Bài 3: Kiên định với cây cao su

31/07/2014 09:15

(Baonghean) - Ngoài khó khăn về nguồn vốn, đất đai, vấn đề thiên tai và biến động thị trường đang tạo ra những băn khoăn, nghi ngại cho việc phát triển cây cao su, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Để góp phần kiến giải các vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An đã vào Quảng Bình, nơi cơn bão số 10 năm 2013 đã hủy hoại hơn 12.000 ha cao su, đồng thời có cuộc gặp gỡ, trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là người rất tâm huyết với cao su Nghệ An...

Quảng Bình kiên định với cây cao su

Cho đến thời điểm hiện tại, trải dài trên hàng chục km đường Hồ Chí Minh, bóng dáng của cơn bão số 10 năm 2013 vẫn còn in dấu bởi vết tích cây cao su gãy đổ hàng loạt ở các khu vườn. Trò chuyện cùng nhiều người dân trồng cao su trên đất Quảng Bình, họ cho biết đã rất đau xót trước thảm họa thiên tai này, tuy nhiên, vẫn tiếp tục xem cao su là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lưu Anh Dũng, công dân Thị trấn Việt Trung có 5 ha cao su, trong đó 2,5 ha trong độ tuổi kinh doanh, đã bị cơn bão xóa sạch. Sau bão, ông cắt bỏ cao su để trồng sắn, nhưng "chỉ là để vượt qua giai đoạn tức thời". Trò chuyện, ông Dũng nói: "Ở vùng đất Quảng Bình, nếu không có bão thì trồng cao su là phù hợp nhất. Tôi chưa dám mạo hiểm nhưng đang nghĩ đến 2 hướng để sản xuất trên đất của mình. Hoặc nghiên cứu tìm ra một loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế. Hoặc lựa chọn giống cây cao su mới, học hỏi khoa học kỹ thuật để tiếp tục canh tác...".

Ông Trần Văn Lượng (bên phải) giới thiệu về cây  cao su mới trồng gần 1 năm trên đất Quảng Bình.
Ông Trần Văn Lượng (bên trái) giới thiệu về cây cao su mới trồng gần 1 năm trên đất Quảng Bình.

Khác với ông Lưu Anh Dũng, gia đình ông Trần Văn Lượng (Thị trấn Việt Trung) đã trồng lại 8 ha cao su sau khi vườn cao su rộng đến gần 30 ha của ông và 4 người con đã bị bão tàn phá. Trên vùng đất cao su được trồng mới, ông Lượng cho biết đã lựa chọn các giống cao su chất lượng cao, có sức "đề kháng" với thiên tai, khi trồng đã tính toán rất kỹ cách đặt gốc để cây cao su tạo rễ bám sâu vào đất. Bên cạnh đó, trồng xen canh thêm sắn, ngô, lạc... để "lấy ngắn nuôi dài, có thêm kinh phí trả lương cho nhân công". Ông Lượng tâm sự: Đời tôi gắn bó với cây cao su hàng chục năm. Kinh tế có được cũng bắt nguồn từ đấy nên tôi rất hiểu giá trị của cây cao su và quyết tâm trồng lại. Cũng có người bảo tôi "cuồng", nhưng tôi nghĩ, trên mảnh đất này không thể có loại cây trồng nào phù hợp hơn nữa...".

Chúng tôi đã về xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, nơi có đến 800 hộ/1.200 hộ dân toàn xã làm cao su tiểu điền. Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã, diện tích đất tự nhiên của xã Hòa Trạch là 2.400 ha thì có 1.200 ha được trồng cao su. Nhiều năm qua, cao su là cây kinh tế chủ lực, đem lại thu nhập cao cho người dân. Sau bão, cũng có nhiều người băn khoăn chưa dám trồng lại nhưng cũng rất nhiều người đang quyết tâm trồng mới. Quan điểm của xã Hòa Trạch là vận động người dân tiếp tục gắn bó với cây cao su. Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định: "Gia đình tôi cũng có 1 ha cao su kinh doanh và đã bị hư hại hết sau bão. Bây giờ, tôi đang có kế hoạch làm lại đất để trồng mới...".

Vườn cao su trồng mới của Công ty Cao su Việt Trung (Quảng Bình).
Vườn cao su trồng mới của Công ty Cao su Việt Trung (Quảng Bình).

