Trở về...
(Baonghean) - Trại giáo dưỡng T.H, một tỉnh phía Bắc. Một thanh niên là trại viên, khi biết một nữ phóng viên về tìm hiểu, viết bài ở trại nói giọng Nghệ nên có ý muốn hỏi thăm. Cậu đã nhờ nữ phóng viên chuyển giúp tới tay người quen một bức ảnh. Và thành thật kể lại câu chuyện của mình…
Chị hỏi vì sao tôi có mặt tại đây ư? Mọi chuyện bắt đầu từ buổi chiều tháng Tư năm đó, khi tôi bỏ nhà đi bụi. Chả là, trước đó, thằng bạn người Nghệ An rủ tôi vào trong đó “ăn hàng” với hắn. Hồi học ở Hà Nội, hắn và tôi cùng bị rủ rê trở thành đệ tử của nàng tiên nâu. Chúng tôi cùng thuê một căn phòng nhỏ gần xóm trọ sinh viên ở Cửa Lò. Hàng ngày, ngoài việc tụ tập, hút xách, chúng tôi có nhận một vài việc làm phi pháp khác, và tệ nhất, để dịu cơn vã thuốc, chúng tôi đi trộm, cướp.
Hôm đó, tiền trong túi đã cạn, chúng tôi lượn đi một vòng quanh các con đường giờ tan tầm. Mãi mà cơ hội chưa tới. Cho đến khi trời đã chạng vạng, phát hiện có 2 phụ nữ chở nhau trên một chiếc xe tay ga, vừa đi vừa mải mê trò chuyện, người ngồi sau khoác túi trước ngực, chúng tôi lập tức bám theo. Thời cơ đã đến, thằng bạn tăng ga, áp sát và tôi đã thành thục giật mạnh cái túi của người ngồi sau. Chiếc xe máy của họ loạng choạng, ngã xuống đường cùng với tiếng kêu ú ớ. Tôi ngoái lại nhìn. Đường vắng lắm, chiếc xe ngã, không thấy tiếng la nào, và tôi đã “ăn hàng” an toàn. Việc đầu tiên tôi làm là tắt nguồn 2 chiếc điện thoại trong túi, tháo sim vứt đi. Sau đó chúng tôi lượn vòng vèo rồi đi kiểm đếm chiến lợi phẩm tại một nghĩa trang. Túi xách, tài liệu, sổ sách…, tốt nhất là quẳng nhanh cho rảnh. Chỉ cần cái ví trên tay tôi. Này là chứng minh thư, vứt. Này là thẻ ngân hàng, không có giá trị với chúng tôi. Gần 2 triệu đồng tiền mặt, kể cả tiền lẻ, được vuốt rất phẳng phiu đựng trong một ngăn riêng, đây là thứ quan trọng nhất, đương nhiên cất túi. Có 2 tấm ảnh nhỏ, không hiểu sao khi đó, tôi cũng đút vào túi quần…
Minh họa: Hồng Toại |
Tối ấy, sau bữa túy lúy, tôi chợt chạm tay vào bức ảnh trong túi quần. Tôi lôi ra xem. Bức ảnh đầu tiên là tấm hình một cô bé con với cái đầu lơ thơ tóc và nụ cười ngộ nghĩnh. Có lẽ đó là con gái người phụ nữ bị tôi giật túi xách. Bức ảnh thứ 2 là một bức ảnh đen trắng. Và tôi không thể tin nổi vào mắt mình khi nhìn vào bức ảnh… Không lẽ…? Sao lại giống bức ảnh của tôi quá thể! Nhưng rõ là bức ảnh của tôi đang treo trên tường nhà, ở quê cơ mà. Tôi lật đằng sau bức ảnh, dòng chữ học trò : “Nhớ mãi em Khải, con cô Lan. Vĩnh Phú, 1992”. Trong ảnh, thằng bé 6 tuổi, chính là tôi, với ánh mắt to tròn, đen láy chụp cạnh người chị mà tôi mang ơn và suốt một thời gian mong mỏi tìm kiếm.
Chị ấy là con gái một bác cùng đơn vị của mẹ tôi. Tôi sững sờ. Chị Thùy. Trời ơi, có lẽ nào chị Thùy lại chính là người đã bị tôi, thằng Khải, con cô Lan giật túi xách sao? Cầu mong là không phải thế! Không biết nạn nhân của chúng tôi có bị làm sao không? Một nỗi sợ hãi bỗng trào lên trong tâm trí. Tôi như một kẻ điên, phóng xe ra đường. Tôi đi lại con đường mà chúng tôi đã đi chiều nay. Tôi tìm lại góc đường mình đã cướp đồ của 2 người phụ nữ. Chẳng thấy dấu vết gì cả, chỉ thấy thi thoảng có bóng xe vụt qua. Tôi lần mò vào nghĩa trang, mong tìm lại giấy tờ trong chiếc túi xách mà tôi đã lần lượt quăng đi. Đâu rồi, những thứ tôi quăng đi? Trong ánh sáng lờ nhờ của chiếc điện thoại, và tiếng gió hoang vu, lạnh lẽo, sau hồi dài tìm kiếm, tôi chỉ còn thấy một bằng lái xe máy mang tên Thùy. Đất dưới chân tôi như sụp lở. Sao tôi khốn nạn thế này???
