Niềm vui người trồng chè
(Baonghean) - Thời điểm này, người trồng chè ở huyện Thanh Chương, Con Cuông, Anh Sơn đang vào mùa thu hoạch trong niềm phấn khởi. nụ cười người trồng chè ánh lên trên mỗi khuôn mặt, bởi chè búp tươi hiện nay được giá, tăng cao hơn nhiều so với năm trước...
Những ngày này, đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Thanh Chương, không khí thu hoạch chè của bà con nông dân nhộn nhịp, phấn khởi trong ánh nắng đầu hè. Đi bên những đồi chè biếc xanh nối dài trên các triền đồi, nghe dậy mùi thơm chát ngọt của chè búp tươi. Người trồng chè vui bởi một lẽ, giá chè năm nay tăng hơn khá nhiều so với trước, chè hái xong nhập được ngay và nhận tiền liền. Đã bao đời nay, người dân các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Hương, Thanh Tịnh, Thanh An, Thanh Thủy, Thanh An… cuộc sống dựa vào cây chè là chính, do vậy khi chè đội giá là không có gì vui bằng.
Thu hoạch chè ở Tổng Đội TNXP 5 - Thanh Chương |
Đến Tổng đội TNXP 5, chúng tôi dừng chân tại vườn chè nhà anh Lê Văn Chung. Không giấu nổi niềm vui, anh Chung, bộc bạch: Gia đình có hơn 1 ha chè đã 10 năm tuổi, hiện đang thu hoạch lứa búp đầu của vụ này. Thu hoạch đến đâu, vận chuyển đến xưởng chế biến chè của Tổng đội nhập ngay, với giá thu mua 5.000 đồng/kg. Thời điểm này năm ngoái, giá chè 3.800 đồng/kg. Với giá chè như thế này, người trồng chè thực sự có lãi khá.
Tổng đội TNXP 5 hiện có 3 đội sản xuất chè, với diện tích 150 ha. Anh Võ Tuấn Vi – Phó Tổng đội trưởng, cho biết: Theo một số thông tin đại chúng, năm nay một số thị trường nước ngoài, như Pakistan, Ấn Độ mở cửa trở lại nên sản phẩm chè khô tiêu thụ mạnh, giá thu mua chè búp tươi tăng lên. Ngoài ra, do sự cạnh tranh thu mua chè búp tươi giữa các xưởng chế biến chè tư nhân, nên có sự chênh lệch giá cả. Giá chè tăng cao, là điều kiện để các đội viên trồng chè tăng thu nhập. Tuy vậy, chè vụ xuân năng suất không cao, bù vào chất lượng lại tốt, đến lứa thứ 2 trở đi năng suất búp tươi mới ổn định.
Chế biến chè tại Xưởng chế biến chè Tổng đội TNXP 5 |
Xí nghiệp Chế biến chè Ngọc Lâm (thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An) là đơn vị chế biến chè lớn nhất huyện Thanh Chương hiện nay. Ông Nguyễn Văn Kỷ - Phó Giám đốc Xí nghiệp, cho hay: Ngày 24/4, xí nghiệp bắt đầu thu mua chè lứa 2, dự kiến giá thu mua từ 3,5 - 4 nghìn đồng/kg, tùy loại. Tổng diện tích chè của xí nghiệp hiện có 550 ha, trong đó hơn 500 ha đã cho thu hoạch. Xưởng chế biến chè của xí nghiệp có công suất 30 tấn chè búp tươi/ngày. Bằng cách giao khoán sản phẩm của công ty, đội ngũ cán bộ, CNVC xí nghiệp xuống địa bàn chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và thu mua chè cho người dân, nên vào thời điểm chính vụ, xưởng chế biến chè của xí nghiệp hoạt động hết công suất. 1 ha chè nếu thâm canh tốt, mỗi năm thu hoạch 20 - 25 tấn búp tươi, nhưng quân bình chè ở đây chỉ đạt 15 tấn/ha búp tươi. Nếu giá thu mua ổn định như thời điểm này, ít nhất cũng có 60 triệu đồng/ha/năm, trong đó chi phí khoảng 30%, người trồng chè còn lãi 70%. Trên thực tế, giá thu mua chè búp tươi giữa các xưởng chế biến chè tư nhân và Nhà nước có sự chênh lệch khá nhiều.
Huyện Thanh Chương hiện có hơn 4 nghìn ha chè, với 3 xí nghiệp chế biến chè trực thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An. Ngoài ra, còn có khoảng 40 xưởng chế biến chè tư nhân, công suất nhỏ, nằm hai bên đường Hồ Chí Minh. Quan sát trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận các xã Thanh Thủy, Thanh Mai, Thanh Hà, Ngọc Lâm… có hàng chục xưởng chế biến chè tư nhân. Chiều về, người dân sử dụng xe máy, xe công nông vận chuyển những bao tải to, đầy ắp chè về nhập. Tại xã Thanh Thủy giá chè mua vào là 5.000 đồng/kg, Thanh Mai 5.500 đồng/kg, Thanh Hà 5.300 đồng/kg. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, giá chè không ổn định, mà có sự biến động theo từng giai đoạn ngắn, nhưng luôn ở mức cao. Tại Xưởng chế biến chè Hùng Dụng trên địa bàn xã Thanh Hà, người dân đến nhập chè với giá 5,3 nghìn đồng/kg. Họ phấn khởi cho biết, không những giá chè cao mà các cơ sở thu mua chè trả tiền ngay, không nợ nần gì. Bởi thế, dịp này người trồng chè có tiền thu về hàng ngày, trong niềm vui chung. Xã Thanh Mai có nhiều diện tích chè nhất trên địa bàn huyện Thanh Chương. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn xã có tới trên 10 xưởng chế biến chè tư nhân, nhưng giá thu mua của mỗi xưởng đều khác nhau.
