Các di tích thờ Ðốc tướng Ðoàn Nhữ Hài
(Baonghean) - Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335) là một danh nhân đời Trần, người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc - Hải Dương). Theo sử sách, năm chưa đầy 20 tuổi, đang là một thư sinh, ông đã được vua Trần Anh Tông phong chức Ngự sử trung tán, có nhiệm vụ can gián nhà vua. Sau đó, nhờ có công lớn trong chuyến đi sứ Chiêm Thành, ông được phong chức Tham tri chính sự, tiếp đến là Tri khu mật viện sự.
(Baonghean) - Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335) là một danh nhân đời Trần, người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc - Hải Dương). Theo sử sách, năm chưa đầy 20 tuổi, đang là một thư sinh, ông đã được vua Trần Anh Tông phong chức Ngự sử trung tán, có nhiệm vụ can gián nhà vua. Sau đó, nhờ có công lớn trong chuyến đi sứ Chiêm Thành, ông được phong chức Tham tri chính sự, tiếp đến là Tri khu mật viện sự.
Lễ rước tại Lễ hội Đền Cửa Rào. |
Năm 1335, vùng ấp Nam Nhung (thuộc miền Tây Nghệ An) bị giặc Ai Lao quấy nhiễu, xâm lăng, Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh cầm quân vào đây dẹp giặc. Đang giữ chức Kinh lược địa sứ Nghệ An kiêm chỉ huy quân Thần Vũ, Thần Sách, Đoàn Nhữ Hài được cử làm Đốc tướng. Với cương vị này, ông trực tiếp cầm quân chiến đấu với giặc Ai Lao. Trong một trận chiến đấu ác liệt diễn ra bên bờ sông Tiết La (gần đầu nguồn sông Lam ngày nay), do nhận định thiếu chính xác về thế giặc, lại bị mây mù che tối nên Đoàn Nhữ Hài và các tướng sỹ nhà Trần bị giặc phục kích. Ông và nhiều quân sỹ bị sa xuống sông rồi chết đuối. Sau này, khi nhà Trần đánh đuổi giặc Ai Lao ra khỏi bờ cõi phía Tây Đại Việt, cảm kích trước tấm lòng trung nghĩa và khí tiết của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, nhân dân vùng ấp Nam Nhung đã lập đền thờ ông tại một ngôi làng ven sông để quanh năm hương khói, tưởng nhớ công đức và cầu mong anh linh ông che chở. Đến thời Hậu Lê (năm Cảnh Hưng thứ 2-1739), hậu duệ của Đoàn Nhữ Hài là Đoàn Viết Yến được cử làm Tri huyện Quỳnh Lưu. Đoàn Viết Yến thấy đền thờ của Đoàn Nhữ Hài nằm ở vùng đất xa xôi, cách trở, khó khăn cho việc hương khói nên xin phép nhà vua cho chuyển về làng Nguyệt Tiên, xã Diễn An (Diễn Châu) để thuận tiện cho việc thăm viếng của con cháu. Ngày nay, đền thờ Đoàn Nhữ Hài ở Diễn An vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghi và quanh năm hương khói.
Đền thờ chính của vị Đốc tướng nhà Trần đã được chuyển về miền xuôi nhưng người dân thuộc ấp Nam Nhung xưa luôn ngưỡng vọng và bày tỏ tấm lòng thành kính với công đức của người đã vì sự bình yên của giang sơn, bờ cõi mà hy sinh cả thân mình. Bằng chứng sinh động là trận đánh của quân sỹ nhà Trần bên dòng sông Tiết La đã diễn ra gần 700 năm, ngày nay ở hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đều có đền thờ Đoàn Nhữ Hài là đền Cửa Rào và đền Pu Nhạ Thầu.
Đền Cửa Rào (xã Xá Lượng - Tương Dương) nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ để tạo nên dòng Lam thơ mộng. Tương truyền, nơi này cách vị trí Đoàn Nhữ Hài tử trận không xa. Theo quan niệm dân gian, những vùng ngã ba sông thường rất thiêng và chứa đựng nhiều huyền sử. Vì thế, tọa lạc ở vị trí này, đền Cửa Rào càng trở nên linh thiêng không chỉ với người dân trong vùng mà cả với du khách thập phương. Nép mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi in bóng xuống lòng sông, chung quanh là đại ngàn hùng vĩ càng điểm tô cho ngôi đền vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm. Trải qua bao năm tháng thăng trầm, nắng mưa gió bụi, bom rơi đạn nổ nhưng đền Cửa Rào vẫn trụ vững với thời gian, bởi luôn được nhân dân bảo vệ, trùng tu và tôn tạo. Năm 2009, đền Cửa Rào được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đền quanh năm hương khói, vào ngày Rằm và mồng Một hàng tháng, người dân trong vùng thường đem lễ vật đến cầu lộc, cầu an. Đặc biệt, vào dịp đầu Xuân, huyện Tương Dương thường tổ chức lễ hội với quy mô lớn, trong đó phải kể đến lễ rước với quy mô hoành tráng, tái hiện lại tinh thần và ý chí chiến đấu quên mình của tướng sỹ nhà Trần dưới sự chỉ huy của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Tiếp đến là lễ tế, tất cả mọi người cùng kính cẩn cầu mong anh linh Đốc tướng phù hộ cho quốc thái dân an, bản làng yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Di tích Lịch sử - Văn hóa, đền Pu Nhạ Thầu (xã Hữu Kiệm - Kỳ Sơn) cũng là nơi nhân dân địa phương thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Tương truyền, đây là vị trí năm xưa Đoàn Nhữ Hài chọn làm đại bản doanh, nơi luyện tập binh sỹ, tập kết quân lương và quan sát sự di chuyển của quân giặc. Người dân địa phương đồng lòng giúp đỡ và động viên con em gia nhập đội quân nhà Trần để góp phần đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bản làng. Trong đó, có một bà cụ già, tuổi cao nhưng vẫn hăng hái xin được vào lo việc hậu cần cho quân sỹ. Mỗi bữa ăn, bà cụ nấu cả một vạc đồng cơm. Sau khi Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài tử trận, người dân địa phương chọn chính địa điểm ông đóng quân để lập đền thờ. Một thời gian sau, bà cụ già nuôi quân cũng mất, bà con trong vùng đưa linh vị bà về thờ tại đền thờ Đốc tướng. Vì lẽ đó, ngọn núi này về sau được gọi là Pu Nhạ Thầu (núi Bà Già), ngôi đền thờ được gọi là đền Pu Nhạ Thầu, hay đền Nhà Trần. Từ đời này qua đời khác, đền được nhân dân trong vùng quanh năm hương khói và thường xuyên bảo vệ, tôn tạo.
Tính về khoảng cách đường chim bay, đền Cửa rào và đền Pu Nhạ Thầu cách nhau khoảng 40 km, cả hai ngôi đền đều thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài. Mới hay, nhân dân ta thật công bằng, thủy chung với những con người yêu nước, thương dân, sẵn sàng xả thân vì sự an nguy của đất nước, vì cuộc sống của muôn dân!
Tường Anh