Đường tồn kho ở mức kỷ lục

15/06/2014 15:27

Không phải lần đầu tiên ngành mía đường đối mặt với tình trạng dư thừa, nhưng mùa vụ năm nay, lần đầu tiên các doanh nghiệp trong ngành đang phải “oằn” lưng “cõng” một lượng quá lớn đường tồn kho.

Tồn gần 678.000 tấn

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến 15/5/2014, lượng đường tồn kho cả nước đã đạt con số kỷ lục gần 678.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2013 hơn 111.000 tấn. “Các năm qua, nhu cầu tiêu thụ đường của người dân trong nước hầu như khá ổn định. Cụ thể, 3 năm qua, lượng đường mà các nhà máy bán ra chênh lệch giữa các năm không đáng kể. Trong khi đó, lượng đường nhập lậu vẫn đang tuồn vào nội địa do các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Với nhà nông một nắng hai sương và doanh nghiệp chế biến đường, thì mía vẫn chưa ngọt.
Với nhà nông một nắng hai sương và doanh nghiệp chế biến đường, thì mía vẫn chưa ngọt.

Ở trong nước, các nhà máy chế biến đường mới liên tiếp ra đời, góp phần đẩy nguồn cung gia tăng chóng mặt. Chỉ tính niên vụ mía đường vừa qua, các nhà máy đã sản xuất được gần 1,6 triệu tấn đường, tăng khoảng 123.680 tấn so với niên vụ trước”, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký VSSA nhận định.

Hầu hết các nhà máy đường ở miền Bắc và Nam Bộ đã kết thúc mùa vụ sản xuất vào cuối tháng 5. Hiện chỉ còn một ít nhà máy đường ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung vẫn tiếp tục sản xuất. Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức cho thấy, giá đường bán buôn hiện vẫn ở mức ổn định. Cụ thể, đường trắng loại I tại cửa kho dao động ở mức 12.700 - 13.500 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2013. So sánh với giá đường nhập lậu từ Campuchia tại các tỉnh biên giới Tây Nam như An Giang, Long An…, giá đường trong nước cao hơn từ 1.000 -2.000 đồng/kg. Nhiều đầu nậu chuyên vận chuyển đường cát nhập lậu tại đây cho biết, đường cát nhập lậu chủ yếu là của Thái Lan, lượng đường này đang chiếm đến 80% thị phần ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Giá đường thấp khiến không ít nhà máy mía đường phải ngừng hoạt động, trong đó nhiều “ông lớn” trong ngành đang tính đến chuyện tiết giảm sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh để cắt lỗ. Theo tính toán của VSSA, nếu tính bình quân chi phí mua mía ở mức hơn 1 triệu đồng/tấn, quy đổi ra giá thành sản xuất đường là 13.500 đồng/kg thì với giá bán đường như hiện nay, các doanh nghiệp đang phải “cắn răng” chịu lỗ tới hơn 1.000 đồng/kg. “Trước thực trạng lượng đường tồn kho lớn, các doanh nghiệp chỉ còn mong chờ vào xuất khẩu, nhưng việc này cũng hết sức gian nan. Hạn ngạch ngành chức năng cấp quá nhỏ (khoảng 230.000 tấn đường RS - đường kính trắng và chưa cho phép xuất khẩu đường RE - đường tinh luyện). Mặt khác, giá cước vận chuyển tăng khiến việc buôn bán tiểu ngạch qua Trung Quốc chưa có nhiều tiến triển”, ông Hải lo lắng.

Gỡ khó

Trong một động thái tích cực giúp ngành mía đường giải quyết khó khăn, Bộ Công Thương đã cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi qua biên giới loại đường RS qua cửa khẩu Bản Vượng, huyện Bát Xát (Lào Cai), thời hạn đến ngày 30/6/2014. Riêng đối với đường RE, chỉ xuất khẩu khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, bởi thực tế nhiều năm qua, mặt hàng đường RE cung không đủ cầu. Trước đó, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã tổ chức khảo sát, điều tiết, cân đối cung cầu trong nước, tính toán lượng đường RE dư thừa, tiến tới cho phép doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế và ngành chức năng cần nhanh chóng có giải pháp căn cơ, triệt để, dài hơi hơn. Thực tế trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải có một quy chế điều hành mới. Việc sản xuất và tiêu thụ phải đi đôi, gắn kết với nhau và phải dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường, cần có tầm nhìn chiến lược hơn, chứ không chỉ là giải quyết lượng hàng sản xuất từng năm như cách mà các ngành chức năng đang làm.

“Chúng ta phải tự cứu mình, tự điều chuyển, nâng sức cạnh tranh, giảm giá thành… để có thể “thắng” đường nhập lậu. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất đường nên tập trung vào hoạt động khai thác chuỗi giá trị ngành đường, chú ý đầu tư những sản phẩm sau đường nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Song song đó, ngành chức năng cần nhìn nhận vấn đề có chiến lược, giúp ngành chuyển sang thế chủ động sẵn sàng cho việc xuất khẩu như các ngành nghề khác mà Việt Nam đang có lợi thế…”, ông Hải nói thêm.

Theo Tintuc