Hạnh phúc nhọc nhằn
(Baonghean) - Tôi xin kể lại câu chuyện của mình như một bài học cho những ai từng rơi vào con đường sai trái. Tôi muốn nói thật to với tất cả mọi người, rằng hãy sống một cuộc sống bình thường, không tham lam, tránh giận dữ. Nếu được sống lại, tôi sẽ sống tốt hơn, và chắc hẳn số phận tôi sẽ không bất hạnh thế này.
(Baonghean) - Tôi xin kể lại câu chuyện của mình như một bài học cho những ai từng rơi vào con đường sai trái. Tôi muốn nói thật to với tất cả mọi người, rằng hãy sống một cuộc sống bình thường, không tham lam, tránh giận dữ. Nếu được sống lại, tôi sẽ sống tốt hơn, và chắc hẳn số phận tôi sẽ không bất hạnh thế này.
Hơn 20 tuổi, tôi lấy vợ. Vợ tôi là một người hiền lành, tốt tính. Cưới nhau được hơn một năm, vợ tôi sinh con gái đầu lòng. Đứa bé giống mẹ như đúc, và cuộc sống vất vả của vợ chồng tôi trở nên hạnh phúc với sự có mặt của nó. Hàng ngày đi làm về là tôi chạy ngay lại bên chiếc nôi của con, nói với nó những lời dịu dàng, cười đùa trêu chọc nó. Rồi đến lúc vợ tôi phải đi làm. Mặc dù không khá giả gì nhưng chúng tôi cũng cố gắng thu xếp tiền nong để thuê một người giúp việc. Bà là người hàng xóm ngay cạnh nhà chúng tôi. Khi con gái tôi được 6 tháng tuổi thì một sự việc đau lòng xảy ra. Trong lúc vợ chồng tôi đi làm, bà giúp việc sơ ý để con tôi ngã từ trên gác xép xuống đất. Cú ngã không cướp đi sinh mạng của nó, nhưng để lại một thương tật vĩnh viễn ở não, khiến cháu không thể có một cuộc sống bình thường. Vợ chồng tôi dốc toàn bộ tiền nong, cầu cứu mọi người, mọi nơi để chữa chạy cho cháu nhưng không được!
Minh họa: Hồng Toại |
Một hôm tôi về nhà, thấy vợ đang ôm con trong tư thế bất động, ánh mắt vô hồn. Tôi lay gọi mãi mà cô ấy cứ im ắng như đã chết. Đau lòng, tôi bỏ ra quán ngồi uống rượu cho quên sầu. Hết chén này đến chén khác, hết chai này đến chai khác. Mỏi mệt rã rời nhưng tôi vẫn uống. Chủ quán thấy tôi say, bèn nói hết rượu rồi. Nhưng con ma men đang chiếm lĩnh cơ thể và điều khiển tinh thần tôi quát lên với người chủ quán: “Một chai nữa thôi, rồi tôi về!”. Và thêm một chai nữa. Nhưng giá như không thêm một chai ấy…
Tôi chếnh choáng đi trên những bước chân nghiêng ngả. Tôi không về nhà. Tôi lao thẳng vào nhà bà hàng xóm, người đã khiến gia đình tôi trở nên nông nỗi này. Và tôi không nhớ bằng cách nào mình đã cố gắng để giết bà ta. Chỉ biết rằng khi xe cấp cứu và lực lượng công an đến, tôi có phần tỉnh táo hơn, thấy tay mình máu me đầm đìa. Tôi hốt hoảng hỏi anh công an đang xốc nách mình lên xe: “Tôi đã làm gì vậy?”.
Đó cũng là câu hỏi tôi đã dằn vặt mình trong quãng thời gian ở tù và cả cuộc đời còn lại. Tôi đã làm gì? Làm gì để hả hê cơn tức giận, làm gì để thỏa mãn cơn khát thèm của con ma men? Làm gì để cố cướp đi sinh mạng của một con người, thứ quý hơn mọi thứ trên đời? Làm gì để người vợ hiền dịu cùng đứa con tật nguyền của mình vốn đau khổ càng thêm đau khổ? Và tôi đã làm gì để phá hỏng chính cuộc đời của tôi, cuộc đời mới hơn hai mươi tuổi? Điều an ủi duy nhất của tôi, là người hàng xóm ấy không chết. Bà bị mất đi 36% sức khỏe vĩnh viễn.
