Trong "họa" có "phúc"...

22/05/2014 19:12

(Baonghean) - Trước hết, cần khẳng định rằng, chẳng ai mong muốn hay chờ đợi sẽ gặp họa, chẳng hay hớm gì khi tai họa ập đến với mình. Nhưng khi họa đã đến, khi không thể tránh được, thì bắt buộc người trong cuộc phải “tương kế tựu kế”, phải tìm xem trong hoàn cảnh hiểm họa đến, có những yếu tố, những khả năng nào có thể chuyển hóa thành cơ hội, lợi thế, sức mạnh, nhằm chuyển nguy thành an, chuyển họa thành phúc, hay chí ít là sớm vượt qua cái họa, đẩy lùi cái họa, khắc phục hậu họa.

Ngày 20/5 vừa qua, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, chúng ta đã kiên trì tiến hành 20 cuộc đàm phán với Trung Quốc nhưng quốc gia này vẫn ngoan cố không thừa nhận sai lầm và tỏ rõ ý đồ không lùi bước trước tham vọng độc chiếm Biển Đông. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD - 981 tại vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đang là một đại họa. Cái họa đó không một người Việt Nam và người yêu chuộng pháp lý, đạo lý nào mong muốn. Cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài vô cùng bức xúc, không thể chấp nhận và quyết tâm dùng mọi biện pháp có thể, nếu cần, để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Dư luận thế giới cũng hết sức ngao ngán trước lối hành xử kiểu chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi đang trỗi dậy một cách đáng ghê sợ của Trung Quốc. Việc vô cớ hạ đặt giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền Việt Nam, rồi kéo đến vô số tàu các loại, trong đó có nhiều loại tàu chiến, ngang ngược tấn công tàu chấp pháp Việt Nam, cho thấy Trung Quốc đang thực hiện tham vọng bành trướng với những biểu hiện hết sức lỳ lợm!

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Vác-sa-va (Ba Lan).
Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Vác-sa-va (Ba Lan).

Tuy nhiên, bằng lý trí và lương tri của một quốc gia có chủ quyền, có pháp lý và có đạo lý, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng sớm hay muộn chúng ta nhất định sẽ đẩy lùi được đại họa này. Bởi khi đặt trước nguy cơ đại họa, chúng ta lại có điều kiện để nhận diện rõ hơn đại phúc mà dân tộc ta, đất nước ta đã và đang có.

Rằng buồn thì buồn thật, bực thì bực thật, nhưng giả sử nếu có ai đó hỏi tôi những ngày qua có điều gì làm bạn cảm thấy vui vẻ, phấn chấn không, tôi xin thưa ngay rằng có, thậm chí là rất vui, rất phấn chấn, có những lúc mừng phát khóc lên được. Không vui mừng sao được khi khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, người dân đâu đâu cũng lên tiếng thể hiện thái độ “đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi”. Cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới đều đồng loạt lên tiếng, tổ chức xuống đường biểu tình ôn hòa, đúng pháp luật, lên mạng bày tỏ thái độ, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Dẹp đi những khác biệt, gạt sang một bên những khoảng cách, gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, từ người nông dân dưới ruộng cày, anh công nhân ở nhà máy, thầy giáo trên bục giảng, giáo sỹ trong giáo đường, bác sỹ trong bệnh viện, nhà văn bên trang sách, nghệ sỹ trên sân khấu, nhà chính trị trên chính trường..., tất cả đều thể hiện cao độ trách nhiệm và ý thức công dân của một quốc gia có độc lập tự chủ, tất cả đều đặt vị trí tồn tại của mình trong mối liên hệ với vận mệnh của quốc gia dân tộc. Người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, vị trí, đã xích lại gần nhau hơn bởi mối liên hệ đặc biệt - sợi dây trách nhiệm với quốc gia dân tộc. Lần lượt các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đều đã phát biểu khẳng định Việt Nam sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP. Hồ Chí Minh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại khai mạc kỳ họp Đại biểu Quốc hội lần thứ 7 (khóa XIII)..., tất cả đều khẳng định toàn Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam đồng sức, đồng lòng, cùng một ý chí quyết tâm dùng mọi biện pháp để kiên quyết giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Với muôn vàn những biểu hiện, hành động khẳng định lòng yêu chuộng hòa bình và mong muốn Trung Quốc rút giàn khoan, tàu biển về nước, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam dâng cao ngùn ngụt và phát lộ những tín hiệu cảnh báo với kẻ thù rằng đó sẽ là những sức mạnh vô địch của chính nghĩa, chí nhân. Sức mạnh đó có thể sẵn sàng nhấn chìm bất cứ ý đồ xâm phạm lãnh thổ nào như đã từng diễn ra trong lịch sử hàng nghìn năm trường chinh dựng nước và giữ nước. Đó chính là sức mạnh của lòng dân, sức mạnh có thể “lật thuyền” cường bạo, ngoại xâm, và “đẩy thuyền” chính nghĩa, ái quốc. Lịch sử cũng nhắc nhở chúng ta một bài học lớn rằng, nếu có lòng dân mạnh, sẽ có vận nước thịnh. Bài học này chắc hẳn có ý nghĩa mọi nơi, mọi lúc, nhất là vào thời điểm như thế này, trước tình thế gian khó này. Vì thế, không vui sao được khi thấy lòng dân ta đang vô cùng mạnh.

