Tăng giá vé, tại sao không?
(Baonghean) - Thông tin Ban tổ chức sân Vinh quyết định tăng thêm 10.000 đồng/1 vé ở các khán đài B, C, D khi vào xem trận đấu SLNA gặp V. Hải Phòng vào chiều thứ 7 (22/3) đã dẫn đến những phản ứng trái chiều trên diễn đàn mạng xã hội và những người hâm mộ môn túc cầu, người thì cho rằng giá vé ở các khán đài B, C, D của sân Vinh là quá rẻ, chỉ là “tượng trưng” so với giá cả thị trường hiện nay (khán đài D, C: 10.000 đồng, khán đài B: 30.000 đồng) nên tăng thêm 10.000 đồng nữa thì cũng còn rẻ! Người thì cho rằng thời điểm này tăng giá vé là không thích hợp....
Các CĐV SLNA trên sân Vinh. |
Việc bất ngờ tăng giá vé trước một trận đấu không phải là vấn đề mới, mà trước đây với phương châm “tăng giá vé để chống... khán giả quậy”, mùa giải 2011, CLB Hòa Phát Hà Nội đã tăng giá vé lên gấp 4 lần (từ 50 ngàn lên 200 ngàn) trong trận đón tiếp đội khách Hải Phòng.
Còn ở châu Âu, lượt đi vòng 16 đội Champions League, CLB Arsenal của nước Anh cũng quyết định tăng giá vé trận đấu tiếp đội bóng đến từ nước Đức là Bayern, với lý giải là để “tăng nguồn thu cho đội bóng”!
Thật ra, ở các nước có nền bóng đá phát triển - hầu hết các CLB, đội bóng đã “sống khỏe” bằng khoản tiền bán vé và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến thương hiệu đội bóng. Những người hâm mộ, các CĐV của các đội bóng sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền có giá trị để đến sân thưởng thức các trận đấu.
Ở Việt Nam, sau hơn 13 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, các CLB, đội bóng vẫn phải sống nhờ vào “bầu sữa” của các ông bầu chịu chơi và sự hỗ trợ kinh phí của các địa phương, trong thời buổi suy thoái kinh tế, các đội bóng đang trở thành “gánh nặng” mà rất nhiều người muốn trút bỏ nhưng không xong! Và SLNA – một đội bóng giàu truyền thống, có thương hiệu cũng nằm trong hoàn cảnh đó.
Trong lúc đó, SLNA là đội bóng có lực lượng CĐV hùng hậu, những trận đấu trên sân Vinh luôn chật kín khán giả, có những trận “cầu đinh” người hâm mộ phải rút ví ra mua giá vé “chợ đen” lên đến vài triệu đồng, nhưng khoản tiền thu được từ bán vé của Ban tổ chức thì mới chỉ dừng lại ở mức đủ trang trải chi phí sân bãi, an ninh, còn dư thì cũng không đáng kể, chỉ là “muối bỏ bể” so với khoản tiền mà ông bầu và địa phương bỏ ra để nuôi đội bóng.
Với mức độ đam mê, cuồng nhiệt môn túc cầu được đánh giá là hàng đầu thế giới, tại sao một số CĐV lại “làm mình làm mẩy” khi Ban tổ chức sân tăng thêm mươi nghìn tiền vé để trang trải chi phí an ninh cho một “trận cầu đặc biệt” với Hải Phòng? Tại sao chỉ có trận đấu này CLB SLNA mới tăng giá vé ở một số khán đài mà không tăng ngay từ đầu mùa giải, hoặc tùy theo từng trận đấu quan trọng để tăng giá vé “lấy thu bù chi” để dần giảm bớt sự lệ thuộc vào ông bầu?
Đây có lẽ là điều mà những người làm bóng đá xứ Nghệ phải suy nghĩ và chấn chỉnh lại để làm sao vừa tăng thêm nguồn thu cho đội bóng nhưng cũng vừa làm hài lòng, bảo đảm an ninh, an toàn cho các CĐV. Bởi có người đã viết trên diễn đàn FC SLNA rằng: “Giá vé 40 chứ 50 nghìn/1 vé vẫn còn quá rẻ so với giá trị đích thực mà bóng đá mang lại. Thực chất ở các sân khác giá vé cũng chỉ ở mức tương đương. Nhưng sân thì xấu, chỗ ngồi thì bẩn, khi đến sân xem, đôi lúc, sự bực mình, bức xúc và chán nản nhiều hơn là sung sướng hạnh phúc”!
Đức Dũng