Mong muốn Nghệ An sẽ là thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao
(Baonghean.vn)- Bên lề Hội ghị gặp mặt các nhà đầu tư xuân Giáp Ngọ 2014, một số nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư đưa ra những ý kiến tâm huyết của mình để Nghệ An bứt phá, vươn lên.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương:
Đã nhiều năm nay, Đảng ủy khối phối hợp với Nghệ An tổ chức Hội nghị đầu tư. Kết quả thấy rằng, hiệu quả đầu tư tăng lên rõ rệt với nhiều dự án ngày càng nhiều. Nghệ An hiện vẫn là một điểm đến lý tưởng ,với diện tích đất đai rộng lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, chúng ta có một lợi thế lớn về lao động dồi dào với hơn 3 triệu dân, có trình độ tốt, cần cù, chịu khó và rất cởi mở, thân thiện. Cùng sự quyết tâm và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa Nghệ An đi lên thì hiện nay, cơ chế, thủ tục hành chính của tỉnh đang ngày càng thông thoáng, thực sự là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Ngọc |
Hiện nay, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư có 32 tập đoàn hoạt động khắp cả nước và nước ngoài. Trong đó có 22 doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh với những dự án có số vốn lớn, hiệu quả cao. Một số chương trình an sinh xã hội khác đã có những đóng góp đáng kể cho Nghệ An, đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Với trách nhiệm của mình, Đảng ủy Khối DN trung ương sẽ tiếp tục đồng hành, thực hiện tốt các Hội nghị đầu tư đồng thời sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong khối tăng cường đầu tư vào Nghệ An đồng thời hỗ trợ tỉnh những cơ hội mới xây dựng một tỉnh phát triển mạnh, vững chắc.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam:
Hiện nay chúng ta đang xây dựng các khu kinh tế đặc biệt với những ưu đãi trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chúng ta sẽ chủ trương xây dựng các khu kinh tế nông nghiệp công nghệ cao gắn với sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội. Đây là lợi thế lớn của Việt Nam nói riêng, Nghệ An nói chung. Hiện nay, nhiều tỉnh đang theo đuổi để phát triển các khu kinh tế, các khu chế xuất, khu du lịch nhưng tôi mong muốn Nghệ An sẽ sớm xây dựng thí điểm các khu kinh tế nông nghiệp, nông thôn công nghệ cao. Nếu chúng ta tiếp cận được các nền nông nghiệp công nghệ cao như của Nhật Bản, Israel thì chúng ta hoàn toàn tạo ra được giá trị lớn, thậm chí là lớn hơn các ngành công nghiệp mà nhiều địa phương đang theo đuổi.
Ông Vũ Tiến Lộc |
Nghệ An là tỉnh có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành thủ phủ nông nghiệp công nghệ cao. Hướng phát triển của Nghệ An là kết hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng đến phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho hai trung tâm công nghiệp hóa dầu ở Nghi Sơn và công nghiệp luyện kim ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy điện Hủa Na:
Khi đã vào đầu tư ở Nghệ An, chúng ta thấy rằng các cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư đều hết sức thuận lợi. Ví dụ như dự án Thủy điện bản Vẽ, nếu không có sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị thì không thể giải quyết được vấn đề tái định cư. Hay như dự án Thủy điện Hủa Na, nếu không có sự đồng sức, đồng lòng của lãnh đạo các cấp, của chính quyền địa phương và người dân thì chúng tôi không thể hoàn thành việc tích nước, chạy phát điện đúng tiến độ. Là một nhà đầu tư đang thành công ở Nghệ An, tôi kêu gọi các nhà đầu tư phải tâm huyết và coi đây là một cơ hội rất tốt để đầu tư.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. |
Ở Nghệ An, hiện nay, các cấp chính quyền rất chuyên nghiệp, khi mới làm việc, mới đàm phán thì có vẻ khó khăn nhưng khi đã thực sự đầu tư thì mọi việc đều rất trơn tru, chuyên nghiệp, mọi khó khăn đều được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tháo gỡ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, tôi mong muốn Nghệ An phải có một hướng đi khác biệt, không thể cứ chú trọng mãi vào công nghiệp vì còn liên quan nhiều đến vấn đề môi trường. Chúng ta có thể phát triển dịch vụ với đầy đủ các điều kiện để phát triển ngành này. Bên cạnh đó, cần tìm ra những giá trị khác biệt của riêng Nghệ An để làm đòn bẩy cho sự phát triển.
Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam:
Nghệ An rất nổi tiếng về năng lực học vấn và trí tuệ, tuy nhiên người Nghệ An đi ra ngoài rất nhiều, đặc biệt là những người thành đạt, cả về chính trị lẫn các doanh nhân. Vì vậy thu hút được nguồn lực này là điều vô cùng quan trọng trong giai đoạn phát triển.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên |
Để thu hút được nguồn lực người Nghệ thì tầm nhìn phát triển của Nghệ An phải đủ sức thuyết phục chính những người con em Nghệ An, phải cho họ niềm tin để trở về đầu tư; có những chính sách đảm bảo, nhất quán để nhà đầu tư yên tâm.
