Xây dựng quan hệ lao động hài hòa

01/05/2014 17:29

(Baonghean) - Ngày 24/2/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Thông báo số 77-TB/TƯ, đồng ý lấy tháng 5 hằng năm làm “Tháng Công nhân”, với mục tiêu chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.

Chúng ta đã bước sang năm thứ 3 kể từ thời điểm tháng 5 chính thức trở thành “Tháng Công nhân”. Không thể không ghi nhận những đổi thay quan trọng và tích cực trong đời sống mọi mặt của công nhân viên chức lao động. Vị thế của người lao động được thể hiện, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn là khoảng cách so với mong muốn cũng như yêu cầu nhiệm vụ...

Một trong những tồn tại chưa được tháo gỡ tạo nên những hệ lụy cho doanh nghiệp và cả xã hội, đó chính là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động còn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp không chịu thành lập tổ chức Công đoàn và ký kết được Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Điều này đã đặt mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động trong một trạng thái lỏng lẻo, từ đó đã xuất hiện không ít hệ lụy đáng tiếc. TƯLĐTT là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong mỗi doanh nghiệp. Xuất phát từ bản chất của quan hệ lao động là quan hệ mà trong đó người sử dụng lao động nắm vị trí cao hơn về mặt kinh tế và quản lý nên thường có ưu thế hơn so với người lao động.

Cho dù người lao động đều có chung một mong muốn thường trực là giữa họ với chủ sử dụng lao động tạo được một một mối quan hệ mà ở đó quyền lợi của người lao động được đảm bảo, tinh thần xây dựng phát triển doanh nghiệp của người lao động được khuyến khích và giá trị của người lao động được khẳng định. Tuy nhiên, thực tiễn đã không ưu ái dành cho người lao động sự thỏa mãn đầy hợp lý này. Phần đông chủ doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập Công đoàn cũng như ký kết TƯLĐTT bởi họ coi tổ chức Công đoàn hay TƯLĐTT như một ràng buộc mang đến sự phiền toái. Với quan điểm ngược chiều nhau về lợi ích nên họ dường như tìm mọi cách đề chèn ép người lao động. Khi đã tìm cách chèn ép người lao động thì tất nhiên họ chả dại gì lại tạo điều kiện cho sự ra đời một tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động ngay trong đơn vị. Chậm lương, cúp lương, đuổi việc vô cớ, vi phạm về vệ sinh an toàn lao động, nợ bảo hiểm, thậm chí “xù” bảo hiểm… không phải là không có trong một số doanh nghiệp. Phải chăng, thực trạng sai lầm ấy đã là nguyên nhân dẫn đến một số vụ đình công trái pháp luật lâu nay? Phải chăng, sự khan hiếm việc làm, lệ thuộc thu nhập và nhu cầu mưu sinh đã đẩy những người công nhân vào thế bị động? Phải chăng, cán bộ công đoàn khó để đứng ra bảo vệ quyền lợi khi chính bản thân họ cũng là người đang phải nhận lương từ ông chủ? Còn nhiều câu hỏi cần sự trả lời bằng những chính sách và sự nỗ lực chung của cả xã hội.

Để cải thiện tình hình, công việc đầu tiên của chúng ta là hãy mau chóng đưa pháp luật vào cuộc sống. Điều 7, Bộ luật Lao động hiện hành ghi rõ “Công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham gia cùng với cơ quan nhà nước hỗ trợ xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động”. Như vậy, cái chúng ta thiếu không phải là chế tài mà là khả năng hiện thực hóa những chế tài đó. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, trong đó có quy định: 3 tháng một lần người sử dụng lao động phải chủ trì, phối hợp với đại diện tập thể lao động để tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Một quy định rất cụ thể, rõ ràng và hết sức dân chủ. Chỉ cần thực hiện nghiêm điều này thì chắc mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng đã được cải thiện đáng kể rồi.

Thực trạng quan hệ lao động trong doanh nghiệp đang còn thiếu hài hòa. Vị thế của người lao động không ít nơi bị chèn ép. Sự vào cuộc của các cơ quan hữu trách chưa thường xuyên và kém hiệu quả đã và đang là thực trạng của không chỉ một đơn vị. Thiết nghĩ, để “Tháng Công nhân” trở nên đúng nghĩa hơn và thiết thực hơn với người lao động nói riêng và xã hội nói chung, cần lắm một sự đổi thay trong từng đơn vị. Trước hết, đó là sự thay đổi nhận thức của cả giới chủ lẫn người lao động bằng cách mỗi bên cần hiểu đúng, hiểu đủ và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về lao động. Hy vọng, một ngày không xa mọi thứ sẽ thay đổi thực sự theo chiều hướng tiến bộ. “Tháng Công nhân” không có nghĩa là chỉ dừng lại ở những lễ phát động, là những câu khẩu hiệu… mà thiết thực hơn chính là đời sống đi lên của người lao động, thông qua mối quan hệ hài hòa ngày càng được cải thiện!

Nguyễn Khắc An