Chuyện người đi bộ xuyên Việt: Đi để sẻ chia
(Baonghean.vn) - Suốt 5 năm trời ròng rã chuẩn bị cho một chuyến đi bộ xuyên Việt từ TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng ra với Thủ đô Hà Nội, Phạm Thành Long - GĐ Công ty Luật Gia Phạm đã khẳng định phương châm "Sống để yêu thương, yêu thương để sống". Hành trình 33 ngày rong ruổi trên chặng đường hơn 1.868km, qua 20 tỉnh thành dọc đất nước, trung bình mỗi ngày bước 83 - 88.000 bước chân đã kết thúc tại tượng đài Lý Thái Tổ ngày 26/8. Và những trải nghiệm trên đường đi của anh có thể viết thành một cuốn sách.
Luật sư Phạm Thành Long là người sáng lập công ty Luật Gia Phạm. Anh là một doanh nhân thành đạt, được vinh danh “Sao Vàng Đất Việt”, đồng thời còn là một nhiếp ảnh gia và là một vận động viên chơi ba môn thể thao phối hợp khá xuất sắc. Sống ở Hà Nội, làm việc ở Thủ đô và Sài Gòn, ý tưởng thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt được Long ấp ủ từ năm 2009, đến nay mới có cơ hội thực hiện được. Sáng 20/7, Phạm Thành Long bắt đầu hành trình ngàn dặm ở ngã tư Hàng Xanh (TP Hồ Chí Minh) ngược ra Hà Nội, về nhà với vợ con trên đôi chân. Trong túi anh chỉ có 680.000 đồng với ý định sẽ sống dựa vào người dân và bạn bè dọc đường để trải nghiệm.
Sống để yêu thương
Một bài học quan trọng, không thể không nhắc tới của đi bộ xuyên Việt: Càng cho đi bao nhiêu, bạn càng nhận nhiều bấy nhiêu. Ngày đầu tiên của hành trình, miền Đông Nam Bộ buổi sáng nắng như đổ lửa, tối thì mưa xối xả. Kết thúc ngày đầu tiên, bàn chân anh phồng rộp. Ngày thứ hai, anh vẫn dậy từ 4h30 như kế hoạch đã lập sẵn. Trời tiếp tục mưa xối xả và gió rất mạnh, người khách bộ hành vẫn mải miết bước. “Ngày thứ hai với chặng đường Dầu Giây - Xuân Tâm gần 80 km quả là một ngày đi đường rất khó khăn. Tuy nhiên, khi vượt qua được thì mình thấy bất kỳ việc khó khăn nào khác đều trở nên dễ dàng”, Long chia sẻ.
Hành trình qua Phú Yên, một trong những chặng vất vả nhất của Phạm Thành Long |
Ngày thứ 5 hành trình đi bộ từ TP HCM về Hà Nội với vợ con, đặt ba lô xuống đất Mũi Né (Bình Thuận), luật sư Phạm Thành Long viết trong nhật ký “Ngày thứ 5... Có lẽ những ngày liên tục với hành trình dài nhiều giờ đã gần như tiêu diệt toàn bộ năng lượng còn sót lại. Đây chính là thời điểm cơ thể buộc phải mạnh mẽ hơn để thích nghi với tình trạng mới”. Những dòng nhật ký từ ngày bắt đầu rời Sài Gòn bằng đôi chân đều được Long ghi lại, chia sẻ lên mạng để bạn bè và người thân ở nhà dễ dàng theo dõi chuyến đi của anh.
Từ phương châm sống: “Sống để yêu thương và yêu thương để sống”, trong hành trình lần này, Phạm Thành Long thực hiện cách sống nương tựa vào lòng dân và sự hỗ trợ của các bạn bè. Đây là một hành trình không mang theo nhiều tiền mà vẫn có thể sống được để minh chứng cho một phong cách sống mới, không cần tiền nhưng vẫn là người giàu, giàu nghĩa tình và sự sẻ chia.