Cùng với sức mạnh lòng dân ta, là sức mạnh của dư luận cộng đồng thế giới. Lúc này, trong sự nhìn nhận của dư luận quốc tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc chẳng khác gì kẻ tiểu nhân “cậy thượng át hạ” đang tạm thời thắng thế. Trong một thế giới đang bước đi trên con đường hướng đến văn minh, ổn định và phát triển, đương nhiên không ai mong muốn sự xuất hiện những bước chân của kẻ tội đồ, phi pháp. Thế giới đó phải được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chung, nguyên tắc chung, trên tinh thần vì cộng đồng, vì sự phát triển hòa bình và ổn định, được đa số thành viên tham gia xác nhận. Vì vậy, Trung Quốc dù có vung hết sức mạnh trên thực địa, giở hết các ngón tuyên truyền lừa dối dư luận, thì cũng chỉ là sự ngạo mạn nhất thời và vụng trộm trước khi sức mạnh pháp luật và công luận đủ sức để xác lập lại những trật tự cần có và phải có. Sự thật lịch sử về vùng biển thuộc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam và Công ước về Luật Biển 1982 sẽ là hai gọng kìm cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế khách quan để các cơ quan bảo vệ công pháp thế giới, dư luận cộng đồng thế giới bóp chặt và kìm giữ không để cho bất cứ thế lực nào hành xử theo lối “hải tặc”.

Trong tình thế đó, mặc dù rất bất bình, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn kiên quyết đấu tranh bằng con đường kiên trì lập trường hòa bình. Việt Nam vẫn bình tĩnh, tỉnh táo, không mắc mưu, dính bẫy, không để kẻ xấu lợi dụng để manh động, gây ra chiến sự. Đó thực sự là kế sách giữ nước đầy mưu lược được thừa hưởng từ lịch sử cha ông, vừa thể hiện trách nhiệm cao trong việc gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định cho nhân dân làm ăn sinh sống mà chúng ta đã đổ ra hàng núi xương, sông máu để có được, vừa thể hiện thái độ tích cực trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định chung cho khu vực, thế giới. Nhưng Việt Nam cũng khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp khi cần thiết để giữ vững bằng được chủ quyền của đất nước. Vì thế, hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, một Việt Nam là thành viên có tinh thần trách nhiệm cao đối với việc tham gia và thực thi các văn bản pháp lý của các tổ chức cộng đồng quốc tế, ngày càng được chứng minh một cách thuyết phục và do đó vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Một thực tế nhiều chiều khác đang diễn ra và chúng ta liên tiếp chứng kiến, đó là trong khi một số cá nhân, đơn vị phía Trung Quốc có những hành vi phá hoại sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, không bắt tay làm ăn với các tổ chức và cá nhân người Việt Nam, thì lại có vô số những dòng đầu tư, những cánh tay thương mại ở nhiều hướng khác đang chìa ra, giang rộng về phía Việt Nam. Một số người còn cho rằng, có thể đây cũng là cơ hội lớn để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước vươn lên tự chủ, tránh lệ thuộc quá nhiều vào hàng hóa và công nghệ Trung Quốc. Một mặt, chúng ta có điều kiện để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, mặt khác lại có cơ hội để hướng đến những dòng vốn lớn, cách làm ăn lớn, sân chơi lớn của những bạn hàng lớn mà lâu nay mới chỉ tồn tại quan hệ thương mại ở dạng tiềm năng. Đó là về phương diện kinh tế, còn ở các phương diện khác như chính trị, quân sự, ngoại giao, rất có thể Việt Nam ta vẫn có nhiều cơ hội tương tự để phát triển đất nước hùng mạnh trên cơ sở giữ vững đồng thời hai nhiệm vụ tối quan trọng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Vì thế, tuy bị chơi xấu, bị đẩy vào tình thế cam go, khó khăn, lâm vào đại họa, với một đại giàn khoan vào sâu trong vùng chủ quyền và đại quân tàu biển các loại đi theo hộ vệ, nhưng cũng trong tình thế đó, Việt Nam lại đón nhận nhiều yếu tố có thể chuyển hóa thành sức mạnh, thành lợi thế căn bản để vượt qua khó khăn, thử thách... Chúng ta hoàn toàn vững tâm, bền chí để đi đến cùng trong việc bảo vệ thắng lợi mục tiêu giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ!

Ngô Kiên