Người trồng chè trên địa bàn huyện Con Cuông, Anh Sơn cũng đã thu hoạch chè xuân hơn 1 tháng nay, tuy giá thu mua ở đây có phần thấp hơn so với Thanh Chương. Ông Phảy Văn Bay, ở bản Trung Hương, xã Yên Khê phấn khởi nói: Nhà có 6 sào chè, cách đây hơn 1 tháng, gia đình thu hoạch lứa chè đầu được 1,5 tấn, bán cho Xưởng chế biến chè Minh Đông với giá 4,2 nghìn đồng/kg, lấy tiền ngay. Nếu bán cho Xí nghiệp chè Con Cuông thì 4.000 đồng/kg, nhưng sau một thời gian mới được nhận tiền. Tâm lý chung của bà con là nhập chè có tiền ngay để có tiền chi tiêu, do vậy bà con muốn bán cho xưởng chế biến chè tư nhân. Còn vài ngày nữa là gia đình ông Bay thu hoạch lứa chè thứ 2, dự kiến lứa này gia đình ông thu hoạch khoảng 2 tấn chè búp tươi. Theo ông, người trồng chè có thu nhập ổn định hàng năm, cây chè đến kỳ khai thác rồi thì không vất vả lắm, chỉ việc làm cỏ, bón phân, thu hái thì bằng máy. Nếu giá thu mua như thế này được duy trì lâu dài thì người trồng chè rất phấn khởi.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các đơn vị thu mua chè với nhau. Theo tìm hiểu, được biết, khó khăn nhất hiện nay là nhiều người trồng chè mặc dù được Nhà nước thông qua Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An đầu tư để trồng, nhưng khi có sản phẩm lại mang bán cho các xưởng tư nhân. Vì lý do đó, số tiền nợ của người trồng chè đối với công ty còn trên 20 tỷ đồng. Tìm hiểu từ người trồng chè, chúng tôi được biết, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến người trồng chè muốn bán cho xưởng chế biến chè tư nhân: Thứ nhất, giá cả thu mua giữa xí nghiệp nhà nước với xưởng chế biến tư nhân chênh lệch, thường là xưởng tư nhân thu mua với giá cao hơn. Thứ hai mối quan hệ thanh toán giữa xưởng chế biến tư nhân nhanh gọn hơn xí nghiệp nhà nước. Thứ ba, không thể loại trừ một số gia đình do chây lười, thiếu ý thức trách nhiệm, không muốn trả nợ cho xí nghiệp nên kín đáo mang chè đi bán cho xí nghiệp tư nhân. Và cuối cùng, là có những gia đình do không có lao động nên thuê lao động thu hái, họ bán cho các xưởng chế biến gần nhà cho đỡ tốn kém công vận chuyển. Nguyên nhân chính vẫn là sự chênh lệch giá thu mua, nên bằng mọi cách người trồng chè mang sản phẩm đến nhập cho xưởng chế biến tư nhân.
Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển chè Nghệ An hiện có gần 8.000ha chè thâm canh, với 7 xí nghiệp chế biến chè. Trong đó Thanh Chương 3 xí nghiệp, 5 dây chuyền chế biến, Con Cuông và Anh Sơn 4 xí nghiệp, 6 dây chuyền. Hiện tại, công ty chỉ đạo các xí nghiệp thu mua chè búp tươi với 3 giá: loại A trên 4.000 đồng/kg, loại B dưới 4.000 đồng/kg, loại C trên 3.000 đồng/kg. So với năm trước, giá thu mua năm nay có tăng từ 10 – 15%. Tuy nhiên, trước sự đội giá của chè búp tươi, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn, liệu mức giá này có giữ được lâu dài trong suốt vụ thu hoạch chè? Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, đây chỉ gọi là giá của thời điểm hiện nay chưa thể khẳng định là lâu dài. Sản phẩm chè còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Do vậy, giá thu mua chè búp tươi cao đột biến như thế này tạm gọi là thời điểm mà thôi.
Có thể nói, thời điểm này người trồng chè đang thu nhập đáng kể. Giá như chè được giữ nguyên giá trong suốt cả vụ thu hoạch là niềm ước ao của người trồng chè bấy lâu. Đã bao đời nay, cây chè công nghiệp đã giúp cho người nông dân trồng chè ở Thanh Chương, Con Cuông và Anh Sơn có cuộc sống ổn định, thậm chí có những gia đình làm giàu nhất là từ khi sản phẩm chè Nghệ An đã thâm nhập được thị trường nước ngoài.
Bài, ảnh: X.Hoàng - H.Phương