Thời gian tôi ở tù, vợ con thi thoảng vào thăm. Con gái dù đã ở cái lứa tuổi líu lo như chim hót, vẫn không thấy nói nửa lời. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt ngây dại và xa lạ. Mỗi lần vợ con đến thăm, đêm ấy tôi lại không ngủ được. Tôi thầm trách mình đã khiến cho cuộc sống gia đình trở nên tồi tệ hơn. Tôi thương con tôi nhưng thương vợ gấp nghìn lần. Giá như được mãn hạn tù để bù đắp phần nào cho cô ấy.
Và tôi đã cố gắng cải tạo thật tốt để trở về. Chờ mãi rồi cũng đến cái ngày ấy. Không cần ai tới đón, tôi tự mình trở về nhà. Ôm vợ con vào lòng, nước mắt tôi tuôn ra như suối. Vợ tôi cũng khóc, còn con gái thì cau mày một cách khó hiểu rồi lánh ra ngoài hiên. Dù sao thì gia đình tôi đã được sum vầy, và tôi có thể làm lại từ đầu, có thể chăm sóc vợ con, bớt đi phần nào gánh nặng đè lên vai vợ. Tôi tiếp tục công việc cũ của mình là làm thợ xây với ít nhiều rụt rè. Tuy nhiên, chủ thầu tỏ ra dè chừng, ái ngại với tôi nên công việc của tôi cũng không được thuận lợi. Tôi quyết định lên thành phố kiếm việc cùng một người bạn thân quen lúc ở trại và mãn hạn tù trước tôi. Ngày mới lên thành phố, chúng tôi ở nhờ nhà người quen thằng bạn, ngày ngày ra ngã tư gần đó làm xe ôm. Công việc có vất vả, ngày đen đủi ngày may mắn, nhưng cuối tháng dồn lại cũng được vài triệu mang về cho vợ.
Thằng bạn tôi sau thời gian lên thành phố lại “ngựa quen đường cũ” sa vào cờ bạc, nợ nần. Tôi đã tính ra ở riêng để tránh họa, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng vì khó khăn quá nên tặc lưỡi: Thôi, kệ nó. Mình kiên quyết không “dính” là được. Thời gian trôi qua, tôi đi làm được hai năm thì vợ tôi báo tin cô ấy có mang đứa thứ 2. Nhưng chỉ sau đó ít ngày thì cô ấy gấp gáp thông báo: Cô ấy bị chảy máu và bác sỹ nghĩ cô ấy có thai ngoài tử cung. Tôi vội vã trở về, vay tiền đưa vợ đi mổ. Mổ cho vợ tôi xong thì bác sỹ lại phát hiện ra một khối u khác của vợ tôi. Không quá nguy hiểm, nhưng vợ tôi sẽ cần một khoản tiền lớn để phẫu thuật. Thấy tôi đau đầu nhức óc nghĩ ra cách kiếm tiền, thằng bạn hỏi: “Mày có gan làm việc này không?”. Tôi nói nhanh: “Việc gì cũng được, miễn là có nhiều tiền!”. Nó bảo: “Tao ngồi chờ khách ở chỗ ấy lâu rồi, nên nắm rõ tình hình. Tiệm vàng đó chỉ có hai vợ chồng trông coi thôi. Thằng con trai đi suốt, thi thoảng mới ghé qua, thường là vào thứ bảy, chủ nhật”. Thấy tôi có vẻ nghi ngại, nó nói tiếp: “Mày không phải làm gì to tát đâu, chỉ giả vờ là khách hàng vào đó hỏi mua thôi. Tao sẽ ra tay, và hứa sẽ không hại ai cả”.
