Mưa giông, lốc xoáy gây thiệt hại nặng tại xã Châu Thuận (Quỳ Châu)

17/05/2014 20:10

(Baonghean.vn) - Vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 16/5/2014, tại xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu đã xảy ra mưa lớn, kèm theo gió lốc xoáy rất mạnh đã khiến nơi đây thiệt hại nặng nề. Theo thống kê ban đầu, đã có trên 10 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 181 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều diện tích hoa màu bị hư hại…

Những ngôi nhà bị sập và tốc mái và tài sản bị hư hại
Những ngôi nhà bị sập và tốc mái, tài sản bị hư hại

Lốc xoáy và mưa giông cục bộ xảy ra bất ngờ vào lúc 16 giờ 30 và kéo dài đến lúc 17 giờ 30 phút ngày 16/5/2014, khiến nhiều hộ dân ở xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu không kịp trở tay. Tại bản Nong, gia đình chị Cầm Thị Nhung - anh Vi Văn Quyến cũng chỉ có thể kịp đưa 3 con chạy sang tá túc nhà láng giềng, bỏ mặc ngôi nhà bị gió dập, sập hoàn toàn. Tương tự là hoàn cảnh nhà chị Vi Thị Phúc, ngay ở cận kề. Chồng chị Phúc mất sớm, chị một mình nuôi 2 con. Vào thời điểm xảy ra lốc xoáy, chị Duyên đang ở trong trong rừng, 2 đứa con, đưa bé đi học, còn đứa lớn chơi ở nhà hàng xóm nên rất may không việc gì. Tan mưa, đến 19 giờ trở về nhà, chị Phúc mới biết cả nhà mình đã rơi vào cảnh màn trời chiếu đất… Theo thống kê: Ở bản Nong có 75 hộ, thì đã có 45 gia đình có nhà bị tốc mái và 3 nhà bị sập hoàn toàn do lốc xoáy. Những gia đình có nhà bị sập đều là nhà tranh tre dột nát, tạm bờ và đời sống kinh tế hết sức khó khăn..

Cháu Mạc Văn Tuấn bới tìm cặp sách, phơi sách vở bị ướt
Cháu Mạc Văn Tuấn bới tìm cặp sách, phơi sách vở bị ướt
Nỗi buồn sau thiên tai
Nỗi buồn sau thiên tai

Tại bản Chiềng, nhà của gia đình anh Cầm Bá Phúc cũng bị sập hoàn toàn khi lốc xoáy, mưa giông xảy ra. Vào thời điểm sập nhà, rất may 2 đứa trẻ cùng vợ anh đang ở chơi tại nhà ông bà nên không bị thiệt hại về người. Anh Phúc nói trong nước mắt: “Nhà chỉ có 1 chiếc tivi cùng đầu đĩa được coi là tài sản giá trị nay cũng nát tan cả rồi”…

Theo thống kê của UBND xã, mưa gông và lốc xoáy đã khiến hơn 10 nhà bị sập hoàn toàn và 181 nhà bị tốc mái (trên 731 hộ gia đình), rất may không có thiệt hại về người. Hiện tại những con số thiệt hại về của cải vật chất chưa thể thống kê do nhiều gia đình bị hại còn làm nương rẫy chưa trở về nhà. Và chỉ tính tiêng tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, thiên tai đã làm phòng đảng ủy tốc mái, hệ thống máy vi tính, máy photocopy bị hư hại hoàn toàn, tại UBND xã có 1 xe máy bị hư hại do cây đổ đè lên.

Người dân xã Châu Thuận khắc phục thiên tại, lợp lại những nhà bị tốc mái
Người dân xã Châu Thuận khắc phục thiên tai, lợp lại những nhà bị tốc mái
Các lực lượng chức năng và người dân chung tay giúp đỡ người hoạn nạn
Các lực lượng chức năng và người dân chung tay giúp đỡ người gặp hoạn nạn

Sau khi mưa giông lốc xoáy xảy ra, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Châu Thuận đã huy động các lực lượng như dân quân, công an, hội cựu chiến binh, hội nông dân, đoàn thanh niên xã thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sửa chữa nhà cửa cho các hộ dân bị tốc mái, dựng lều trại tạm cho các gia đình bị sập nhà cũng như di dời, bảo vệ các tài sản của các hộ bị thảm họa…Dù đã có nhiều cố gắng khắc phục thiên tai nhưng đến chiều 17/5, Châu Thuận vẫn tan hoang. Trong lúc này, tình làng nghĩa xóm mới được thể hiện rõ hơn bao giờ hết: Các anh công an xã đã di dời tài sản hộ bị thiệt hại do thiên tai sang nhà hàng xóm và dựng lại ngôi nhà bị sập; Chị Vi Thị Thơm, ở bản Mong lên rừng bứt lá cọ, kết thành gianh lợp mái nhà cho hàng xóm bị nạn.

Ông Vi Ngọc Duyên, Chủ tịch UBND xã cùng các lực lượng trong xã quần quật cả ngày trợ giúp các gia đình nạn nhân nói như khóc: thực ra đây không phải lần đầu tiên Châu Thuận bị mưa giông và lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề. Năm 2007, đã có 18 nhà bị sập hoàn toàn và những năm sau vào mùa hè nắng nóng đều có thiệt hại. Riêng năm 2013, có 5 con trâu của các hộ dân trong xã bị sét đánh chết.

Chủ động phòng chống thiên tai, từ đầu năm Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và thiên tai đã khuyến cáo các hộ thực hiện việc chằng chống nhà cửa, cẩn thận khi đi rừng. Những hộ bị sập nhà đều là nhà tranh tre, nghèo khó. Cơn giông, lốc xoáy lần này cũng khiến nhiều diện tích hoa màu, lúa sắp đến kỳ thu hoạch bị hư hại nặng.

Lãnh đạo xã thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Lãnh đạo xã thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.

Tại các huyện miền núi vùng cao, hiện tượng giông lớn, lốc xoáy cục bộ xảy ra trong thời điểm nắng nóng không còn là hiện tượng mới; ít nhiều bà con đã có tinh thần phòng chống. Tuy nhiên vẫn phải cần nhìn nhận rằng, nhiều hộ vẫn chủ quan trước thảm họa thiên tai. Trước thời điểm mưa giông và lốc xoáy xảy ra tại xã Châu Thuận thì mưa lớn, gió to cũng đã xuất hiện trên nhiều xã của huyện Tương Dương như Xá Lượng, Tam Đình, Tam Quang, Yên Hòa, Yên Na, Nga My, thị trấn Hòa Bình… khiến nhiều nhà bị tốc mái và sập hoàn toàn. Điều cần lưu ý là: Các hộ gia đình ở vùng núi cao cần nêu cao tinh thần chủ động phòng chống thảm họa thiên tai bất ngờ bằng cách chằng chống nhà cửa cũng như xây dựng các cột chống sét.

Châu Thuận là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Quỳ Châu, với 100% là các hộ đồng bào dân tộc Thái. Mỗi một thiên tai đi qua thì Châu Thuận thêm một lần nghèo nàn, khánh kiệt. Hơn bao giờ hết, những người dân xã Châu Thuận đang cần sự giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để giúp bà con khắc phục thảm họa thiên tai, ổn định cuộc sống.

Sau khi mưa giông, lốc xoáy, sét lớn xảy ra, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Quỳ Châu đã kịp thời đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ ban đầu cho các gia đình bị nạn.

Thành Chung