"Ba mũi kinh tế" ở Quỳnh Nghĩa

24/02/2014 18:24

(Baonghean) - Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu được biết, trong ba mũi kinh tế đột phá mà huyện tập trung chỉ đạo các xã vùng biển gồm khai thác hải sản, du lịch và phát triển ngành nghề thì Quỳnh Nghĩa nổi lên như một điểm sáng, tạo đà phát triển nhanh để xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu mạnh.

(Baonghean) - Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu được biết, trong ba mũi kinh tế đột phá mà huyện tập trung chỉ đạo các xã vùng biển gồm khai thác hải sản, du lịch và phát triển ngành nghề thì Quỳnh Nghĩa nổi lên như một điểm sáng, tạo đà phát triển nhanh để xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trở về Quỳnh Nghĩa sau nhiều năm, chúng tôi khá bất ngờ bởi mảnh đất với những bãi cát hoang kéo dọc bờ biển gần 3,5 km nay bỗng “hóa” thành miền quê trù phú với nhịp sống nhộn nhịp, sầm uất. Dẫn chúng tôi đi suốt chiều dài của xã để cảm nhận sự đổi mới nơi vùng quê này, ông Hồ Hữu Sơn - Chánh Văn phòng Đảng ủy, HĐND, UBND xã, cho biết: “Mấy năm qua, Quỳnh Nghĩa đã kiên trì theo đuổi định hướng phát triển kinh tế: Lấy khai thác hải sản làm mũi nhọn, nông nghiệp làm nền tảng, sản xuất muối làm nghề truyền thống và đẩy mạnh phát triển mới nghề du lịch, dịch vụ, thương mại. Cho đến bây giờ, định hướng đó đang trở thành hiện thực, trong đó mũi nhọn khai thác hải sản đang đem về nguồn thu đáng kể”.

Chúng tôi ra bến neo đậu tàu của xã, may mắn gặp tàu của ông Phạm Mạnh Tường ở xóm 7 vừa “xuống hàng” tại bến lạch Quèn. Sau chuyến ra khơi đầu năm thắng lợi trở về, trên gương mặt sạm nắng, ông Tường nở nụ cười tươi rồi cho biết: “Trong những chuyến đi biển, chuyến may thì sau vào ngày tàu đã đầy khoang, nhưng chuyến đi lâu nhất cũng gần 10 ngày. Chuyến thắng đậm thì thu về khoảng 1 tỷ đồng, còn bình quân thì 600 triệu đồng/chuyến”. Hộ ông Tường trước đây cũng khó khăn, thuyền nhỏ máy bé nên chỉ khai thác hải sản gần bờ, rồi dần dần tích góp cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình lần lượt đóng tàu 350 CV, rồi tiếp đó thay thế tàu 750 CV để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Hiện tại tàu của ông Tường có công suất lớn nhất ở xã Quỳnh Nghĩa, thu hút 11 lao động, bình quân mỗi lao động thu nhập 10 - 12 triệu đồng/tháng. Theo báo cáo tổng hợp của xã Quỳnh Nghĩa, địa phương hiện có hơn trăm hộ có tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ. Chỉ tính riêng tàu có công suất từ 90 CV trở lên đã có 106 chiếc, trong đó có 70 chiếc có công suất 300 - 750 CV. Số tàu này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động đi biển, thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 100 - 150 triệu đồng, có tháng đột biến có lao động thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Chính vì lẽ đó, khác với nhiều địa phương, lao động ở Quỳnh Nghĩa không phải ly hương.

Ông Bùi Xuân Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã, nhấn mạnh thêm: Phát huy lợi thế vùng biển, Đảng ủy, UBND xã đang tiếp tục phát động ngư dân nâng cấp phương tiện và ngư cụ đánh bắt, tăng cường đóng thêm tàu mới có công suất trên 750 CV và trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại đảm bảo vừa khai thác các sản phẩm thông thường như lâu nay, vừa khai thác sâu các hải sản phục vụ xuất khẩu. Song song với khai thác, chú trọng đẩy mạnh công tác dịch vụ đông lạnh, chế biến hải sản nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân, xã cũng đang đặt ra nhiệm vụ trong năm 2014 này là hoàn thành đầu tư dự án khu chế biến hải sản tập trung đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2010. Với sự phát triển này thì khai thác hải sản vẫn tiếp tục là mũi nhọn ở Quỳnh Nghĩa để đưa đời sống người dân tiếp tục đi lên giàu mạnh.

