Ôtô Campuchia 5.000: Công nghiệp Việt Nam tủi phận

28/02/2014 15:16

“Tôi thấy tủi thân, vì ngành công nghiệp sản xuất ô tô của VN đi trước rất xa so với Campuchia nhưng lại tụt hậu nhiều quá…”

Việt Nam thừa sức làm ô tô điều khiển bằng smartphone

Mới đây, chiếc xe ô tô điện tự chế điều khiển bằng smartphone Angkor EV 2014 do công dân Campuchia - ông Nhean Phaloek - sáng chế đã khiến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phải “giật mình”.

Chia sẻ về thông tin này, ông Lê Phạm Bắc, giám đốc phân xưởng tại Nhà máy ô tô Xuân Kiên – Vinaxuki, thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để có thể sản xuất được chiếc ô tô điều khiến bằng smartphone như Campuchia nhưng vì thị trường chưa tiếp nhận nên khó”.

Ông Bắc chia sẻ thêm: Tại Việt Nam, thị trường chủ yếu đang thịnh hành 2 dòng xe ô tô chạy bằng xăng và ô tô chạy bằng dầu. Trong công nghệ ô tô, Việt Nam đi trước Campuchia một bước nhưng lại chậm chân hơn Campuchia khi đất nước này xoáy sâu vào dòng xe chạy bằng điện.

“Tất cả các hãng xe trên thế giới đều đang tập trung nghiên cứu để cho ra đời các mẫu xe chạy điện, thứ nhất tốt cho môi trường sạch, tiết kiệm hơn so với xăng. Tuy nhiên, cái khó nhất là làm ra pin chạy điện, vì khó nên giá có thể cao hơn nhưng nó lại rất sạch và tiết kiệm” – ông Bắc phân tích.

Chiếc xe
Chiếc xe "Angkor EV 2014" tại buổi lễ ra mắt ở tỉnh Kandal ngày 14/2. (AFP/TTXVN)

Trong định hướng phát triển ô tô tại Việt Nam, chính phủ cũng có nhắc tới xe điện, tuy nhiên, theo ông Bắc, do thị trường chưa có nhu cầu, đòi hỏi lớn nên doanh nghiệp Việt Nam chưa nghiên cứu dòng xe này, chủ yếu vẫn chú tâm vào dòng xe chạy bằng xăng.

“Tôi có thể đảm bảo các doanh nghiệp trong nước thừa khả năng làm ra chiếc ô tô giống Campuchia, nếu liên doanh còn đơn giản hơn nhiều. Và tôi tin chắc trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có ô tô chạy điện vì đó là xu hướng mà thế giới đang ưu tiên phát triển để đảm bảo trong sạch môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu. Xe ô tô điện trên thế giới cũng chỉ mới bắt đầu được sản xuất, ngay cả Nhật Bản cũng chỉ mới bắt đầu” – ông Bắc nhận xét.

Như vậy, dù “thừa khả năng” để sản xuất ô tô điện điều khiển bằng smartphone nhưng lại không biết chớp thời cơ để đi trước đón đầu như Campuchia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể coi là đã thua một vố đau.

Công nghiệp ô tô Việt Nam tụt hậu vì không khuyến khích được người giỏi

“Tuy chỉ là một sản phẩm tự chế nhưng chiếc ô tô điện của ông Nhean Phaloek đã để lại dấu ấn đầy ấn tượng cho cả ngành công nghiệp ô tô của Campuchia. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã đánh mất đi “tuổi xuân” nhiều quá khi không trưng dụng được các kỹ sư giỏi” – ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tỏ ra nuối tiếc.

Theo ông Hùng, công nghệ sản xuất ô tô tại Việt Nam đi trước Campuchia từ rất lâu nhưng lại tụt hậu trong việc tự chế ô tô điện – đó là điều rất đáng buồn. Năm 1970 của thế kỷ trước, miền Nam Việt Nam đã từng sản xuất xe hơi La Dalat với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 40%. Tiếc rằng, ngành công nghiệp xe hơi ra đời khá sớm và rất thành công thời đó đã không phát triển được. Cho đến nay, Việt Nam vẫn cứ lẹt đẹt đi sau các nước trong khu vực, thậm chí sản xuất không nổi con ốc hay sợi dây điện đạt chuẩn của ôtô!

“Tôi thấy tủi thân, vì ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam đi trước rất xa so với Campuchia nhưng lại tụt hậu nhiều quá…”- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chia sẻ.
“Tôi thấy tủi thân, vì ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam đi trước rất xa so với Campuchia nhưng lại tụt hậu nhiều quá…”- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chia sẻ.

“Từ việc này, Việt Nam phải tính toán đến việc đổi mới công nghệ trong sản xuất ô tô. Vì từ trước tới nay, chúng ta chỉ tập trung vào công nghệ phụ trợ, chủ yếu bắt tay với các công ty liên doanh chứ chưa có chính sách ưu đãi cho các kỹ sư, chuyên gia thiết kế ô tô tại Việt Nam. Đồng thời, để thúc đẩy phát triển, chính sách dành cho khoa học công nghệ cũng cần phải thay đổi” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, sở dĩ ngành công nghệ ô tô của Việt Nam tụt hậu hơn so với nhiều nước trong khu vực, là bởi vì chiến lược sản xuất ô tô của ta không thực tế. Có thời kỳ Việt Nam tập trung chủ yếu vào lắp ráp, chứ chưa ưu tiên sản xuất loại ô tô chất lượng cao. Những sai lầm về chính sách đối với công nghệ sản xuất ô tô đã dẫn đến việc hàng loạt nhà đầu tư lớn như Toyota, Madaz, Ford… đã lần lượt từ bỏ những dự án sản xuất ô tô triệu đô tại Việt Nam hoặc không có ý định đầu tư sâu thêm do lo ngại về công nghiệp phụ trợ non kém.

“Có thời kỳ Chính phủ Việt Nam chọn loại xe chiến lược không phù hợp với thực tế, trong khi, thị trường mới chính là nhân tố quyết định dòng xe nào sẽ được ưu ái” – ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việcNhà nước chưa có chính sách khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo, sản xuất ra những chiếc xe “made in Việt Nam” mà chủ yếu nhập nguyên liệu nước ngoài về để lắp ráp, thêm một vài chi tiết lặt vặt để xuất xưởng và bán, cũng khiến ngành sản xuất ô tô của Việt Nam xuống dốc.

“Tôi thấy các kỹ sư ở Việt Nam rất đông đảo và có rất nhiều kỹ sư giỏi. Nếu có chính sách thỏa đáng, chúng ta không thua gì Campuchia, Thái Lan... Vì chính sách chưa đúng, cơ chế chưa đúng nên chưa khuyến khích cho họ sáng tạo” – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận định.

Theo.vietnamnet