Thằng bạn mất hai ngày để thuyết phục tôi thực hiện kế hoạch cướp tiệm vàng ấy. Nó hứa sẽ không hại đến ai, tiền vàng cướp được sẽ chia đôi. Thôi thì liều một lần này vậy, cuối cùng tôi cũng đồng ý. Chiều hôm ấy, tôi đóng giả một khách hàng vào tiệm vàng để mua đồ tặng bạn gái. Lúc đó tiệm vàng chỉ có người vợ ngồi ở quầy, còn người chồng vừa lên tầng trên. Mải cho tôi xem đồ, người vợ không cảnh giác với người khách thứ hai vừa bước vào trong. Thằng bạn tôi trong vai người khách ăn mặc lịch sự đeo kính đen tiến thẳng vào phía trong sát chủ quán, gí dao cạnh sườn bà ta, đe dọa: “Im mồm, không thì sẽ chết!”. Nó quát khẽ, bắt bà ta khẩn trương đưa một loạt dây chuyền cùng nhẫn vàng cho tôi. Đúng lúc ấy người chồng từ trên tầng đi xuống. Tôi bảo thằng bạn: “Chạy đi!”, nhưng nó càng trở nên hung hãn: “Không được! Mày cầm vàng chạy đi, để tao lo vụ này!”. Nhưng tôi không thể làm vậy. Tôi đóng cửa tiệm vàng để người ngoài không nhìn thấy, rồi lao vào ông chồng đang sững sờ trên bậc cầu thang dưới cùng. Thằng bạn bảo: “Nếu nó kêu lên thì giết đi!”. Tôi rút chiếc dao trong túi quần, tay run run chĩa về phía ông chủ quán. Ông ta định thần lại, rồi vùng chạy lên cầu thang, cùng với đó hét lên kêu cứu. Khi tôi đuổi kịp ông ta, thằng bạn ra lệnh: “Đâm lão ta!”. Tôi giơ cao tay lên, nhưng tôi không thể… Tôi quẳng con dao xuống đất. Thằng bạn tôi cũng quẳng con dao và van xin chủ quán tha cho, đừng gọi công an đến. Nhưng tiếng hét của người đàn ông đã kịp để cho những người xung quanh chú ý. Chẳng bao lâu sau, lực lượng công an ập đến. Một lần nữa, tôi lại trở thành tù nhân!
Vợ tôi đã phải bán nhà để trang trải, mà hình như còn vì cô ấy không đủ dũng cảm để sống trong căn nhà có quá nhiều kỷ niệm đau buồn ấy. Cô ấy thuê một căn phòng nhỏ trên thành phố để vừa tìm việc, vừa chăm sóc con. Có lần hai người đến thăm tôi. Nước mắt đầm đìa, vợ tôi nói: “Em dạy mãi, con giờ cũng nói được một vài từ rồi”, và quay sang đứa con đã lớn tướng: “Con gọi bố đi!”. Đứa con gái nhìn tôi, vẫn bằng ánh mắt xa lạ như ngày nào, nhưng miệng nó vang lên một thanh âm ấm áp: “Bố”. Tôi khóc òa lên như một đứa trẻ. Chưa lúc nào tôi cảm thấy ân hận như lúc này. Giá như có thể bù đắp cho sự thiếu thốn của con gái tôi, không phải bằng sự giận dữ, lòng tham, mà bằng chính tình yêu thương bình dị, bằng những tháng ngày sum vầy hạnh phúc…
Tôi đã bỏ lỡ quãng thời gian quan trọng nhất của đời mình cho những sai lầm. Đến bây giờ, khi đã lần thứ hai mãn hạn tù, tôi mới thực sự hiểu rằng con người ta cần phải đối mặt với mọi rủi ro và bất hạnh bằng tất cả sự kiên định, lòng vị tha và khao khát hướng thiện. Nhiều đêm thức trắng, tôi đã mong trời mau sáng để có thể nhìn rõ gương mặt hiền hậu, dịu dàng của vợ, để đánh thức đứa con gái lúc nào cũng nhìn mọi thứ xung quanh bằng ánh mắt ngây ngô, nói với nó rằng: “Con ơi, nay con thích ăn gì để bố mua nào?”. Và rồi mỗi tối đi làm về, tôi háo hức bước vào căn phòng trọ nhỏ bé của mình, ngồi xuống bên con, chìa ra một gói bánh, một túi kẹo hay một thứ đồ chơi nào đó, nhìn ngắm gương mặt sáng bừng lên vì mừng rỡ của nó.
Đó là hạnh phúc tôi đã có được một cách nhọc nhằn sau bấy nhiêu đau khổ trong đời. Tôi muốn vợ con tôi biết rằng, nhờ có tình yêu thương của hai người mà tôi vượt qua được tất cả những chuyện này…
T.V (ghi theo lời kể của anh N.V.Â)