Quảng Bình có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh cao su, trong đó, Công ty Cao su Việt Trung là đơn vị có diện tích lớn nhất (3.000 ha, trong đó có 2.000 ha cao su kinh doanh, 1.000 ha trong thời kỳ kiến thiết). Theo ông Nguyễn Xuân Điền - Trưởng phòng Tổ chức của công ty thì cơn bão số 10 đã giáng một đòn quá nặng làm hầu hết diện tích cao su của công ty bị hư hại. Tuy nhiên, công ty vẫn xác định gây dựng lại vườn cao su. "Kế hoạch năm 2014, chúng tôi trồng mới khoảng 400 ha, hiện đã trồng được 70 ha..." - ông Điền cho biết. Cũng ở Công ty cao su Việt Trung, chúng tôi được gặp kỹ sư Uông Văn Hiến - Trưởng phòng kỹ thuật của công ty, đồng hương Nghệ An (anh Hiến là người xã Hưng Lộc, TP. Vinh). Anh Hiến cho biết: Sau cơn bão số 10, rất nhiều vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình băn khoăn đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục gắn bó với cây cao su. Tỉnh đã cùng Trường Đại học Nông nghiệp Huế tổ chức hội thảo, nhằm tìm ra giải pháp để ứng phó với thiên tai. Tôi cũng tham dự và có tham luận tại hội thảo...". Chúng tôi được anh Hiến cho xem tham luận, tại đây, anh phân tích khá kỹ về hiệu quả kinh tế của cây cao su, điều kiện tự nhiên, khí hậu của tỉnh Quảng Bình. Từ đó, phân tích về sự cần thiết của công tác lựa chọn giống, đất, quy hoạch vùng trồng cao su. Bên cạnh đó, là phân tích kỹ thuật thiết kế lô, bố trí mật độ trồng, kỹ thuật làm đất, kỹ thuật trồng; phương pháp chăm sóc, bón phân, tạo tán và chế độ khai thác, chăm sóc vườn cao su kinh doanh. Anh Hiến tâm sự: Công ty từng đưa các giống cà phê, hồ tiêu... về trồng nhưng giá trị kinh tế thua xa so với cây cao su. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm đầu tư trồng mới...".

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Bình, năm 2013, tổng diện tích cao su bị thiệt hại là 12.174 ha/18.220 ha, trong đó, thiệt hại nặng nhất là cao su kinh doanh. Sau khi rà soát, đánh giá chính xác thiệt hại, Sở NN&PTNT Quảng Bình đã có văn bản hướng dẫn các phương pháp khắc phục lại vườn cao su; định hướng lại việc trồng mới; bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị đề xuất... Trong đó, đáng quan tâm là đề nghị Nhà nước xem xét sớm có chủ trương về bảo hiểm đối với cây cao su để khi có thiên tai thì người dân đỡ thiệt hại về kinh tế; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra bộ giống mới và quy trình kỹ thuật phù hợp nhất đối với cây cao su khu vực Bắc Trung bộ nói chung và đặc thù của tỉnh Quảng Bình nói riêng; Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn trong thời gian tới có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ và cho vay với lãi suất ưu đãi với thời gian từ 6-7 năm mới trả gốc và lãi để doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện tiếp tục trồng mới và khắc phục lại diện tích cao su bị thiệt hại...

Hướng đi đúng, nhưng... quá chậm

Từng là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nên nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cao su Việt Nam, ông Hồ Xuân Hùng rất trăn trở với việc phát triển cao su ở Nghệ An. Ông đã nói rằng, trong những năm gần đây, do thiên tai tàn phá nặng nề ở miền Trung, bên cạnh đó là sự bấp bênh của thị trường nên đã tạo ra tâm lý lo lắng cho người dân và lãnh đạo địa phương trước các vấn đề liên quan đến cây cao su. Chính vì thế, ở một số địa phương, đã có tình trạng người dân chặt bỏ cao su. Dù vậy, trong những năm gần đây, Nghệ An đã đúng khi gắn bó với cây cao su. Và Nghệ An đã lựa chọn phù hợp vùng đất để quy hoạch trồng cao su; đồng thời, đã lựa chọn đối tác đúng (Tập đoàn Cao su Việt Nam) để phát triển cao su đại điền.

