Hồi sinh quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn
(Baonghean) - Quan hệ vốn bị đình trệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang được hâm nóng trở lại với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 30/9. Trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, còn Ấn Độ cũng tích cực xúc tiến chiến lược hướng Đông và tăng cường vai trò của mình tại khu vực, tuyên bố chung sau hội đàm với nhiều điểm đồng thuận vừa đạt được giữa lãnh đạo hai bên đang mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho quan hệ hai nước.
Sau thời gian dài căng thẳng trong quan hệ ngoại giao về nhiều vấn đề, chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Mỹ lần này được kỳ vọng sẽ giúp quan hệ 2 nước sang một trang mới. Sau cuộc hội đàm được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ sáng qua (theo giờ địa phương), lãnh đạo hai bên đã cam kết phối hợp chặt chẽ để giải quyết một loạt vấn đề như: kinh tế, an ninh, quốc phòng và biến đổi khí hậu. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho bước đi “làm nóng” quan hệ này giữa hai nước.
Trước hết về phía Mỹ, nhìn lại trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama bị phàn nàn rằng đã ít quan tâm đến Ấn Độ so với Trung Quốc trong quan hệ kinh tế hay Pakistan trong chiến lược chống khủng bố. Cũng bị đánh giá là đã quá ôm đồm vào các cuộc khủng hoảng ngắn hạn như Afganistan, Iraq, Iran…, chính quyền Obama đã để trượt mối ưu tiên ngoại giao chiến lược dài hạn là Ấn Độ so với người tiền nhiệm George Bush. Thế nhưng, bối cảnh bây giờ đã khác, hiện tại chính là thời điểm để Tổng thống Obama sửa chữa những “bước đi sai” với Ấn Độ. Không chỉ làm mới, ông Obama còn muốn cài đặt lại vị trí của Ấn Độ trong chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương. Bởi Ấn Độ với vai trò là một quốc gia mạnh nhất Nam Á chắc chắn sẽ phát huy ảnh hưởng tích cực đối với Afganistan hay Bangladesh, Nepal và cả Sri Lanka trong lộ trình của Washington.
Trong khi Tổng thống Obama từng khẳng định, mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ góp phần định hình thế kỷ 21 thì Thủ tướng Ấn Độ Modi trong chuyến công du Mỹ lần này cũng tuyên bố rằng, hai nước là 2 “đối tác toàn cầu tự nhiên”. Chắc chắn rằng, chính sách hướng Đông, vực dậy nền kinh tế và tăng cường vai trò trong khu vực của Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ không thể thiếu nhân tố Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh cả Mỹ và Ấn Độ đều có một quan ngại chung là sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực châu Á, cái bắt tay Mỹ - Ấn trong nhiều lĩnh vực đặc biệt trong vấn đề an ninh - quốc phòng đang được lãnh đạo hai bên đánh giá là hình mẫu của thế kỷ 21.
Bởi vậy, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Ấn Độ cũng hoan nghênh các công ty Mỹ hỗ trợ phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ, đồng thời đang xem xét giải quyết những vấn đề gây cản trở các công ty Mỹ phát triển năng lượng hạt nhân tại đây. Đáng chú ý nhất, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Narendra Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh trên biển nhằm đảm bảo tự do hàng hải. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đàm phán về việc kéo dài thêm thời hạn 10 năm đối với một khung hợp tác quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ sắp hết hạn vào cuối năm nay. Về lâu dài, Mỹ còn đang tích cực ủng hộ mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản - Australia mà chắc chắn Mỹ sẽ đóng một vai trò không nhỏ, mục đích là nhằm đối trọng với Trung Quốc.
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ B. Obama. Nguồn: Reuters |
Tuy vậy, theo giới phân tích, mặc dù mối quan hệ quân sự và quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn tốt đẹp, nhưng mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn chưa xứng với tiềm năng. Giới chức Mỹ vẫn đang thất vọng về việc Ấn Độ không mở cửa nền kinh tế cho các hoạt động đầu tư nước ngoài hay việc giải quyết những ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề sở hữu trí tuệ. Bởi vậy, theo thống kê, quan hệ thương mại 2 chiều năm 2013 giữa Ấn Độ và Mỹ hiện vẫn ở mức khiêm tốn (63 tỷ USD). Mặc dù Thủ tướng Modi trong chuyến thăm đã phát biểu rằng, Ấn Độ ủng hộ thuận lợi hóa thương mại và sẽ nỗ lực tìm giải pháp chung; thế nhưng, đây chắc chắn vẫn sẽ là một trong những rào cản giữa Mỹ - Ấn Độ. Bên cạnh đó là những tranh chấp thương mại hay căng thẳng về ngoại giao giữa hai bên. Bởi vậy, để có những bước phát triển thực chất hơn nữa, lãnh đạo Mỹ - Ấn sẽ còn nhiều việc phải làm, như hoàn thành ký kết Hiệp định đầu tư song phương, xúc tiến tập trận hay hợp tác trong vấn đề an ninh nội địa và chống khủng bố. Nhưng có thể nói, chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ với khá nhiều kết quả đạt được đã là một bước đi khả quan để kiến thiết một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Mỹ - Ấn thời gian tới.
Phương Hoa