Lạch Vạn bồi lắng, ngư dân gặp khó
(Baonghean) - Thời gian qua, ngư dân Diễn Châu hết sức lo lắng trước thực trạng lạch Vạn (Diễn Ngọc, Diễn Châu) bị bồi lắng, khô cạn khi triều xuống. Hệ lụy là hoạt động khai thác, thu mua, chế biến hải sản bị đình trệ, kém hiệu quả. Nguy cơ hơn, lạch Vạn sẽ không còn là nơi trú ẩn an toàn khi biển động…
Trục vớt tàu cá bị mắc cạn ở cửa lạch. |
Ngư dân Đậu Trọng Đạt – xóm Yên Quang, Diễn Ngọc (Diễn Châu), có 6 năm gắn bó với nghề biển, nhưng chiếc tàu 90 CV của anh đã 2 lần bị mắc cạn ngoài cửa lạch. Được bạn nghề cứu vớt kịp thời nên chỉ hư hỏng một phần vỏ tàu. Nhưng anh cũng phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng để sửa chữa. Anh Đạt kể lại: “Khi đài báo bão chúng tôi lập tức đưa tàu về. Nhưng khi đến cửa lạch thì bị mắc cạn, tàu nghiêng, sóng đánh bể ván, bể cả ống bao. May mà thanh niên trong xóm kịp thời vét nước, vét cát, tập trung kéo dắt, mới thoát được nạn”.
Không được may mắn như anh Đạt, ngư dân Trần Văn Tâm – xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích đành chịu mất chiếc tàu nơi cửa lạch. Vào tháng 9/2013, chiếc tàu 180 CV, trị giá trên 600 triệu đồng của anh khi ra biển đã bị mắc cạn và lật ở cửa lạch, bị sóng đánh tan thân tàu, còn toàn bộ máy móc, ngư cụ bị cát vùi sâu. Tài sản dồn cả vào tàu cá khiến cho gia đình hết sức khó khăn, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Đôi tàu xa bờ có công suất trên 1.000 CV của anh Ngô Trí Đông, xã Diễn Ngọc từ khi được đưa vào sử dụng đến nay đều phải cập Cảng Cửa Lò do không thể vào Cảng Lạch Vạn. Vì thế anh Đông phải thuê xe chuyên chở hải sản “tăng bo” về kho cấp đông ở bến Lạch Vạn, vừa tốn thời gian, tiền công vận chuyển, lại phải vất vả trông nom. Trung bình mỗi năm anh phải bỏ ra trên 300 triệu đồng chi phí vận chuyển “tăng bo” như thế. Anh Đông chia sẻ: “Lạch sâu thì tàu muốn vào ra khi nào cũng được. Còn thực trạng như hiện nay, cửa lạch bị bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu thuyền rất khó khăn khi ra vào cảng, đặc biệt là mùa mưa bão, gây nguy hiểm tài sản, tính mạng của ngư dân...”.
Lạch Vạn là nơi ra vào duy nhất của tàu thuyền khai thác hải sản ở Diễn Châu. Chưa bao giờ cửa lạch Vạn lại bị bồi lấp với tốc độ nhanh như trong 10 năm trở lại đây. Cửa lạch bị bồi lấp tạo nên những doi cát kéo dài vài chục mét khiến ngày càng hẹp lại, lúc nước rút chỉ sâu chưa đến 1m, người dân có thể lội qua. Hai năm qua, Diễn Châu đã có 15 tàu lớn nhỏ mắc cạn, 4 ngư dân đã bỏ mạng nơi cửa lạch. Những tàu may mắn đưa được vào bờ thì cũng phải mất hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, còn không thì cũng đành mất trắng. Không chỉ khi vào, mà khi ra khơi, ngư dân cũng vất vả không kém. Đã có hàng chục chiếc tàu của ngư dân bị gãy chân vịt, cong trục do luồng lạch cạn, phải nằm lại sửa chữa mất thời gian và tốn hàng triệu đồng. Bà con ngư dân đang thiệt đơn, thiệt kép.
Gói 10.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu công suất lớn mang lại niềm hy vọng đổi đời cho ngư dân Diễn Châu, nhưng ai cũng phải đắn đo, tính toán bởi tàu nhỏ ra vào lạch đã khó, huống hồ đóng tàu phải từ 400 CV trở lên theo quy định của Nhà nước. Nạo vét, thông lạch trở thành nỗi khát khao thường trực của ngư dân Diễn Châu. Việc nạo vét đã được UBND huyện Diễn Châu thực hiện một vài lần thông qua các dự án. Tuy nhiên, kinh phí ít, việc nạo vét chỉ là giải pháp tình thế như “muối bỏ bể” bởi sau vài trận mưa lạch lại bồi trở lại. Ông Phan Xuân Vinh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Cửa lạch Vạn là nơi ra vào của ngư dân nhưng do bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của ngư dân. Việc đầu tư, thiết kế để đưa ra phương án hữu hiệu nhất gặp khó khăn vì kinh phí rất lớn.
Mong mỏi của ngư dân Diễn Châu là có một cửa lạch thông thoáng để nghề biển bớt phần khó khăn, nguy hiểm, đồng thời ngư dân có thể tự tin đón nhận chính sách đóng tàu xa bờ vươn khơi với những con tàu công suất lớn.
Mai Giang
Đài TT-TH Diễn Châu