Những người trẻ năng động

26/03/2014 16:15

(Baonghean) - Giải thưởng Lý Tự Trọng là phần thưởng cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng vào dịp 26-3 hàng năm tôn vinh cán bộ Đoàn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, lao động và công tác, có nhiều sáng kiến, ý tưởng được triển khai, ứng dụng trong công tác Đoàn, có uy tín và ảnh hưởng tốt trong đoàn viên, thanh niên. Dưới đây là 2 trong số những gương mặt cán bộ đoàn khối nông thôn làm kinh tế giỏi của Nghệ An được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2014.

Lễ trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2013
Lễ trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2013

Nguyễn Cảnh An - thủ lĩnh đoàn năng động

Trưởng thành từ chi đoàn cơ sở với hơn 11 năm gắn bó với công tác Đoàn nhưng Bí thư Chi đoàn phường Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò) Nguyễn Cảnh An vẫn tràn đầy nhiệt huyết và đam mê.

Đặc thù của vùng biển là số lao động trẻ đi làm nghề cá nhiều, bên cạnh đó trên địa bàn có hơn 300 thanh niên đi xuất khẩu lao động, vì vậy việc tập hợp ĐVTN vào tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trên cương vị là “ thủ lĩnh” Đoàn phường, Nguyễn Cảnh An luôn trăn trở đề xuất, tổ chức những hoạt động thiết thực phù hợp với tâm lý của thanh niên. Anh trực tiếp tham mưu cho UBND phường giao cho Đoàn đảm nhận các công trình, phần việc như vệ sinh, làm đẹp trục đường Bình Minh, khuôn viên bãi biển, Đài Liệt sỹ, trụ sở UBND, tiếp sức mùa thi, tuyên truyền thực hiện chủ trương “5 không” của thị xã... Bên cạnh đó kêu gọi, tranh thủ sự ủng hộ từ các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn và thanh niên địa phương đi xuất khẩu lao động để tổ chức các hoạt động và phong trào thanh niên. Qua đó, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng ủy kết nạp được 26 đoàn viên ưu tú vào Đảng, tỷ lệ ĐVTN tham gia sinh hoạt đạt trên 70%, có 85% chi đoàn xếp loại TSVM.

Không cam chịu đói nghèo, năm 2009, An bàn với anh em và một số bạn bè thân thiết hùn vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng mua 1 đôi tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90 CV, thu hút 18 lao động chủ yếu là thanh niên trong phường tham gia sản xuất. 3 năm liền, tàu khai thác có hiệu quả cao, đem lại thu nhập từ 40-60 triệu đồng/người/năm. Ấp ủ ước mơ vươn khơi xa, đến năm 2011, anh lại bàn với gia đình và anh em bạn bè đầu tư thêm 1,7 tỷ đồng đóng tàu to, máy lớn để khai thác xa bờ. Đến nay ngoài 2 đôi tàu gồm 2 chiếc công suất 380 CV và 2 chiếc công suất 420 CV sản xuất, đội tàu còn có 2 chiếc công suất nhỏ 48 CV để trung chuyển hải sản từ Cảng Cửa Lò vào lạch để tiêu thụ… tạo việc làm cho 40 lao động khai thác trực tiếp và 40 lao động phục vụ bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí tổng doanh thu 1 đôi tàu 1 năm thu nhập khoảng từ 2,6 - 2,8 tỷ đồng. Ngoài đánh bắt hải sản xa bờ các đôi tàu còn tích cực tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ thuyền bè khi gặp gió bão, gặp nạn trên biển…

Điều đáng quý là tuy bận rộn với công tác Đoàn và việc phát triển kinh tế nhưng với tâm niệm “làm việc gì cũng cần tri thức” thủ lĩnh đoàn Nguyễn Cảnh An vẫn chịu khó học tập, trau dồi kiến thức. Hiện nay đã học xong lớp trung cấp chính trị, trung cấp tư pháp và hiện đang theo học Đại học Luật kinh tế.

Vừa làm tốt công tác Đoàn vừa đi đầu trong phát triển kinh tế, năm 2013 Nguyễn Cảnh An được Tỉnh đoàn tuyên dương điển hình thanh niên làm theo lời Bác và dịp 26/3 năm nay anh vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng dành cho cán bộ Đoàn tiêu biểu.

Lê Anh Hùng, làm giàu trên mảnh đất quê hương

Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Phú (Tân Kỳ), Lê Anh Hùng (SN 1982) ước mơ trở thành sỹ quan quân đội. Vậy nên, học xong phổ thông, Hùng đăng ký đi nghĩa vụ quân sự và ôn thi đại học. Vì nhiều lý do nên ước mơ “binh nghiệp” của Hùng dang dở, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hùng mang ba lô về quê lập nghiệp.

Nhận thấy tiềm năng đất đai rộng lớn của địa phương, Hùng bàn với bố mẹ chuyển nhà ra đồng để dễ dàng thuê đất, thiết kế làm trang trại chăn nuôi. Với 2 ha đất thuê được, ban đầu Hùng chỉ trồng mía và sắn. Sau dần thấy cây mía và sắn chỉ cho giá trị trung bình, thu nhập không cao. Hùng đi khắp nơi, từ Bình Dương cho đến Hà Tây, Quảng Ninh.. để tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Cùng với trồng mía, trồng sắn nguyên liệu, nuôi lợn và gà, Hùng đào ao thả cá để vừa có nước tưới lại tận dụng được phân bón phục vụ cây trồng.

Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 2006, Hùng mạnh dạn bàn với gia đình đầu tư 500 triệu đồng để làm trại nuôi lợn giống; thiết kế lại diện tích ao nuôi cá theo quy trình công nghiệp. Hơn 1 năm sau, trang trại của Hùng đã có hàng ngàn con gà, đàn lợn nái lên tới hơn 50 con, hàng năm bán hàng ngàn con lợn giống, cho thu nhập 70 đến 100 triệu đồng/năm, thời điểm cao nhất trên vài trăm triệu đồng. Hiện nay, ngoài việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi thí điểm cá diêu hồng, Hùng đang chuyển đổi đàn lợn giống để có giá trị kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, Hùng hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn và dành thời gian đi học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn. Hiện anh đã học xong Đại học Nông nghiệp. Nhờ vậy, năm 2006 Hùng được kết nạp Đảng và được bầu làm bí thư chi đoàn và kiêm thôn đội trưởng, sau đó vào Ban Thường vụ Đoàn xã, Phó Bí thư Đoàn và nay là Bí thư Đoàn xã Tân Phú.

Với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất kinh tế trang trại và hoạt động Đoàn, năm 2008, Hùng được Tỉnh đoàn tặng danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh; năm 2009 tiếp tục được T.Ư Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của. Liên tục từ năm 2007 đến 2012, Hùng được Tỉnh đoàn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 phong trào là “5 xung kích phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc” và “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”

Khánh Ly - Nguyễn Hải