TIN LIÊN QUAN

Theo ông Hồ Xuân Hùng, khó khăn của Nghệ An trong phát triển cao su liên quan đến vấn đề đất đai vì lâu nay việc sử dụng đất chưa được tốt, việc trồng rừng chưa hiệu quả. Ông Hùng nói: Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An là đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, có nguồn vốn rất lớn, lên đến 3.000 tỷ đồng. Những vùng Nghệ An đã quy hoạch cho cao su không phá vỡ các vùng cây nguyên liệu khác, vì vậy, cần phải giao được đất cho Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An. Về phía công ty này, sau khi được giao đất, cần phải thực hiện trồng mới đảm bảo tiến độ với các loại giống có chất lượng cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cho năng suất cao đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, Nghệ An cần phải thúc đẩy để cao su tiểu điền phát triển. Để làm được, phải xem Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An là hạt nhân, để công ty quan tâm tới các vấn đề về giống, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý đối với người dân. Phải làm rõ được cho người dân thấy giá trị của cây cao su, khẳng định cây cao su là loại cây có giá trị kinh tế dài hạn để xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và bố trí lại lao động... Và ông đưa ra lời khuyên: Trong thời điểm hiện nay, để phát triển cao su cần xây dựng nòng cốt, chứng minh được giá trị thực của cây cao su để người dân thấy!

PV Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Hồ Xuân Hùng.
PV Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Hồ Xuân Hùng.

Về vấn đề thị trường, ông Hồ Xuân Hùng phân tích: Không phải quốc gia nào cũng trồng được cao su, trong khi đó, cao su nhân tạo từ dầu mỏ ngày càng khan hiếm. Nhiều quốc gia trồng được cây cao su thì không còn diện tích nên họ hướng đến việc thâm canh, tăng năng suất. Việt Nam có điều kiện mở rộng diện tích trồng mới cao su, nếu ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học, lựa chọn giống chất lượng cao, đấy là lợi thế của đất nước ta. Nền kinh tế thị trường luôn đi theo đồ thị hình sin, ở thời điểm này có sút giảm cũng là quy luật bình thường. Có việc người dân phá cao su vì giá xuống thấp, tuy nhiên, đấy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, tập trung ở các hộ làm cao su tiểu điền. Theo thống kê của ngành NN&PTNT, tổng diện tích cao su cả nước có trên 900.000 ha, nhưng diện tích bị chặt bỏ chỉ trên 3.000 ha. Và, với Tập đoàn cao su Việt Nam thì khẳng định không có vấn đề gì trước những tác động của thị trường bởi Tập đoàn đã ký kết hợp đồng với các đối tác từ các năm trước, còn có giá trị thực hiện khoảng vài năm nữa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam hướng đến đa dạng hóa thị trường, nghiên cứu hợp tác với các tập đoàn lớn để sử dụng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm đầu cuối...

Đánh giá về kết quả phát triển cao su ở Nghệ An trong những năm qua, ông Hồ Xuân Hùng so sánh: Cùng mục tiêu phát triển cao su trong một thời điểm nhưng các tỉnh phía Bắc đã có diện tích cao su lớn hơn Nghệ An, và đã bước vào thời kỳ kinh doanh. Ông nói: Nghệ An đã có hướng đi đúng nhưng thực hiện quá chậm... Đặt câu hỏi: Liệu có phải tỉnh Nghệ An chưa có sự quan tâm đúng mức với việc phát triển cao su? Ông trả lời: Về vấn đề này, các nhà báo nên tự tìm câu trả lời...

"Để giảm thiểu tác hại do bão tố, phải xây dựng vành đai tránh gió, và chúng tôi đã lựa chọn giống cao su GT1 (là giống cao su thân cứng, cho ít mủ) để thực hiện. Bên cạnh đó, giữa các lô cao su, cần thiết kế đường lô để phục vụ sản xuất và kết hợp làm băng thông gió; cắt tỉa cành cao su đúng quy cách, không để tán cao su quá nặng... Chúng tôi chọn các loại giống cao su RRIM 600, RRIM 712, RRIC 100, RRIC 121, PB 260 để thực hiện trồng mới. Đây là những giống cao su có năng suất khá, thân khỏe, có bộ rễ phát triển, bộ tán cân đối và có khả năng kháng bệnh cao...

(Kỹ sư Uông Văn Hiến - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Cao su Việt Trung)

Nhóm PV (còn nữa)