi cổ thụ này không chỉ tạo nên cảnh quan thú vị, mà trong tâm thức của dân bản thì đó là điều rất thiêng liêng…

(Baonghean) - Cây đa của bản Đồng Tiến (Lạng Khê - Con Cuông ) là một trong số ít cổ thụ có thế đẹp, tầm vóc đồ sộ. Ngay cạnh đó là một cây thị dễ cũng đã đến trăm tuổi. Sự kết hợp của bộ đôi cổ thụ này không chỉ tạo nên cảnh quan thú vị, mà trong tâm thức của dân bản thì đó là điều rất thiêng liêng…

Cây đa cổ thụ đứng uy nghiêm ngay cạnh những nếp nhà sàn của bản Đồng Tiến nhìn ra những thửa ruộng bậc thang, mỗi năm hai mùa xanh mướt, gợi nên khung cảnh vui tươi, thanh bình. Với chiều cao khoảng 40m, chu vi gốc trên 10m, người ta có thể nhìn thấy nó từ các bản lân cận, dù cách xa hàng chục cây số. Tầm vóc của cây thị có phần khiêm tốn hơn, có thể được trồng bởi một hương hào, lý trưởng nào đó. Cây thị vốn được coi là biểu tượng mang vẻ quý phái, cao đẹp, thơm tho trong văn hóa tinh thần của người bản.

“Song thụ” bản Đồng tiến (Lạng Khê - con Cuông).
“Song thụ” bản Đồng tiến (Lạng Khê - con Cuông).

Cụ Vi Đình Toán, cũng làm một “cây cao bóng cả” của bản Đồng Tiến, năm nay đã ngoài cái tuổi 70 kể. Khi cụ lớn lên, đã thấy cây đa cổ thụ đứng đó, dáng uy nghi như thể biết hết mọi chuyện xưa, nay ở bản. Ngày trước, muốn xác định vị trí hay tìm đường về bản, người ta thường lấy cây đa cổ thụ làm dấu mốc. Khi đứng trên một đỉnh cao hay trèo lên ngọn cây thấy cây đa, là biết vị trí bản Đồng Tiến.

Thời phong kiến, hàng năm, cứ ăn tết xong, người bản lại tụ hội bên ngôi đền bản dưới gốc cây đa cổ thụ, để tổ chức lễ cúng cho những vong hồn chết trận. Trước kia, bản Đồng Tiến có tên gọi là bản Tan Xá. Tên gọi này gợi nhớ về giai đoạn cuối thế kỷ 19, khi người Xá nghe theo xúi giục của các thế lực phong kiến, thực dân đã gây ra nạn cướp bóc tại nhiều nơi trên các địa phương miền núi. Ngày ấy, bản Đồng Tiến là nơi đã đánh tan loạn người Xá cướp bóc. Về sau, người ta không muốn nhớ đến một quá khứ buồn như thế nữa, bản đã vì vậy mà thay tên. Chỉ những người già, người đã có tuổi về mới thích gọi tên cũ.

Theo cụ Vi Đình Toán, Hội Đền bản Đồng Tiến được dân bản tổ chức thường chỉ cúng gà, lợn; liên tục cho đến năm 1953 thì ngôi đền bị máy bay Pháp ném bom, làm hư hại. Về sau, người ta dựng lại chiếc miếu thờ, tuy nhỏ nhưng quanh năm không ngớt khói hương. Đến những năm chống Mỹ, ngôi miếu lại bị bom, dân bản cũng tập trung cho kháng chiến, việc thờ tự tại đây lại một lần nữa bị gián đoạn. Đến những năm 90, của thế kỷ trước, Hội Người cao tuổi bản mới xin chính quyền cho dựng lại ngôi miếu, lo việc hương khói tổ tiên.

Người dân ở bản người Thái nhóm Tày Thanh này tin rằng, nhờ có thần linh trú ngụ nơi cây cổ thụ mà dân bản chưa bao giờ có người chết đuối! Người bản lại khá ăn nên làm ra. Thế nên, cây đa và cây thị cổ thụ này được người dân bảo vệ rất cẩn thận. Hàng năm, có hàng chục đàn ong từ rừng về xây tổ trên cây, không ai dám động đến. Thỉnh thoảng, vào mùa trái đa chín, lại có một chú vượn lớn như người trở về hái trái. Còn bầy sóc thì chọn cây đa làm ngôi nhà của chúng. Vào mỗi mùa quả, hương thị thoang thoảng len lỏi khắp các ngõ bản như gợi về một không gian cổ tích. Với dân bản Đồng Tiến, cây đa là biểu tượng của sự sung túc, còn cây thị sẽ mang lại niềm vui cho con người…

Hữu Vi