Kinh tế nhà nước - chủ đạo là tất yếu khách quan
(Baonghean) - Trong thời gian gần đây, ở nhiều diễn đàn, các cuộc họp kể cả cuộc họp của Quốc hội, các cuộc hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập nhiều về vấn đề chủ đạo của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, do các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua kinh doanh thiếu hiệu quả, gây thất thoát lãng phí lớn cho nhà nước, nên vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước không thể hiện được. Có nhiều ý kiến cho rằng không nên coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, kinh tế nhà nước không đóng vai trò chủ đạo, ngược lại cũng có những ý kiến tìm cách lý giải để chứng minh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa 7 năm 1994 có nêu: “Vai trò chủ đạo của khu vực DNNN thể hiện ở chỗ mở đường và hỗ trợ cho các thành phần khác phát triển, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và lâu bền của nền kinh tế, là một công cụ có sức mạnh vật chất của Nhà nước điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Giai đoạn từ 2001 đến năm 2010, KTNN gồm: các DNNN, DN của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội đang hoạt động theo Luật DNNN.
Các Công ty TNHH một thành viên mà chủ sở hữu vốn là Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các Công ty cổ phần được cổ phần hóa từ DNNN hoặc một bộ phận của DNNN, đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần trở lên hoặc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt... Từ năm 2010 đến nay, khi Luật DNNN bị xóa bỏ, các DNNN thực hiện chuyển đổi, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thì KTNN bao gồm: Các DNNN 100% vốn nhà nước đã chuyển đổi hình thức theo Luật Doanh nghiệp và phần vốn và tài sản nhà nước trong các Doanh nghiệp khác đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các quỹ và tài sản quốc gia khác (tài chính và phi tài chính) thuộc sở hữu Nhà nước và các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào NSNN...
Văn kiện Đại hội IX (2001) lại nêu: Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô của nền kinh tế. DNNN giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật.
Kinh tế Nhà nước là khái niệm mở, nội hàm rộng, đã, đang và sẽ là khu vực kinh tế lớn nhất nền kinh tế quốc dân ở Việt Nam. Đây là khu vực bao quát toàn bộ cơ sở vật chất - kinh tế thuộc sở hữu toàn dân dưới nhiều dạng: ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, quyền phát hành trái phiếu, quyền vay ODA, nhận tài trợ, phân bổ nguồn vốn, đầu tư công, thực hiện cách chính sách xã hội, giá trị đất đai, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, lòng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam... Trong đó, doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phần cấu thành trong nền kinh tế nhà nước chứ không phải là một thành phần kinh tế.
Kinh tế nhà nước là một phạm trù lịch sử, gắn liền với Nhà nước, sự ra đời của nền kinh tế nhà nước nhằm phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và là nội dung hoạt động chủ yếu của cơ quan nhà nước, vì nhà nước muốn hoạt động phải điều hành xã hội, trong đó kinh tế là trọng tâm. Điều hành kinh tế nhà nước gồm: Thứ nhất, đề ra các chính sách phát triển kinh tế; thứ hai, quyết định về mặt vật chất các nguồn lực kinh tế chủ yếu. Như vậy, kinh tế nhà nước chủ đạo trong một xã hội có nhà nước là điều tự nhiên, là bản nguyên ra đời với nhà nước, như cái cây sinh ra thì phải có phần gốc, không thể có cái cây mà không có phần gốc, hoặc lấy gốc khác để thay thế, đó là bản nguyên. Do vậy, có nhiều bài viết khẳng định kinh tế Nhà nước vẫn là chủ đạo là không cần thiết, bởi vì khi nhà nước hình thành thì nền kinh tế nhà nước sẽ ngay lập tức xuất hiện và đóng vai trò chủ đạo gắn với nhà nước đó, không thể dùng ý chí hay luật pháp để lấy một nền kinh tế khác thay thế vị trí chủ đạo của nó, còn Nhà nước thì còn sự chủ đạo của nền kinh tế nhà nước, chỉ bị diệt vong khi nhà nước bị diệt vong. Như vậy, chúng ta không cần phải tranh luận về việc kinh tế nhà nước có chủ đạo hay không, thậm chí không cần phải quy định trong các văn bản của Nhà nước
Tuy nhiên, hiện nay khu vực DNNN vẫn đang chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư, 70% viện trợ phát triển chính thức và sử dụng 60% vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Điều này không phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường, nhà nước nên nắm giữ một số lĩnh vực có tính chất phục vụ công, xóa bỏ mọi độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, nhất là nguồn vốn của ngân sách nhà nước, Nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ ban hành các chính sách hướng dẫn sản xuất, lưu thông, tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
TS. Dương Xuân Thao