Nghệ An hiện đã có nhiều thay đổi trong đưa ra chính sách chế độ. Tôi tin tưởng giai đoạn tới, tầm nhìn mới, chiến lược mới của Nghệ An sẽ rõ hơn, những người con em Nghệ An sẽ quay về đầu tư và sau đó sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư khác nữa. Tôi tin năm nay là năm khởi động mạnh mẽ của môi trường đầu tư Nghệ An.
Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch HDQT Ngân hàng BIDV Việt Nam: 6 giải pháp để Nghệ An phát triển
Năm 2009, BIDV đã khởi xướng và đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An, phối hợp với Đảng ủy khối DNT.Ư đổi mới cách thức tổ chức Hội nghị, với tên gọi ban đầu là “Hội nghị xúc tiến đầu tư”. Đến nay qua 5 năm tổ chức Hội nghị đã thực sự trở thành ngày hội lớn của đông đảo các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào Nghệ An, là sự kiện kinh tế quan trọng của tỉnh Nghệ An, tạo được niềm tin, sự hài lòng với sức lan tỏa lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Trần Bắc Hà- BIDV Việt Nam |
Qua 5 năm tổ chức, Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư tại tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành công quan trọng. Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký kết 47 dự án đầu tư với 61.649 tỷ đồng vốn đăng ký. Các dự án tiêu biểu đã đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH True Milk; Nhà máy bia Sài Gòn – Sông Lam; bia Hà Nội – Nghệ An, Bao bì Sabeco; thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Hủa Na; Khách sạn 5 sao Mường Thanh Sông Lam,….
Ngoài việc khởi xướng, BIDV còn tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đối với các dự án/thỏa thuận đã được ký kết tại hội nghị như rút ngắn thời gian quy hoạch phê duyệt dự án; Thành lập ban chỉ đạo giải phóng, đền bù mặt bằng; tổ chức các buổi gặp định kỳ 6 tháng/lần với các nhà đầu tư, nghe ý kiến của các nhà đầu tư và tháo gỡ vướng mắc…
Đặc biệt đề xuất mở đường bay hàng không tại Vinh của BIDV đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực, hiện trên tuyến đã có 5 đường bay nội địa và 1 đường bay quốc tế. VNA đã kinh doanh có hiệu quả từ các đường bay này mà không cần bảo trợ.
Với tư cách là một Ngân hàng thương mại đã có hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An gần 55 năm qua, BIDV luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với công cuộc xây dựng, đổi mới và hội nhập của tỉnh. Hiện nay, mạng lưới của BIDV chiếm 11% thị phần các tổ chức tín dụng trên địa bàn, gồm 3 chi nhánh, 20 Phòng giao dịch, là tổ chức Tín dụng đầu mối tiên phong cấp tín dụng nhiều dự án trọng điểm và quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế Tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, BIDV cũng luôn đi tiên phong trong các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội cho tỉnh Nghệ An. Tính từ 2009 đến nay, BIDV đã thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Nghệ An với tổng giá trị gần 90 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng giá tổng mức tài trợ an sinh xã hội của các doanh nghiệp cho Nghệ An. Các hoạt động của BIDV tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực:hỗ trợ người nghèo, y tế, giáo dục, các công trình văn hóa, tâm linh, hỗ trợ phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới…
Nghệ An có ưu thế lớn trong phát triển kinh tế so với hai tỉnh tiếp giáp là Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Để phát huy lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, BIDV có một số đề xuất, kiến nghị sau:
Thứ nhất, Nghệ An cần phải có những dự án lớn, quan trọng có tính đột phá nhằm đưa tỉnh đến năm 2020 trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về kinh tế- văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của tỉnh cần phải có sự hỗ trợ, ủng hộ của các cấp Lãnh đạo về chủ trương, định hướng, BIDV đề xuất Quốc Hội, Chính Phủ xem xét hỗ trợ đưa những dự án lớn, quan trọng về Nghệ An, trong đó đặc biệt là dự án khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.
Thứ hai, đề nghị tỉnh xem xét việc triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh trong mối quan hệ tổng thể về quy hoạch của vùng Bắc Trung Bộ, đảm bảo tính liên kết vùng trong phát triển các tiềm năng thế mạnh chung như: Sớm tạo liên kết ngang dọc, đặc biệt phân công, hợp tác phát triển công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng, cung cấp cho Thanh Hoá, Hà Tĩnh; Phát triển Kinh tế biển và du lịch bằng cách tạo dải du lịch văn hoá, tâm linh từ TT Huế đến Thanh Hoá, trong đó, trung tâm là các di tích danh nhân văn hóa, lãnh tụ Hồ Chí Minh…
Thứ ba, về vấn đề phát triển cảng biển nước sâu tại Nghệ An: tỉnh cần có đánh giá cụ thể, kiến nghị với Chính phủ về chủ trương có hay không việc đầu tư cảng biển nước sâu tại tỉnh Nghệ An vì hiện nay Hà Tĩnh và Thanh Hóa đã đầu tư cảng biển nước sâu. Cần tạo lập sự phân công, hợp tác phát triển cảng trong khu vực Nghi Xuân, Cửa Lò, Vũng Áng, Hòn La.
