Tháng Năm, như Bác đã về

18/05/2014 16:02

(Baonghean) - Tháng Năm này, về với Làng Sen, lúa đã vàng ngập cánh đồng. Trong hương thơm của mùa lúa mới, trong ngào ngạt của hương sen, từng dòng người lại theo nhau về với Kim Liên - đất mẹ, nơi sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, người anh hùng giải phóng dân tộc. Lễ hội Làng Sen được khai mạc ở Nam Đàn vào đúng dịp này là một hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm lần thứ 124 ngày sinh của Bác Hồ, một lần nữa khẳng định công lao và đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp giải phóng đất nước…

Buổi sáng diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen, trời Kim Liên cao xanh vời vợi. Mặc cho những giọt mồ hôi chảy ướt đẫm vai áo, mặc cho nóng bức khiến mọi người mệt mỏi hơn nhưng điều đó không ngăn được sự háo hức của mỗi người bởi ai cũng thấy may mắn được đến quê Bác đúng vào dịp đặc biệt này. Tình cảm dồn nén bấy lâu như chực vỡ òa khi mọi người được chứng kiến mái nhà tranh đơn sơ, được chạm vào cánh võng, vào chiếc chõng tre giản dị, những kỷ vật thiêng liêng gắn với tuổi thơ của Người.

Một tiết mục văn nghệ trong đêm liên hoan
Một tiết mục văn nghệ trong đêm liên hoan

Cảm xúc ùa về với người cựu chiến binh Phạm Ngũ Hợi ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn bốn mươi năm ông mới được trở lại làng Sen. Ông nhớ, thời điểm năm 1963 - 1964, khi đó đơn vị ông đóng quân tại vùng Vân Diên (Nam Đàn) nên đã có nhiều lần ông được vào thăm quê Bác. Khi ấy, dù vẫn còn chiến tranh, bom đạn liên miên thế nhưng người dân Kim Liên đã có ý thức gìn giữ khu di tích này. Cạnh nhà Bác có các hộ dân, con đường đi vào rợp bóng cây xanh bình dị đến thân thương. Ngày trở lại, vẫn khung cảnh ấy, vẫn những con người thôn quê chân chất ngày xưa…

Ông xúc động: “Bao nhiêu năm đi xa, cuộc đời đã có bao nhiêu sự đổi thay. Chỉ khi về với Bác tôi mới thấy mình thanh thản, mới thấy mình thật nhỏ bé trước Người”. Một vị khách khác, nguyên là một sỹ quan cao cấp trong đoàn lão thành cách mạng của tỉnh Thái Bình tâm sự: “Tôi về thăm quê Bác lần này là thăm cho cả con trai. Hồi chiến tranh, trong một lần hành quân vào Nam, đêm dừng chân tại Nghệ An, con trai tôi bảo: “Bố cho con ghé thăm nhà Bác”. Nhưng lúc đó vì kỷ luật quân đội, tôi không thể chiều theo. Tôi nói với con: “Quét sạch giặc thù, rồi con về thăm Kim Liên cũng chưa muộn”. Nhưng không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng, con tôi hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, ước nguyện của nó không thành. Bây giờ, tôi về quê Bác và mang theo tình cảm thiêng liêng đó”.

Tình cảm thiêng liêng còn là tấm lòng của người dân Kim Liên, Nam Đàn dẫu cho hàng ngày họ vẫn được ở gần Bác, được cùng nói một giọng địa phương với Người, được cùng uống một nguồn nước. Nói chuyện với tôi khi đang cùng xem những bức ảnh triển lãm tại Sân vận động Kim Liên, bác Nguyễn Đậu Nghi (xóm Sen 2) nói nhiều đến quan điểm của Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Rồi bác chỉ cho tôi xem bức ảnh chụp lại cuốn sổ tiết kiệm không thời hạn mà Hồ Chủ tịch đã từng dành dụm để tặng cho các chiến sỹ Bộ đội Phòng không Bảo vệ thủ đô mua nước uống… Bác xúc động: “Một vị lãnh tụ đứng đầu cả nước mà có tấm lòng vô bờ bến như vậy, hỏi răng chúng tôi không học và làm theo Người.