Sau 5 ngày đi đường, số tiền Long tiêu mới khoảng 100.000 đồng. Anh xin nước uống ở nhà người dân ven đường, thức ăn là trái cây mua ngay tại vườn nông dân, chôm chôm, thanh long, chuối... đều rất rẻ. Ngoài ra, anh mang theo một số vitamin và khoáng chất để đảm bảo dinh dưỡng dọc đường. Buổi tối Long ngủ nhờ nhà dân để hiểu thêm về cuộc sống của người địa phương. Những chủ nhà "không ngờ" này đều rất tốt bụng, mời khách lữ hành bữa cơm tối bất kể đạm bạc hay thịnh soạn và đa số đều được làm từ sản vật cây nhà lá vườn. Nhiều người còn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng và gói ghém thức ăn cho hành trình kế tiếp của Long. Như ông An, chủ một khu sinh thái nơi anh nghỉ qua đêm ở gần Bàu Trắng, Bình Thuận, sáng dậy sớm chuẩn bị nồi xôi đậu muối mè để anh lên đường.
Chàng luật sư bày tỏ, sự nhiệt tình giúp đỡ của dân địa phương trên những chặng đường qua khiến anh cảm nhận rõ hơn về lòng nhân ái của người Việt Nam. "Chỉ cần hỏi chuyện vài câu, nói rằng em/cháu đang đi bộ về quê, phép thần hiện ra. Càng đi càng thấy con người Việt Nam luôn rộng lòng yêu thương", Long viết trong nhật ký hành trình.
Năm 2009 anh và 2 người bạn đã làm chuyến đi xe đạp xuyên Việt. Lúc đó, qua địa phận thành phố Vinh, chúng tôi đã cùng các bạn trẻ đón anh từ cầu Bến Thủy và trong cuộc trò chuyện tại phường Trường Thi (TP Vinh), Phạm Thành Long (còn có nick name là LongPT) đã chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của mình cùng giới trẻ thành phố Vinh về những đam mê, khát khao vươn lên trong cuộc sống mà chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp lần đó là một minh chứng.
Đam mê nhiếp ảnh, từng là admin của trang web photo.com.vn nổi tiếng, anh và bạn bè cùng đam mê đã từng rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Có lẽ chẳng nơi nào trên đất Việt mến yêu mà bước chân của những người ưa khám phá và cảm nhận chưa đặt chân tới. Anh tâm sự "Với tôi, đi là để cảm nhận, để thêm yêu từng góc nhỏ của tổ quốc mình. Nhưng cũng là cách để tự luyện rèn ý chí của mình...."
Nay, với chuyến đi "Nước non ngàn dặm ra đi...", anh lại muốn mình được tự tìm hiểu chính ý chí và nghị lực của bản thân dưới một cách khác. Tất nhiên, với người như Phạm Thành Long, miền đất nào trên hành trình đi bộ lần này anh từng đã có không dưới ít lần dừng lại, ghé qua hoặc gắn bó ít nhiều kỷ niệm. Bởi vậy, bạn bè trên những cung đường ấy cũng chẳng bao giờ thiếu. Thế nhưng, cũng có những lúc, đường xa cô quạnh, bước chân dừng mỏi sau một ngày nắng gắt rã rời, Long đã phải dừng bước ở một xóm nghèo ở Quảng Ninh (Quảng Bình) chỉ để...xin cơm ăn và xin nốt chỗ ngủ. Cả cái xóm nghèo ấy đã rộn rã hẳn lên vì có một ông khách đen nhẻm, trông cũng "không đến nỗi chút mô" mà đi xin ăn. Vậy là cơm nguội trộn muối ớt, mỳ tôm được đưa ra. Long bảo rằng " Đó có lẽ là một trong những bữa cơm ngon nhất của tôi, bởi nó ấm nồng tình người". Long đã chia sẻ trên trang facebook của mình ngày 17/8: "Cơm chan mắm ớt, mỳ tôm dội nước, xin ăn xuyên Việt thật là đẳng cấp. Cả làng quê nghèo mang cơm, mì tôm, hoa quả tiếp đón chúng tôi. Cảm động rơi nước mắt".
Có lúc đi qua Hải Lăng (Quảng Trị) gặp CSGT, họ đã hỏi han, trò chuyện và rất khâm phục ý chí của Long. Những sỹ quan CSGT đã gửi theo 2 chai nước để anh dùng trên đường, và đó cũng là lần thứ 3 anh được CSGT tặng nước.
