Cuộc đời của mẹ

30/08/2014 10:04

(Baonghean) - Cuối cùng, tôi đã cầm trên tay giấy báo đậu đại học. Chỉ ít ngày nữa, tôi sẽ xa nơi này,  đi nhập trường và bắt đầu một trang mới cuộc đời mình, một trang  mới tôi từng khao khát. Thắp nén hương trước di ảnh của mẹ, qua làn khói ảo mờ, nước mắt tôi tuôn rơi. Hình như, mẹ tôi đang mỉm cười…

(Baonghean) - Cuối cùng, tôi đã cầm trên tay giấy báo đậu đại học. Chỉ ít ngày nữa, tôi sẽ xa nơi này, đi nhập trường và bắt đầu một trang mới cuộc đời mình, một trang mới tôi từng khao khát. Thắp nén hương trước di ảnh của mẹ, qua làn khói ảo mờ, nước mắt tôi tuôn rơi. Hình như, mẹ tôi đang mỉm cười…

Minh họa: An Vinh
Minh họa: An Vinh

Mẹ tôi là một người đàn bà nghèo khó, nhưng hơn cả nỗi nghèo, mẹ tôi còn bị bệnh, bị tật nữa. Khi sinh ra, mẹ tôi đã mắc bệnh tim. Bao nhiêu tiền của đã đội nón ra đi sau những lần chạy chữa, để rồi, một cơn cảm biến chứng đã khiến mẹ tôi phải chịu teo một bên chân vì lúc đó tiền trong nhà đã cạn. Mẹ tôi, đã sống suốt một thời tuổi trẻ với nỗi mặc cảm lớn và niềm biết ơn sâu nặng với gia đình mình. Đã có lần, mẹ nói với ông ngoại tôi rằng: “Con chết đi thì nhà ta đỡ khổ hơn, cha nhỉ?”. Ông ngoại tôi đã ôm lấy mẹ mà rằng: “Con sai rồi, con chết đi thì công lao cha mẹ xuống sông, xuống biển à. Con phải sống, phải gây dựng lấy cuộc đời mình để cha mẹ yên tâm mà nhắm mắt chứ?”

Mẹ tôi, vì thế đã gắng gượng quên đi những nỗi buồn của mình. Mẹ chỉ học hết cấp 2 rồi ở nhà, lăn lộn ruộng nương, quán xuyến mọi việc cùng bà ngoại cho các bác tôi có điều kiện học hành. Người ta nói rằng, cả năm, chẳng bao giờ thấy mẹ tôi mua một manh áo mới, tay chân không rảnh lúc nào. Trừ những ngày ốm đau phải nằm, không thì từ tinh mơ, mẹ tôi đã ra đồng, khi thì làm mùa, khi thì bắt con cua, con cá, khi thì lùa vịt, lùa bò đi chăn…

Đến tuổi cập kê, con gái trong làng biết làm duyên, biết ăn diện, mẹ tôi tuyệt nhiên không. Trên gương mặt đẹp của mẹ, ánh mắt lúc nào cũng thăm thẳm nỗi buồn. Cũng có một vài người trai đến nhà chơi, nhưng rồi họ cũng lại ra đi… Mấy ai chấp nhận một cô gái bệnh tim và thọt chân làm vợ. Mẹ tôi biết điều đó, nên không cũng chẳng dám mở lòng mình. Mẹ giống như một bức tượng đá lạnh, đông cứng trong nỗi buồn như vậy.

Khi mẹ bước sang tuổi 32, cha tôi xuất hiện. Cha tôi là thợ xây, đã qua một đời vợ. Ông là người xã khác đến làng tôi khi làng tôi mượn tốp thợ về xây lại đình làng. Những ngày ở đây, ông quen mẹ khi mẹ tôi góp công xếp gạch và gánh nước cùng mọi người trong làng. Ông ngỏ ý muốn lấy mẹ tôi về làm vợ. Ông bà ngoại của tôi, nửa mừng nửa lo. Mừng vì con gái có nơi có chốn. Lo vì sợ con “lỡ bước”, lại mang bệnh, tật như vậy liệu có giữ được mái ấm lâu bền? Nhưng mẹ tôi đã quyết định theo cha bởi mẹ tránh cho bà ngoại những tiếng thở dài thương con gái quá lứa, tủi phận.

Mẹ tôi về làm dâu trong gia đình có bố mẹ chồng đau yếu quanh năm. Ông nội tôi tai biến nằm một chỗ, bà nội thì điếc nặng, bị lẩn thẩn, lúc nhớ lúc quên. Người vợ trước của cha tôi đã ôm theo 2 người con gái bỏ vào miền Nam phần vì cuộc sống quá cơ cực, phần vì cha tôi ghẻ lạnh khi bà chỉ sinh được con gái mà mãi không thể đẻ thêm được nữa. Thế là mẹ, bắt đầu cuộc đời làm dâu với chuỗi ngày đầu tắt mặt tối, vất vả khôn cùng. Mẹ chỉ sắm duy nhất cho mình một bộ quần áo, để mặc mỗi lần đạp xe về thăm bố mẹ đẻ cho tươm tất. Chưa bao giờ mẹ thốt ra một lời kêu ca về cuộc sống với bất kỳ ai… Mẹ tôi chăm sóc cho ông bà nội đến mức làm cả xóm làng phải cảm động. Người ta nói, ông bà nội tôi có phước nên có cô con dâu hiếu thuận và chăm chỉ như mẹ.

