Xây dựng làng văn hoá: Khó thực hiện tiêu chí KHHGĐ

14/09/2014 09:57

(Baonghean) - Phong trào xây dựng Làng Văn hoá được triển khai sâu rộng ở các cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần làm chuyển biến rõ nét đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí với các nội dung đa dạng về kinh tế, văn hoá, môi trường…, được công nhận danh hiệu Làng Văn hoá và giữ gìn, phát huy danh hiệu này là điều không dễ dàng.

Làng nghề mộc xóm 7, xã Thái Sơn, Đô Lương.
Làng nghề mộc xóm 7, xã Thái Sơn, Đô Lương.

TIN LIÊN QUAN

Trong một lần đến thăm làng nghề mộc Tĩnh Gia, xóm 7, xã Thái Sơn, (Đô Lương) chúng tôi khá bất ngờ về làng nghề phát triển mạnh, đời sống người dân khấm khá, nếp sống văn minh, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được công nhận danh hiệu Làng Văn hoá. Ông Nguyễn Thừa Hoà, Xóm trưởng xóm 7 cho biết: Nghề mộc góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 140 lao động, với mức thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xóm 7 chúng tôi luôn là một trong những lá cờ đầu của xã. Các vấn đề về an ninh thôn, xóm, vệ sinh môi trường… đều đảm bảo. Suốt mấy năm nay, xóm phấn đấu xây dựng danh hiệu Làng Văn hóa, nhưng còn vướng chuyện trong xóm có gia đình sinh con thứ 3 – vi phạm quy định về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Xã Thái Sơn, Đô Lương có 12 xóm, nhưng chỉ có 2 xóm (10,11) được công nhận Làng Văn hoá. Điều đáng nói là, từ năm 1998 đến nay, ở xã này không có thêm xóm nào được công nhận mới. Ông Nguyễn Quang Hợi, Trưởng ban Văn hoá xã Thái Sơn thừa nhận, để phấn đấu công nhận Làng Văn hoá mới là rất khó. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các làng đều vi phạm tiêu chí KHHGĐ, xã Thái Sơn có 12 xóm, thì hiện 8 xóm có trường hợp sinh con thứ 3.

Hợp Thành (Yên Thành) là xã có phong trào xây dựng Làng Văn hoá phát triển khá mạnh, đạt chuẩn quốc gia về thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ. Toàn xã hiện có 5 Làng Văn hoá/11 làng; mỗi năm đều có thêm Làng Văn hoá được xây dựng mới. Thế nhưng, cũng như Thái Sơn, hầu hết các làng ở Hợp Thành đã được công nhận danh hiệu Làng Văn hoá vẫn vướng ở việc thực hiện tiêu chí về KHHGĐ. Theo kết quả kiểm tra, 2 năm xây dựng Làng Văn hoá của huyện Yên Thành, thì Hợp Thành có 3/5 Làng Văn hoá có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Có 3 xóm đang phấn đấu xây dựng Làng Văn hoá là Lý Nhân, Đình Phụng, xóm Chùa, tuy nhiên các làng này cũng không tránh khỏi khó khăn về tiêu chí thực hiện KHHGĐ. Theo bà Nguyễn Thị Diệu, về vấn đề này các đơn vị xóm tích cực triển khai các hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, còn thực hiện nghiêm túc việc khen thưởng các gia đình thực hiện tốt KHHGĐ và xử phạt những hộ không chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những cá nhân ý thức chưa cao, gây cản trở trong việc phấn đấu xây dựng Làng Văn hoá của xóm.

Huyện Con Cuông hiện có 58/127 làng, bản được công nhân danh hiệu Làng Văn hoá. Có một số Làng Văn hóa duy trì được nhiều năm, nổi bật như: bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; bản bãi Gạo, xã Châu Khê; bản Thanh Bình, xã Thạch Ngàn, bản Nưa, xã Yên Khê. Thế nhưng, hàng năm, toàn huyện Con Cuông chỉ công nhận mới thêm được một vài làng, bản văn hoá. Ông Nguyễn Huy Chương – Trưởng phòng Văn hoá huyện con Con Cuông cho biết: “Với đặc thù đời sống còn khó khăn, đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ cao, ý thức của người dân về sinh đẻ có kế hoạch còn hạn chế, mặt khác, vấn đề an ninh trật tự và tệ nạn xã hội ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa chính là những rào cản trong phong trào xây dựng và duy trì các làng, bản văn hoá”.

Làng Hồng Điện, xã Đôn Phục (Con Cuông) được công nhận Làng Văn hoá năm 2008, nhưng đến năm 2013, làng này bị cắt danh hiệu văn hoá. Làng Hồng Điện có trên 90% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, kinh tế người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên còn khó khăn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn nỗ lực vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng Làng Văn hoá bằng việc gìn giữ các nét đẹp văn hoá truyền thống, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ; thể thao, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, vận động 100% trẻ đến trường … Trong 2 năm gần đây, làng Hồng Điện vi phạm một số tiêu chí trong quy định Làng Văn hoá như: sinh con thứ 3 và phát sinh một số trường hợp nghiện mới. Ông Lang Vi Đức, Chủ tịch UBND xã Đôn Phục cho biết, mặc dù chính quyền địa phương luôn duy trì công tác tuyên truyền, vận động thông qua các câu lạc bộ, đồng thời, tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, nhưng địa bàn miền núi phức tạp, việc tuyên truyền và quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 55% khu dân cư văn hoá trên tổng số 5887 làng, bản, khối phố. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, số lượng khu dân cư đạt danh hiệu Làng Văn hoá hàng năm tăng chậm. Bởi thực tế là để đạt được các tiêu chí đề ra trong quy định xây dựng Làng Văn hoá theo Thông tư số 12/2011/ của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thì nhiều làng, bản, khối phố là điều không đơn giản, trong đó vướng nhất vẫn là tiêu chí KHHGĐ.

Theo Ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Nếp sống văn hoá và đời sống, Sở VH - TT và DL, thời gian tới, để phong trào xây dựng đời sống văn hoá ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, chúng tôi đang dự thảo ban hành quy định về một số tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu làng, bản văn hoá để phù hợp với tình hình địa phương. Ban chỉ đạo các cấp cần phát huy vai trò, phối hợp với các ngành để chỉ đạo phong trào có hiệu quả. Tiếp tục xã hội hoá các hoạt động văn hoá, đồng thời xây dựng mô hình điển hình và nhân rộng mô hình.

Đinh Nguyệt