Anh chia sẻ trên hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc, những bữa ăn của anh không tính theo kiểu “ngày 3 bữa” như trước mà là “có gì ăn nấy”. Cách sống “dựa vào lòng dân” đó đã giúp anh trải nghiệm, hiểu cuộc sống của người dân Việt dọc đất nước và thấy được tiềm năng của con người là rất to lớn.
Những con người trên khắp mọi miền Tổ quốc như một nhà sư, người phụ nữ bán xôi, người bán hoa quả hay chủ một nhà hàng mỳ Quảng, một sinh viên, một thầy giáo… đều giúp anh hiểu thêm về cuộc sống của họ, từ đó cảm thấy trân trọng cuộc sống mình đang có. Hơn nữa, điều đó sẽ tạo cho anh nguồn cảm hứng để tiếp tục cống hiến những giá trị cho cộng đồng trong sự nghiệp đào tạo mà anh đam mê.
Luật sư Long trong khi xuyên Việt không quên dành tình cảm cho cả những đứa trẻ gặp ở trên đường. Và những người anh gặp, anh đều giúp họ một việc gì đó hoặc họ có thể học được từ anh một bài học ý nghĩa nào đó. Chính vì đây là một bài học lớn luôn được thực hành trong cuộc hành trình nên anh đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của rất nhiều người. Trong chuyến đi bộ xuyên dải đất hình chữ S, chỉ có mấy trăm ngàn đồng trong túi nhưng anh vẫn sống thoải mái nhờ sự giúp đỡ của những người dân Việt. Vì có nhiều người sẵn sàng cho anh ăn, cho anh ngủ nhờ, mang cho nước uống, thậm chí còn đi bộ cùng một đoạn đường… Điều đó đã minh chứng cho bài học “Cho là nhận” luôn đúng ở mọi lúc, mọi nơi.
Ý chí hành trình
Cung đường dài trên 1.800 km không hề ngắn, hẳn vậy. Như thế, ý chí của người chinh phục ngàn dặm đường chắc chắn ngoài khát khao chinh phục còn phải được luyện rèn bằng chính lòng quả cảm và sự luyện rèn, ngay từ suy nghĩ.
Để thực hiện cuộc hành trình đi bộ ngàn dặm, Phạm Thành Long đã thực hiện một chế độ rèn luyện rất nghiêm ngặt. Cứ mỗi chủ nhật, chạy bộ khoảng 30 km. Sáng thứ 3 hàng tuần, theo thông lệ là dậy sớm từ 4 giờ sáng để tập chạy và giữ kỷ luật này trong vòng 2 tháng qua. Tính trung bình 1 tuần, anh chạy bộ được khoảng gần 50km, tương ứng với cự ly khoảng hơn 1 nửa ngày đường đi bộ. Ngoài ra còn chuẩn bị trang phục và các đồ dùng gọn nhẹ để cho giảm trọng lượng xuống. Trong chuyến xuyên Việt này, mỗi ngày Long đi trung bình khoảng 60-80km. Với tốc độ di chuyển đường đồng bằng thì tầm 5-6 km/h, còn đường rừng núi thì khoảng 4 km/h, nên 80km thì có ngày phải đi hết 20 tiếng. Từ sáng sớm đến đêm, ngày nào cũng ròng rã như vậy. Vì thế phần lớn hoạt động ăn uống diễn ra trên đường vì có những chặng dài 150 km không có điểm nào hỗ trợ. Có địa điểm như Đèo Cả là một đèo rất dài mà trên đèo không có một cửa hàng nào cả (Đèo cả là đèo dài thứ 3 Việt Nam, dài khoảng 28 km).
Chuyến đi của luật sư Long không khiến bạn bè ngạc nhiên. Anh Nguyễn Vĩnh Cường, một bạn thân của Long cho biết, bạn đã chia sẻ ý định đi bộ cách đây một năm và còn rủ anh cùng đi. Vì công việc Cường không thể tham gia nhưng tin chắc Long sẽ hoàn thành vượt đích mục tiêu của mình. “Long là người mạnh mẽ, ý chí sắt đá, quyết tâm rất lớn", anh Cường nói.