Người ta khuyên mẹ tôi, bị bệnh tim thì không nên sinh con, thế mà mẹ tôi vẫn lần lượt sinh tôi và em gái. Đến khi mẹ tôi có mang lần thứ 3, bệnh của mẹ đã nặng hơn. Tôi nhớ, đó là năm tôi học lớp 6, ông nội tôi đã mất. Khi có mang em tôi, mẹ yếu và xanh lắm. Mẹ thở rất dốc nhưng vẫn gắng làm việc. Hôm đó, mẹ đi chợ về, thì nghe tôi nói bà nội đã ra ngoài. Mẹ hốt hoảng đi tìm bà.Lúc mẹ tìm được bà về thì mặt mẹ nhợt nhạt lắm. Tôi nói, sao mẹ lại không nghe lời mọi người, cứ cố sinh em. Mẹ tôi nói với tôi rằng, mẹ cố để mong cha tôi có niềm vui, biết đâu mẹ sinh được cho cha em trai vì cha cũng là con độc đinh. Mẹ cũng nói rằng cuộc đời mẹ biết ơn ông bà ngoại, biết ơn cha tôi. Mẹ nói tôi phải cố gắng học tập, đừng như mẹ, cố gắng để sau này dìu dắt các em. Tôi đâu ngờ, đó là buổi nói chuyện cuối cùng giữa tôi và mẹ. Sau đó, mẹ phải nhập viện. Tôi nghe kể rằng, mẹ sinh non em tôi. Và đó là một ca sinh phức tạp, sự sống của mẹ và em vô cùng mong manh. Khi các bác sỹ hỏi cứu mẹ hay con, mẹ tôi đã nằng nặc yêu cầu các bác sỹ cứu lấy con mình…

Mẹ tôi mất. Nhưng ước nguyện của mẹ đã thành vì mẹ đã kịp sinh cho cha tôi một đứa con trai. Tôi không trách cứ gì cha mình, nhưng nghĩ đến cái chết của mẹ tôi, không thể không xót xa. Mẹ tôi đã sống cuộc đời tận cùng của những hy sinh. Mẹ đã sống vì người khác quá nhiều. Tôi tự hỏi, đã có giờ nào mẹ sống cho mẹ? Nhưng rồi, tôi cũng đã dần trả lời cái câu hỏi ấy của mình qua tháng, qua năm, khi tôi dần lớn: Biết đâu, đó cũng là một sự lựa chọn, là cách mẹ sống cho mình. Vì người khác cũng là cách để sống cho mình.

Mẹ mất. Điều đó thật vô cùng khó khăn với chị em tôi. Nhưng tôi không bỏ học. Thế nào tôi cũng không bỏ học. Từ làng tôi đến thành phố quãng chừng 7 cây số. Mỗi hè tôi lại lên đó nhặt ve chai, nilon để bán. Tôi xin rửa bát thuê cho quán bún, phở. Tôi bán bánh nổ, bán rau. Tất cả những gì có thể ra tiền để chứng minh với cha tôi, tôi có thể tự mình lo việc học. Cha tôi có say rượu, có đánh đập và bắt tôi bỏ học, nhưng cũng có những lúc nhớ đến mẹ tôi, ông đã khóc. Tôi cũng không hề trách ông vì tôi hiểu niềm biết ơn của mẹ dành cho cha. Sau này, cha tôi cũng có người vợ nữa. Cuộc sống trở nên ngột ngạt nhưng vì không có nơi nào bấu víu, nên chúng tôi cũng chấp nhận như vậy. Càng trong những quẫn bách, nỗi quyết tâm phải thay đổi, phải sống cho ra cuộc sống của tôi càng mãnh liệt. Học,và suy nghĩ. Chỉ có 2 điều ấy thường trực trong tôi. Học, đã đành, nhưng suy nghĩ ấy là tìm cho mình một lối đi, tìm cho mình một cách sống. Luôn hiện lên trước mắt tôi, là hình ảnh của mẹ. Mẹ tái xanh, mẹ mỉm cười, mẹ tảo tần, mẹ lam lũ, gắng gượng… Không, tôi cũng gắng gượng, nhưng tôi cũng sẽ phải sống cuộc sống của mình.

Tốt nghiệp cấp 3, tôi dành ra 1 năm đi làm giúp việc ở thành phố và tranh thủ ôn thi. Khi biết kết quả đại học tái tim tôi như muốn vỡ ra vì hạnh phúc. Tôi đã khóc, sau bao nhiêu năm tôi không biết khóc. Thắp nén hương trước di ảnh của mẹ, tôi chỉ biết gọi: “Mẹ ơi!”. Tôi biết, mình sẽ tiếp tục một chặng gian khó mới, nhưng có hề gì. Những khó khăn nhất, tôi tin tôi đã vượt qua ở phía trước rồi. Mẹ tôi, chắc hẳn cũng nghĩ thế?

T.V (ghi)