Ngoài đánh bắt khai thác hải sản, Quỳnh Nghĩa còn duy trì thêm một số ngành nghề có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh phát triển nghề mộc truyền thống. Nghề mộc ở Quỳnh Nghĩa, trước hết là nghề đóng tàu truyền thống cha truyền con nối với những người thợ dày dặn kinh nghiệm được tích lũy từ đời này qua đời khác. Và mỗi chiếc tàu được đóng và hạ thủy dưới bàn tay của những người thợ Nghĩa Phú đều mang cả tấm lòng, trách nhiệm của những người thợ làm ra nó với bao niềm hy vọng cho ngư dân đi biển đầy khoang và vững chãi nơi ngọn sóng đầu gió ở biển khơi trùng trùng; đồng thời muốn lưu giữ mãi mãi làng nghề truyền thống của ông cha. Ở Quỳnh Nghĩa vẫn còn lưu truyền nhiều người thợ cả “vang bóng một thời” trong nghề đóng tàu như ông Cầu Lan, Được Linh, Thịnh My, và bây giờ lại xuất hiện những ông chủ đóng tàu có tiếng mới như ông Hồ Ngọc, ông Hồ Văn Huyền...

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến thăm xưởng đóng tàu của ông Hồ Văn Huyền. Trong tiếng cưa, xẻ gỗ, tiếng đục, ông Huyền cho biết: “Tùy vào từng năm, nhận đóng tàu to hay tàu nhỡ, nhưng bình quân mỗi năm đóng được 7-8 chiếc công suất 500 CV, nếu đóng tàu 320 CV thì đóng được 9-10 chiếc, đưa về khoản thu khoảng 8 - 10 tỷ đồng/năm. Xưởng có 15 lao động thường xuyên, thu nhập mỗi lao động khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Hiện tại xưởng đang tập trung thợ để hoàn thành chiếc tàu 500 CV kịp giao cho khách hàng”. Hiện tại ở Quỳnh Nghĩa, ngoài 3 xưởng đóng tàu (bình quân mỗi xưởng thu hút 15-20 lao động và mỗi năm đóng, hạ thủy 20 chiếc tàu có công suất từ 320 đến 500 CV), ở hai thôn 1 và thôn 2 có hàng chục hộ tham gia làm nghề mộc dân dụng, thu hút cả trăm lao động tham gia. Làng nghề mộc Quỳnh Nghĩa được UBND tỉnh công nhận Làng nghề năm 2006.

Ngoài 2 nghề được gọi là “mũi nhọn” cho thu nhập chính thì Quỳnh Nghĩa vẫn tiếp tục duy trì nghề làm muối truyền thống và một số nghề khác. Nghề làm muối của ngư dân Quỳnh Nghĩa bây giờ đã bớt nhọc nhằn hơn trước đây nhờ 2 HTX sản xuất muối với việc cải tạo đồng muối, tăng năng suất và sản lượng, tìm đầu ra ổn định cho người dân, góp phần đem lại nguồn thu nhập tương đối cho diêm dân, nhất là trong những năm gần đây giá muối tăng khá cao và ổn định. Sản lượng muối sản xuất mỗi năm đạt 6.000 - 8.000 tấn.

Ở Quỳnh Nghĩa, còn có nghề nuôi hươu sao, được bà con duy trì từ năm 1983 đến mãi bây giờ với hàng trăm hộ cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân thông qua bán nhung hươu và hươu con... Thêm vào đó là các nghề tiểu thủ công nghiệp như cưa, hàn xì, sản xuất đá lạnh..., là những nghề mới được du nhập vào, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Kỷ, trên cơ sở định hướng của huyện về ba mũi đột phá trong phát triển kinh tế vùng bãi ngang ven biển, lãnh đạo địa phương đã tận dụng các lợi thế, điều kiện của địa phương để tập trung lãnh đạo linh hoạt theo hướng đa dạng và hiệu quả. Vì thế, kinh tế của Quỳnh Nghĩa đang có bước phát triển mạnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo của địa phương xuống chỉ còn khoảng 4%.

Từ hiệu quả của một số nghề mũi nhọn tạo đột phá trong phát triển kinh tế, Quỳnh Nghĩa đang hướng tới phát triển kinh tế du lịch biển. Với bờ biển dài 3,4 km, bãi biển thoải đẹp, sạch, có nguồn hải sản tươi ngon và rẻ, cộng với không gian yên bình của một làng chài ven biển, lâu nay bãi biển Quỳnh Nghĩa đã là điểm được nhiều du khách lựa chọn vào những dịp nghỉ lễ hay vào mùa hè. Theo lãnh đạo địa phương, vào dịp lễ 30/4, 1/5 ở bãi biển Quỳnh Nghĩa đã thu hút khoảng hơn vạn khách từ các vùng miền đến thưởng ngoạn, tắm biển và thưởng thức đặc sản biển. Để đón đầu tiềm năng du lịch biển, xã cho xây dựng hàng chục ki-ốt và 2 nhà nghỉ ở khu vực bờ biển để phục vụ du khách. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, Quỳnh Nghĩa cũng đang tiếp tục tập trung thu hút các nhà đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở bãi biển nhằm khai thác hiệu quả bãi biển đầy tiềm năng đẹp và thơ mộng này. Hướng đi rất rõ, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đang tiếp tục đoàn kết, đồng lòng cùng với sự giúp đỡ từ bên ngoài, từ sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp sẽ đưa Quỳnh Nghĩa vươn lên giàu mạnh.

Bài, ảnh: Mai Hoa