2 tháng trước, quyết tâm đi bộ trở nên rõ ràng hơn khi anh đọc được một câu châm ngôn rằng: “Điều quan trọng nhất mà bạn phải làm là quyết định đi và phần khó nhất sẽ trôi qua”. Luật sư Long không hề đơn độc trong cuộc hành trình. Nhiều bạn bè, người quen biết anh đi bộ đã sẵn sàng tham gia cùng anh ở những chặng nhất định. Có 3 bạn trẻ quyết tâm theo anh từ Sài Gòn về Hà Nội. Quê ở Hải Phòng, đang làm việc tại TP HCM, chàng thanh niên 19 tuổi Cao Mạnh Hưng đã theo suốt Long trong chuyến đi. Hưng cho biết, mấy ngày đầu cậu thường xuyên bị tụt lại phía sau nhưng nhờ sự động viên của anh Long, cậu đã cảm thấy quen với hành trình. "Anh Long là người có ý chí rất vững chãi, em muốn nhân chuyến đi này để học hỏi thêm từ anh ấy", Hưng chia sẻ.
Đặc biệt, rong ruổi trên đường nhưng luật sư Long vẫn có thể điều hành tốt công việc ở công ty cũng như nhóm kinh doanh của mình. Long giải thích: “Với sự hỗ trợ của công nghệ thì thế giới đã trở thành thế giới phẳng nên ngồi bất kỳ đâu, mình có thể làm việc được...". Cũng nhờ các thiết bị GPS và phần mềm chia tọa độ chính xác trên bản đồ, anh Long ngày nào cũng ghi lại toàn bộ hành trình để biết hôm ấy đi tốt hay không, đồng thời chia sẻ vị trí của mình trên website để bạn bè và người thân biết.
Một điểm dừng chân trên cung đường TP Hà Tĩnh - TP Vinh ngày 23/8 |
Luật sư Phạm Thành Long và tác giả tại TP Vinh |
Luật sư Phạm Thành Long khởi đầu chặng đường mới từ TP Vinh đi Cầu Giát |
Hôm gặp nhau tại Thành phố Vinh, chặng đường thứ 27 (Hà Tĩnh - Vinh) sau gần 1 ngày ròng rã trên đường, Phạm Thành Long vẫn tươi tỉnh trò chuyện cùng chúng tôi. Anh tâm sự rằng :" Tôi hiểu rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cách đi và sống cùng nhân dân như vậy thì tôi sẽ học được rất nhiều điều trong hành trình đấy, từ những người dân của mình và những người bạn đường của mình, sẽ học được thêm nhiều thứ. Năm 2009, sau khi đạp xe xuyên Việt trở về, tôi có rất nhiều sự thay đổi lớn trong mọi mặt của cuộc sống. Nên tôi nghĩ sự tích lũy trong 5 năm vừa qua đủ cho mình có một bước đột phá mới trong cuộc đời. Việc thực hiện chuyến hành trình này có lẽ là để có những bước đột phá khác, tôi sẽ học được nhiều điều và có nhiều nguồn năng lượng mới. Điều quan trọng hơn là: Mình chứng tỏ cho bản thân mình thấy rằng nguồn năng lượng bên trong con người là rất khổng lồ nhưng chúng ta không dùng nó mà thôi. Và tôi có thể dùng nó trong gần 30 ngày để làm được ngoài mục đích sống, học hỏi, kết nối với người dân. Hơn nữa, nó có thể cho thấy sức mạnh của bản thân trong những việc về sau này, khi quay trở lại với công việc thì không có khó khăn nào có thể cản trở nữa.
Gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp khi kết thúc hành trình tại tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) |
Cùng vợ tại Km0 (Hà Nội) khi hoàn thành chuyến đi |
Cùng bạn bè dâng hương trước tượng đài Lý Thái Tổ kết thúc hành trình |
Phạm Thành Long chia sẻ những trài nghiệm về chuyến đi với các cơ quan báo chí tại Hà Nội ngày 26/8 |
Trở về với người thân và bè bạn tại Hà Nội ngày 26/8, khép lại chuyến đi đầy trải nghiệm của mình, luật sư Phạm Thành Long đã minh chứng một điều: Bản thân mỗi người đều rất mạnh mẽ, có thể làm được mọi điều và có những điều mà hầu hết mọi người cho rằng khó khăn.
Trần Hải