Ứng phó với biến đổi khí hậu

05/06/2014 09:02

(Baonghean) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) được biểu hiện qua việc trái đất đang nóng lên, lượng mưa thay đổi dẫn đến sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan và các ảnh hưởng tiêu cực, trong đó mực nước biển dâng là một trong những hậu quả lớn nhất. Theo nghiên cứu, Nghệ An với 82 km bờ biển là tỉnh chịu tác động và ảnh hưởng lớn của quá trình nước biển dâng.

Nông dân Võ Đình Giang, xóm 7, xã Nghi Tiến (bên trái) bên ruộng lúa khô cháy của mình.
Nông dân Võ Đình Giang, xóm 7, xã Nghi Tiến (bên trái) bên ruộng lúa khô cháy của mình.

TIN LIÊN QUAN

Trong những tác động tiêu cực của BĐKH đối với lĩnh vực kinh tế, khu vực nông nghiệp được xem là thiệt hại nặng nề nhất. Và trong thực tế ở Nghệ An, những tác động đó không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu khá rõ nét ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương ven biển. Xã biển Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, những ngày đầu tháng 6 nắng nóng như đổ lửa. Trên diện tích 185 ha đất sản xuất lúa, hầu hết nhân dân đã thu hoạch xong. Đứng nhìn chân ruộng của gia đình nứt nẻ, gốc rạ cháy vàng, nông dân Võ Đình Giang, xóm 7, xã Nghi Tiến thở dài: “Nắng hạn thế này, lấy nước mô ra mà làm vụ hè thu chứ”. Gia đình anh Giang có 2 sào ruộng, trước vẫn làm 2 vụ mỗi năm ăn chắc. Nhưng theo anh cho biết, khoảng 4 năm lại đây, nông dân như anh làm vụ hè thu thường trắng tay hoặc nếu thu được thì hiệu quả cũng không cao mà nguyên nhân chính là do hạn hán, thiếu nước sản xuất.

Qua tìm hiểu, được biết ngay từ ngày 7/5, UBND xã Nghi Tiến đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu trên diện tích 115 ha. Tất cả các khâu phân bón, giống đã được chuẩn bị sẵn. Nhưng đến ngày 2/6 vừa qua, xã phải họp quyết định hủy gieo cấy vụ hè thu, chuyển sang làm vụ mùa sớm. “145 ha trồng lúa của xã lấy nước từ sông Cấm, 40 ha còn lại lấy nước từ đập Khe Nước. Nhưng, mấy tháng nay không có một giọt mưa, lũ tiểu mãn cũng không có, nước sông Cấm bị nhiễm mặn, không thể sản xuất được. Còn đập Khe Nước cũng ở vào tình trạng cạn, diện tích còn lại đành bỏ hoang. Giờ chỉ trông vào vụ mùa sớm nhưng cũng bấp bênh vì còn phụ thuộc vào thời tiết có mưa hay không”, ông Lưu Quang Thưởng – Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến lo lắng. Nói về ảnh hưởng của BĐKH, nhất là tác động của nước sông bị mặn xâm thực, ông Thưởng cho biết thêm: “Từ năm 2009 đến nay, năm nào nước tưới cũng bị nhiễm mặn nên diện tích gieo cấy vụ hè thu giảm dần. Như năm 2013, cả xã làm được 105 ha nhưng đến khi thu hoạch chỉ được 70 ha, năng suất lúa cũng giảm nhiều so với vụ Xuân”.

Câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở Nghi Tiến, theo Phòng NN & PTNT huyện Nghi Lộc, do tác động của BĐKH nên thời tiết diễn biến bất thường. Hạn hán vào vụ hè thu diễn ra nhiều và gay gắt hơn trong các năm gần đây. Nhiều vùng, chủ yếu là các xã ven sông Cấm và vùng bán sơn địa thiếu nước sinh hoạt và nước tưới. Đặc biệt, do sông Cấm thiếu nước nên bị mặn xâm thực, đặt các xã nằm ven hoặc cuối sông Cấm như Nghi Quang, Nghi Yên, Nghi Tiến ở vào tình trạng bất khả kháng là vụ hè thu và vụ mùa sản xuất bấp bênh do thiếu nước tưới. “Sông Cấm đoạn từ cầu Cấm đến bara Nghi Quang, vừa qua quan trắc được độ mặn 1%, tức là 10‰, trong khi độ mặn nhỏ hơn 2‰, nước mới có thể đảm bảo tưới cho lúa”, ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng NN & PTNT Nghi Lộc cho biết.

Sự gia tăng xâm nhập mặn vào các dòng sông vào mùa khô và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc sử dụng đất các vùng ven biển ở địa bàn Nghệ An đã xuất hiện nhiều năm qua. Theo ghi nhận của Chi cục thủy lợi Nghệ An, trong năm 2010, trên sông Cấm, xâm nhập mặn hay còn gọi là nêm mặn đã kéo dài vào đến gần xã Nghi Vạn (Nghi Lộc). Cũng trong năm 2010, trên sông Lam, tình trạng nêm mặn kéo dài lên tận xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên). Ông Phạm Hữu Văn – Chi cục phó Chi cục thủy lợi Nghệ An cho biết: “Trước tình trạng nắng hạn, Chi cục thủy lợi luôn khuyến cáo các Công ty thủy nông và các địa phương phải quan trắc độ mặn của nước trước khi bơm phục vụ tưới tiêu”.

Theo kịch bản phát thải trung bình B2 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ảnh hưởng của BĐKH, trong đó có tình trạng nước biển dâng đối với Nghệ An là rất lớn. Không chỉ chịu ảnh hưởng của xâm thực mặn mà còn gây xói lở bờ biển, mất đất sản xuất và đất ở của người dân khu vực ven biển, sạt lở và hư hỏng các công trình thủy lợi và hạ tầng giao thông ven biển. Tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, ngưỡng mặn 4‰ tại sông Lam có thể lên đến trên 30 km vào năm 2020 và các sông Mơ, sông Thái, sông Bùng có thể lên đến 6 - 7 km. Một số xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu); các xã Diễn Thành, Diễn Trung, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Hải (huyện Diễn Châu); các xã Phúc Thọ, Nghi Tiến, Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) có nguy cơ nhiễm mặn trên 4‰ là rất cao. Chúng ta càng có cơ sở để thêm lo lắng, khi báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường chỉ ra rằng, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, nhanh hơn so với dự báo đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trái đất có thể tăng từ 2,5 - 3,7 độ C, nước biển dâng khoảng 1m.

Trước các thách thức của BĐKH nói chung và nước biển dâng nói riêng đặt ra, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó với BĐKH. Trước hết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tại Nghệ An đến 2015 và có tính đến 2020. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra tại Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Chính phủ và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Song song với đó, các ngành thực hiện lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH trong việc lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo mùa vụ, nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp; đồng thời hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ phát triển rừng gắn với ứng phó với BĐKH. Đặc biệt để ứng phó với tình trạng nước biển dâng, chống bão lũ, Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Ông Võ Văn Ngọc – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: Hiện nay, tỉnh đang triển khai nâng cấp đê tả Lam đoạn qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP. Vinh theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH; đồng thời tiến hành các thủ tục đề nghị để xây dựng cống ngăn mặn qua sông Lam tại Bến Thủy và nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Hoàng Mai; thực hiện các dự án trồng rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn.

Như vậy, có thể thấy, Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức của BĐKH đặt ra. Tuy nhiên, BĐKH là thách thức toàn cầu trong thế kỷ 21 chứ không chỉ của riêng một cá nhân, tổ chức hay đất nước. Vì vậy Ngày Môi trường thế giới năm nay với chủ đề: “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” là dịp cần thiết để nâng cao nhập thức của mọi người về vị trí, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Phước Anh