Lâu lắm, tôi đã quên đi chính mình. Quên đi quá khứ, quên cả những tội lỗi, quên sự ăn năn. Lâu lắm, tôi chỉ biết sống qua ngày với những cữ thuốc, và nghĩ chỉ cần có thuốc là đủ… Tôi nhìn quanh bãi tha ma. Lẽ ra, chính tôi mới là người nên nằm lại nơi này. Đã bao năm qua, tôi sống để làm khổ người thân của mình. Đã bao năm qua, sao đến bây giờ, tôi mới có phút nghĩ lại?
Khi đã đủ bình tĩnh, tôi quay về phòng trọ. Sáng mai ra, tôi nói thằng bạn, bằng giá nào, mày cũng phải tìm hiểu cho tao xem người bị nạn chiều qua có bị sao không. Thằng bạn kinh ngạc nhìn tôi: “Mày hôm nay sao thế?”. Thầy tôi nằng nặc, nó cũng đi dò la, chiều theo ý tôi. Khi trở về, nó nói: “Tao hỏi rồi, thấy nói chuyển một người vào viện. Chắc cũng chẳng bị nặng”.
Những ngày sau đó, tôi đóng cửa nằm triền miên trên giường. Và kỳ lạ, tôi đã khóc. Lâu lắm rồi, tôi không khóc, chỉ có “khóc” diễn trước mặt mẹ tôi mà thôi. Tôi nhớ về những ngày tháng xưa và kỷ niệm với chị Thùy - một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được. Đó là mùa hè năm 1992. Chị Thùy là người Hà Tây, theo bố lên đơn vị ở Vĩnh Yên chơi. Tôi thân với chị lắm, vì chị rất tốt bụng, chiều chuộng những đứa bé như tôi. Năm đó, tôi chuẩn bị lên lớp 1. Chị hơn tôi đến 5 tuổi, nên thường bày chữ cho tôi học những lúc rảnh. Hôm đó, tôi cứ nằng nặc đòi chị chơi trận giả, bẻ hoa bên bờ đầm cho tôi (cái đầm rộng mà đơn vị mẹ tôi ở sát cạnh). Chị Thùy nhất định nói tôi không được ra cạnh bờ đầm, nguy hiểm. Thế nhưng tôi chẳng nghe lời, tỏ ý giận chị. Chị năn nỉ tôi về không được, nên đã đi về. Về một lúc, chắc chẳng yên tâm, chị đã chạy ra ngó chừng tôi. Không ngờ đó là lúc chị nhìn thấy tôi chới với dưới nước. Tôi chỉ nghe tiếng chị hét thất thanh, rồi chị chạy cuống bên bờ. Lúc đó, khu tập thể vắng người vì đúng giờ đi làm. Không còn cách nào, chị lội xuống, kịp bẻ một cành xấu hổ để quăng về phía tôi cho tôi bíu lấy. Chị cố lôi tôi về phía chị, nhưng cành cây rất nhỏ, lại có nhiều gai đau. Cũng may, đúng lúc đó, một chiếc thuyền đánh cá bột trên đầm, nghe tiếng chị kêu đã bơi lại. Chúng tôi được vớt lên, ướt mèm và run rẩy trong sợ hãi tột cùng…
Sau kỷ niệm nhớ đời ấy, mẹ tôi và bố chị quyết định đưa hai chị em ra hiệu ảnh thị xã chụp một kiểu làm kỷ niệm. Bức ảnh ấy, gia đình tôi vẫn giữ, vẫn treo trên khung ảnh chung trong nhà…
Sau đó một vài năm, bố chị Thùy xin về hưu sớm. Bác ấy trở về quê từ đó. Gia đình tôi cũng bặt tin bác. Mãi gần sau này, tôi được biết, chị Thùy đã lấy chồng ở Nghệ An. Tin tức về chị, chỉ có thế…
Sau những ngày nằm suy nghĩ, tôi nhấc điện thoại và gọi về cho mẹ. Mẹ tôi nức nở trong điện thoại, nói rằng bà đã héo mòn vì sự bặt tin của tôi. Tôi nói, mẹ ơi, con sẽ trở về. Khi về, mẹ nhớ cho con đi trại. Con là đứa bất hiếu, đứa có tội. Đáng lẽ ra, con không nên sống nữa. Mẹ tôi nói, chỉ cần tôi nói điều đó là thật, thì đó đã là quà tặng vô giá đối với mẹ. Mẹ nói, sẽ chờ tôi trở về, sẽ chờ tôi làm lại…
Và tôi đã có mặt ở nơi này. Chị có tin không, có những điều thật khó giải thích, nhưng, bây giờ thì tôi đã trở về là thằng Khải, chứ không phải kẻ muốn quên đi quá khứ.?
T.V (ghi)