Thứ tư, Nghệ An có cửa khẩu Thanh Thuỷ với nhiều ưu điểm, lợi thế về mặt địa lý như: là trung tâm giao thương giữa tỉnh Nghệ An (Việt Nam) với các tỉnh Bolykhamxay, Khăm Muộn, Thủ đô Viên Chăn (Lào), các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Myanmar…Do vậy, Nghệ An cần đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cửa khẩu Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, đồng thời, hoàn thiện hạ tầng kết nối hai cửa khẩu Cao Vều và Thông Thụ với các tuyến đường xuyên Á từ Myanmar, Thái Lan, Lào xuống Cảng Cửa Lò, qua đó tạo thuận tiện cho giao thương giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang các tỉnh Trung Nam Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Myanmar và ngược lại…
Thứ năm, Nghệ An phải có giải pháp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, miền núi, đẩy nhanh hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020, trong đó đặc biệt cần quan tâm đến dự án sản xuất sữa TH True Milk. tại huyện Phủ Quỳ, ủng hộ hỗ trợ dự án triển khai thành công và coi đây là dự án trọng tâm tạo động lực thúc đẩy kinh tế của cả vùng.
Thứ sáu, tỉnh Nghệ An cần tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về phát triển tam nông, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bà Thái Hương - Tập đoàn TH: Mong Nghệ An giữ được qui hoạch miền Tây
Bà Thái Hương |
Với tư cách là nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng cao, là nhà tư vấn đầu tư của Ngân hàng Bắc Á, chúng tôi đã đầu tư vào tập đoàn TH và cho thấy dự án 1,2 tỷ USD của chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp giai đoạn 1 với 350 triệu USD. Chúng tôi đã dùng công nghệ cao để chế ngự rủi ro về thời tiết để có được những kết quả như ngày hôm nay, một thương hiệu về tập đoàn TH và sữa TH đang ngày một chiếm lĩnh thị trường. Với tính cẩn trọng, công thêm tính quyết liệt tính kiên trì của người dân xứ Nghệ, chúng tôi đã thành công. Dự kiến đến năm 2017, TH sẽ chiếm 50% sản lượng sữa tươi trên toàn quốc.
Tháng 9/2014, nhà máy dược liệu của tập đoàn TH sẽ ra đời. Chúng tôi còn đầu tư nhà máy sản xuất gỗ MDF công suất 120.000m2 / năm tại Nghĩa Đàn, triển khai dự án rau sạch trong nhà kính. Tôi có con đường đi riêng, đi trên tiềm năng, lợi thế của chính quê hương mình. BIDV, Ngân hàng nhà nước đã luôn đồng hành hỗ trợ cho chúng tôi. Theo tôi kêu gọi đầu tư về là cần thiết nhưng giữ được đầu tư, làm cho các nhà đầu tư “cũ” yên tâm đầu tư khoa học, công nghệ, đầu tư vốn, sức ra để dự án hiệu quả và nhân rộng lên càng cần thiết hơn. Doanh nhân đủ tâm – trí - lực. Vai trò của người đứng đầu địa phương rất quan trọng, mong chính quyền Nghệ An giữ vững qui hoạch miền Tây đã duyệt để nhà đầu tư đủ đất, yên tâm đầu tư hoàn thành dự án điểm của cả nước trong lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp, nông thôn.
Ông Lương Quang Khải - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam ( Vicem):
Ông Lương Quang Khải- Vicem Việt Nam |
Tổng công ty chúng tôi hiện có tổng công suất 21 triệu tấn xi măng/ năm, chiếm 37% thị phần xi măng cả nước, tổng doanh thu mỗi năm đạt 30.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã đầu tư vào Nghệ An đã lâu, ở Nghệ An chúng tôi nhận lại Vicem Hoàng Mai, công suất 1,4 triệu tấn/năm, hiện đang vận hàng hiệu quả, đóng góp ngân sách cho tỉnh Nghệ An mỗi năm trên 70 tỷ đồng. Nếu hoạt động hết công suất, bán hết hàng, nộp ngân sách những năm tới dự kiến đạt 100 tỷ đồng/năm. Dự án góp phần phát triển đô thị Hoàng Mai, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Hiện nay chúng tôi đang đầu tư mỏ rộng dây chuyền Hoàng Mai 2, công suất 4,5 triệu tấn/ năm. Để làm được điều này cần đồng bộ các yếu tố hạ tầng như: cảng, giao thông, nhiên liệu thay thế… Chúng tôi cũng chuẩn bị đầu tư nhà máy vật liệu không nung đáp ứng nhu cầu cho cả khu vực. Như vậy Nghệ An là một điểm chiến lược phát triển trong toàn ngành của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao ý chí, quyết tâm, tinh thần của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và khẳng định chúng tôi là nhà đầu tư có trách nhiệm.
Nhóm PV