Chủ đề về ca ngợi Đảng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi Đất nước cũng chính là nội dung chính của chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2014. Bằng màn sử thi hoành tráng, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dâng Người câu hát quê hương” do Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca biểu diễn đã làm hàng nghìn người dân có mặt tại Sân vận động Làng Sen như lặng đi vì xúc động. Chương trình bắt đầu trên nền nhạc của dân ca ví dặm xứ Nghệ thay lời chào mời Bác về với ngày hội quê hương. Để từ đó, gợi lại những ký ức của Hồ Chí Minh về Làng Sen, về quê nhà Nghệ An yêu dấu. Người cũng sẽ thấy được những đổi thay sau gần 50 năm đi xa và thấy được những nỗ lực, những cố gắng của nhân dân Nghệ An hôm nay khi một lòng theo Đảng, theo Bác và vẫn đang từng ngày, từng giờ “học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người”.

Nói về tình cảm của mình khi đưa ra ý tưởng cho chương trình này, đạo diễn Nguyễn An Ninh chia sẻ: Với Bác Hồ, không riêng bản thân tôi mà ai cũng có một tình cảm thiêng liêng. Tôi may mắn hơn được viết lên cảm xúc của mình. Riêng với người dân Kim Liên, nỗi nhớ Bác như lại càng ùa về khi một lần nữa thấy Bác Hồ “vẫn màu áo nâu đi giữa quê hương”, được hòa mình trong ca khúc “Người về thăm quê”, được nghe lại bức thư Bác viết cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Người giáo viên già Nguyễn Thị Ngọc Liên - nguyên là giáo viên Trường cấp III Kim Liên thì len lén che đi giọt nước mắt: “Năm nào Kim Liên cũng mở hội vậy mà tôi vẫn háo hức, chờ đón như một đứa trẻ vậy. Càng nghe những bài hát về Bác tôi lại càng thấy Bác bình dị, thân thương, lại thấy Bác như đang trở về thăm quê, thăm bà con năm nào.

Xuyên suốt hình tượng Bác Hồ về thăm quê, trong bài phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Thái Văn Nông, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cũng đã nhắc lại tình cảm trìu mến của Bác Hồ đối với quê nhà: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác Hồ luôn hướng về quê hương với tình cảm yêu thương vô hạn, quan tâm mỗi bước đi lên của quê nhà, "quê hương nghĩa trọng tình cao" luôn canh cánh trong Bác. Hai lần về thăm quê hương và qua những bức thư gửi quê nhà, Bác đã dành cho quê hương sự động viên, nhắc nhở, cổ vũ hết sức quý báu. Bác rất vui mừng khi quê nhà có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, Bác chân tình, thẳng thắn góp ý trước những non kém, khuyết điểm. Bác luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà đề cao dân chủ, lấy dân làm gốc, "tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa" hết sức chăm lo đời sống nhân dân.

Trước lúc đi xa, Bác mong muốn Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An phải là xã, là huyện, là tỉnh khá nhất. Bài diễn văn cũng đã khẳng định: “Chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta và Lễ hội Làng Sen là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như để tôn vinh các giá trị tư tưởng của Người. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, từ đó phát huy cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, biến tình cảm và lòng tự hào của mỗi người trở thành những hành động cách mạng cụ thể, thiết thực góp phần xây dựng quê hương Nam Đàn thành huyện kiểu mẫu và đưa Nghệ An thành tỉnh khá như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn”.

Đêm Kim Liên, đất trời đã mở hội. Tiếng trống đã giục giã. Tề tựu về đây, bên Bác và như được đón Bác về thăm. Để rồi lại thấy yêu hơn quê hương mình, thấy được giá trị của hòa bình, độc lập và thấy trân trọng hơn tấm lòng và sự hy sinh của Bác Hồ cũng như của bao thế hệ đi trước đã ngã xuống cho hòa bình, cho hạnh phúc của dân tộc.

Bài, ảnh: Mỹ Hà - Phạm Ngân