Đoàn giám sát Ủy ban kinh tế của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh
(Baonghean.vn) - Ngày 29/7, Đoàn giám sát của Ủy ban kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về nội dung: giám sát thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2015.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh.
Toàn cảnh cuộc làm việc. |
Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công; xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững; giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư tăng lên qua từng năm.
Từ 2011-2014, tỉnh Nghệ An được thông báo và phân bổ nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ là 13.892,277 tỷ đồng, trong đó tỉnh trực tiếp phân bổ 10.859,277 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư công được tỉnh sử dụng có hiệu quả, đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh. Hiện có 16/54 Quỹ tín dụng nhân dân được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An tích cực chỉ đạo tái cơ cấu, có 16/54 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tốt đã thực hiện xong đề án tái cơ cấu. Có 167 doanh nghiệp nhà nước được thực hiện việc chuyển đổi sang cổ phần hóa, chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên, bán doanh nghiệp, giải thể, phá sản, sáp nhập, hợp nhất, chuyển sang sự nghiệp có thu.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Nghệ An đã nêu lên những vấn đề còn vướng mắc cần tháo gỡ về tái cơ cấu đầu tư công, đồng thời nêu một số kiến nghị. Theo đó: Quốc hội cần sớm ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật đầu tư công, Luật quản lý vốn đầu tư kinh doanh của nhà nước tại các doanh nghiệp, Luật quy hoạch để có căn cứ trong triển khai thực hiện. Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội đối với lĩnh vực đầu tư công.
Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư để làm cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư công hàng năm tại mỗi địa phương, vùng, miền. Về tái cơ cấu ngành ngân hàng, Chính phủ cần có các chế tài ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm của người vay vốn, hạn chế tình trạng người vay vốn bất hợp tác, kéo dài thời gian xử lý nợ. Nội dung tái cơ cấu đầu tư công là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nên cần được tiến hành đồng bộ gắn với các đột phá chiến lược, tổng thể. Vì vậy, ý kiến của tỉnh Nghệ An là cần sửa đổi nội dung về thẩm định vốn đối với các dự án khởi công mới, trong đó ủy quyền cho các địa phương thẩm định nguồn vốn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng để tăng tính chủ động, giảm thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư của các dự án.
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh nhấn mạnh: tỉnh đã xác định được vấn đề tái cơ cấu kinh tế để thay đổi mô hình tăng trưởng. Tỉnh Nghệ An xin tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát và sớm chỉ đạo tiến hành đổi mới tư duy để thực hiện việc tái cơ cấu kinh tế có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Thay mặt đoàn giám sát của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận và đánh giá kết quả bước đầu trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sát sao gắn việc tái cơ cấu kinh tế vào công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đảng bộ, cũng như của Chính phủ đề ra. Những kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn tổng hợp, báo cáo với Quốc hội và bộ, ngành liên quan giải quyết.
Thanh Lê