Nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực!
(Baonghean) - Không phải là vùng đất thiên thời, địa lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều năm nay, Quỳ Hợp vẫn chủ động được về sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương. Vụ đông xuân năm 2013 - 2014, việc mạnh dạn đưa giống lúa mới thay cho bộ giống cũ dần thoái hóa đã mang lại sản lượng, chất lượng gạo vượt trội.
(Baonghean) - Không phải là vùng đất thiên thời, địa lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều năm nay, Quỳ Hợp vẫn chủ động được về sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương. Vụ đông xuân năm 2013 - 2014, việc mạnh dạn đưa giống lúa mới thay cho bộ giống cũ dần thoái hóa đã mang lại sản lượng, chất lượng gạo vượt trội.
Đã được nghe ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quỳ Hợp chia sẻ về những chuyển biến tích cực của vụ xuân vừa qua, tạo đà cho vụ hè - thu 2014, nhưng phải tự mình bước trên những cánh đồng đang vào đợt cấy khẩn trương, mới thấm hết niềm vui được mùa của người nông dân một nắng, hai sương... Bì bõm sục bước, bón thúc cho gần 2 ha lúa đang vào thời kỳ bén rễ xanh sau cấy, ông Vi Văn Nghị (bản Vạn, xã Bắc Sơn) không giấu được niềm vui: “Vụ đông xuân thắng to, trung bình 72 - 75 tạ/ ha. Ở vùng núi Bắc Sơn này mà năng suất cây lúa được như rứa là chuyện “kỷ lục”... Nhờ giống Kinh Sở Ưu 1588, cả bản ta xuống giống ni, vụ rồi cũng rứa mà vụ ni cũng rứa!”
Anh Trương Xuân Toàn (xóm Minh Quang, Minh Hợp) kiểm tra mực nước trên ruộng. |
Giống lúa Kinh Sở Ưu 1588 mà ông Vi Văn Nghị tấm tắc nhắc đến chính là giống lúa chủ lực trong bộ giống của huyện năm nay, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, hoàn thiện bộ giống có năng suất, chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Kinh Sở Ưu 1588 thực chất không quá xa lạ với người nông dân nơi đây, bởi để chuẩn bị cho bước chuyển mạnh mẽ gieo cấy giống lúa này trên hơn 80% diện tích canh tác toàn huyện trong vụ xuân 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo tiến hành khảo nghiệm nhiều lần trên một số diện tích, ở các địa bàn, điều kiện canh tác khác nhau. Đối chứng với giống cũ là PHB71 và Nhị Ưu 838, Kinh Sở Ưu 1588 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn (125 ngày), phù hợp với sản xuất 2 vụ/năm và thuận lợi cho sản xuất vụ đông trên địa bàn một số xã ở Quỳ Hợp. Mặt khác, giống mới này có khả năng chống chịu sâu bệnh, dịch hại cao, chịu rét tốt, tỷ lệ gãy đổ thấp trong các điều kiện thời tiết bất thuận. Ấy là đánh giá trên cây lúa, còn khi lúa đã về đầy bồ, đầy sạp, thì người nông dân có nhận xét thực tế trong bữa cơm hàng ngày, là “Hạt gạo trắng, chắc mẫm, cơm mềm, có vị ngọt thơm đậm đà và quan trọng là ít bị bạc bụng” - ông Vi Văn Nghị chia sẻ, và không quên tập tính hiếu khách của đồng bào Thái, mời khách phương xa về nhà dùng bữa cơm chiều cho biết.
Những người nông dân của xứ Phủ Quỳ vốn ngại thay đổi, cập nhật những nét mới trong sản xuất nông nghiệp. Để biến chuyển được tư duy mùa vụ có phần không bắt kịp được trước những biến đổi bất lợi của điều kiện tự nhiên, chính quyền và các cấp, ngành liên quan đã phải có những động thái quyết liệt. Bộ giống lúa mới này được tuyển chọn từ rất nhiều giống lúa được đưa vào trồng khảo nghiệm trước đó trên địa bàn huyện. Trước năm 2011, có khoảng 12 loại giống lúa được đưa vào bộ giống, dẫn đến sự bất cập trong cơ cấu giống địa phương. Giờ đây, chỉ 3 loại giống, với chủ lực là Kinh Sở Ưu 1588 được gieo trồng trên 80% tổng diện tích canh tác hơn 2.600 ha, cho năng suất bình quân 86 tạ/ha. Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Nói về giống lúa, thì từ năm 1996, đa số người dân Quỳ Hợp đã quen với giống Nhị Ưu 838. Thời điểm đó, Nhị Ưu 838 phù hợp nhất với đặc thù thổ nhưỡng, canh tác, nhưng 18 năm trôi qua, giống Nhị Ưu 838 đã dần thoái hóa... Trong khi đó, bộ giống mới mà chủ lực là Kinh Sở Ưu 1588 có các đặc điểm phù hợp hơn, nhưng tư duy người dân vẫn cố hữu, sợ rủi ro, không muốn thử nghiệm. Phải mất rất nhiều tâm sức tuyên truyền, vận động, tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá chất lượng giống thực tế, các hội nghị học tập kinh nghiệm trồng giống lúa mới... dần dà, nông dân được chứng thực và làm theo!” Ngoài việc tuyên truyền, vận động, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn tham mưu cho UBND huyện về việc hỗ trợ 50% tiền giống cho nông dân, thậm chí, cam kết bồi hoàn ngang giá trị nông sản tương đương với giá thị trường trong trường hợp rủi ro, thất thoát do sử dụng giống mới.
Hàng loạt những chính sách hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần đã giúp người nông dân yên tâm hơn khi sản xuất với cơ cấu giống mới, thay đổi tư duy nông nghiệp mới. Nếu như người dân bản Vạn, xã Bắc Sơn đã đồng loạt xuống giống Kinh Sở Ưu 1588 trong vụ đông xuân 2013 - 2014 và nhận được những thành quả đáng mừng, thì ở xã Minh Hợp, vụ hè thu năm 2014 này, Kinh Sở Ưu 1588 mới được người nông dân lựa chọn. Trên những cánh đồng xanh rì màu mạ non, chúng tôi gặp anh Trương Xuân Toàn (xóm Minh Quang, Minh Hợp) đang đi kiểm tra mực nước trên cánh đồng nhà mình. Hỏi chuyện về giống cũ, giống mới, anh tâm sự: “Xã, huyện cũng tuyên truyền nhiều lắm, nhưng vụ xuân vừa rồi vẫn ngại, ngại vì chưa làm bao giờ nên sợ rủi ro, cứ xuống giống quen thôi. Hơn nữa, giá giống Kinh Sở Ưu 1588 cao hơn giống cũ Nhị Ưu 838 đến hơn 40.000 đồng/kg nên ban đầu ai cũng chần chừ cả. Giờ thì tốt rồi, nhìn thấy xã bạn làm giống mới cho năng suất cao hơn hẳn, lại thêm chính sách hỗ trợ tiền giống của huyện, vụ này ta làm thôi!”
Bài, ảnh: Phương Chi