Công trình xử lý "đào đường" giành giải thưởng quốc tế
Đó là thông tin được Anh hùng Lao động, TS Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BUSADCO) cho biết sáng 30-4. Đây là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng giải thưởng Wipo dành cho doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2013. Cá nhân TS Hoàng Đức Thảo cũng được nhận giải thưởng Wipo cho tác giả của công trình xuất sắc nhất trong năm.
Hào kỹ thuật giúp đẩy lùi nạn đào đường được lắp đặt ở thành phố Vũng Tàu. |
“Sau nhiều năm dày công nghiên cứu và ứng dụng ở các đô thị Việt Nam, đến nay công trình “Nghiên cứu ứng dụng hào kỹ thuật bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn BUSADCO trong ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị Việt Nam”, (gọi tắt là Hào kỹ thuật Busadco) đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đánh giá rất cao. Công trình này cùng với hàng loạt công trình hữu ích khác mà chúng tôi nghiên cứu và ứng dụng thành công năm 2013 đã giúp chúng tôi trở thành doanh nghiệp duy nhất giành giải thưởng Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Năm nay, WIPO đã trao giải thưởng cho ba công trình và một doanh nghiệp; trao Giải thưởng Cúp vàng sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2013 cho năm doanh nghiệp xuất sắc trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ thì riêng Busadco nhận 2 trong số 4 giải Wipo và một Cúp vàng sở hữu trí tuệ”, TS Hoàng Đức Thảo cho biết thêm. Trước đó, công trình này cũng vừa được Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (giải thưởng Vifotec 2013).
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo hướng dẫn lắp đặt hào kỹ thuật. |
Theo TS Hoàng Đức Thảo, tình trạng “đào đường lên, lấp xuống” là một vấn nạn nhức nhối tồn tại ở nhiều đô thị Việt Nam suốt nhiều năm qua. Đường sá bị đào lên, lấp xuống nên gây khó khăn cho quản lý, duy tu, vận hành, bảo dưỡng trong khi yêu cầu lắp đặt, sửa chữa đường điện, điện thoại, cáp quang... lại thường xuyên và bất khả kháng. Để khắc phục tình trạng này, TS Hoàng Đức Thảo và cộng sự đã dày công nghiên cứu, sản xuất sản phẩm “hào kỹ thuật” với sáng kiến, giải pháp “chìm hóa” các hạ tầng của đô thị như: cáp quang, cấp điện, cấp nước… Tất cả các thiết bị này đều được đặt chung trong hào kỹ thuật, ở từng ngăn khác nhau. Vì thế, mới chỉ ra đời năm 2010 nhưng công trình đã thu hút khách hàng vì những tính năng hữu ích của nó.
Hào kỹ thuật được làm bằng bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn sử dụng vật liệu xi măng bền sulfat, chống ăn mòn, chống xâm thực, có độ đặc chắc, “siêu mỏng” chỉ từ 5-8cm, giúp tiết kiệm không gian ngầm đô thị, tiết kiệm quỹ đất, giảm đào bới hè, lòng đường, đảm bảo mỹ quan đô thị. Giải pháp này đem lại hiệu quả kinh tế cao do giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí đầu tư, thuận tiện cho thi công lắp đặt, thuận tiện cho việc duy tu duy trì, vận hành, bảo dưỡng các hệ thống công trình ngầm.
Hào kỹ thuật này hiện nay đã được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại nhiều đô thị trong cả nước như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thái Bình, Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên… Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận thấy sự hữu ích của sản phẩm, UBND tỉnh đã yêu cầu bắt buộc sử dụng Hào kỹ thuật trong các dự án cải tạo nâng cấp xây dựng mới đường đô thị.
Theo QĐND