Chuyện "ông vua áo đen"
(Baonghean) - 1. Sai lầm của trọng tài là điều khó trách khỏi, vì trọng tài cũng là “người trần mắt thịt”. Nhưng khi V-League 2014 đang đi vào giai đoạn nóng nhất thì những sai lầm của trọng tài lặp đi lặp lại, khiến cho dư luận đặt ra vấn đề cần có một sự cải tổ triệt để trong đội ngũ “vua áo đen” nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.
Hay nói cách khác, bóng đá chuyên nghiệp cần những trọng tài chuyên nghiệp. Sau vòng 16 V-League trọng tài trở thành đối tượng bị các HLV, cầu thủ và cả dư luận chỉ trích. Đành rằng, với những quyết định vừa được công bố của VFF đúng là trọng tài tại vòng 16 vừa rồi đã có những sai sót nhất định. Sai do nhận định, do năng lực hay do tư tưởng, cũng đã là câu hỏi quá cũ. Nhưng nhìn cái cách HLV, cầu thủ và lãnh đạo của các đội bóng gồng mình lên như thế, thậm chí cởi áo như muốn ăn thua với trọng tài, những phát biểu dường như muốn đổ tất cả lỗi lầm về phía trọng tài là điều khó chấp nhận. Đó không phải là cách hành xử chuyên nghiệp và tôn trọng luật lệ. Vì thế, tại Hội nghị BCH VFF vừa diễn ra trong tuần qua, vấn đề trọng tài đã được đưa vào chương trình nghị sự và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên tham dự. BCH đánh giá, công tác trọng tài thời gian qua đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để giải đấu về đích an toàn. Bên cạnh đó, những người làm bóng đá Việt Nam đã tính đến chuyện mời trọng tài ngoại điều hành những trận đấu nhạy cảm trong giai đoạn về đích sắp tới.
2. Có một dạo câu “bóng đá nào, trọng tài nấy” nghe như có lý. Chính vì thế sau kỳ đại hội nhiệm kỳ VII của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vấn đề trọng tài đã được đề xuất cải tổ triệt để, nếu nội lực khó khăn chưa đủ điều kiện theo kịp thì sẽ thuê trọng tài nước ngoài về điều hành các trận đấu ở V-League. Và sau những diễn biến xảy ra ở vòng 16 vừa qua thì VFF đã “hành động”. VFF và VPF đã liên hệ với Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và LĐBĐ Nhật Bản (JFA) để mời 3 trọng tài Nhật Bản đến làm việc tại V-League 2014 kể từ ngày 29/5 và đã được chấp thuận. Qua đó, trọng tài Sato (được phong đẳng cấp FIFA năm 2009) sẽ cầm còi trận đá bù vòng 16 giữa Becamex Bình Dương - Thanh Hóa vào ngày 12/6; trọng tài Toma Masaaki (được phong đẳng cấp FIFA năm 2005) sẽ điều khiển trận Becamex Bình Dương - Hà Nội T&T vào ngày 17/6. Trọng tài Nhật Bản còn lại (sẽ gửi danh tính sau) cầm còi trận Hà Nội T&T - Thanh Hóa vào ngày 10/8. Phải thừa nhận rằng, đây là một nỗ lực của VFF, bởi bóng đá Nhật Bản là một nền bóng đá phát triển, chuyên nghiệp thực sự, hơn ta rất nhiều. Trọng tài của họ, chắc cũng sẽ giỏi hơn trọng tài của ta ?! Trọng tài nước ngoài, sẽ không “dính” vào những cái tạm gọi là “bên ngoài sân bóng”, và chỉ tập trung vào chuyên môn.
3. VFF đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ trọng tài. Thế nhưng, ở một góc độ khác, giới chuyên môn cho rằng, chỉ nhắm tới đối tượng là các trọng tài thì chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề mà bóng đá Việt Nam đang đối diện. Bản thân các cầu thủ, lãnh đạo các đội bóng nhiều thời điểm cũng là nguyên nhân của những ì xèo trên sân cỏ. Sự phản ứng thái quá, thậm chí sai bản chất của sự việc cũng góp phần làm xấu hình ảnh bóng đá nước nhà. Tất nhiên, cũng cần nhìn lại, chính cái uy chưa đủ độ nghiêm và minh của nhiều ông vua sân cỏ (nội) đã không làm cầu thủ đủ tôn trọng và quan trọng hơn là tâm phục dẫn đến những câu chuyện không muốn có như thường diễn ra lâu nay. Và với bước đột phá mới của VFF bằng việc thuê trọng tài ngoại cho thấy Ban trọng tài đang mong đương đầu với những hành vi xấu và đứng vững trước những cám dỗ thường ngày để xây dựng đội ngũ trọng tài “đạn bắn không thủng”. Có như thế thì công cuộc xây dựng chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam mới có thể thành công như cương lĩnh hành động của đại hội VFF vừa qua.
Đại Nghĩa