Khát vọng của dân tộc

01/05/2014 17:42

(Baonghean) - Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, và chừng đó năm sống trong hòa bình, nhưng với cả dân tộc này vẫn còn đau đáu bao nhiêu nỗi niềm. Khát vọng thống nhất Tổ quốc đã hoàn thành, nhưng mơ ước xây dựng đất nước giàu mạnh, sánh vai các cường quốc, dường như mỗi ngày càng thêm thôi thúc...

(Baonghean) - Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, và chừng đó năm sống trong hòa bình, nhưng với cả dân tộc này vẫn còn đau đáu bao nhiêu nỗi niềm. Khát vọng thống nhất Tổ quốc đã hoàn thành, nhưng mơ ước xây dựng đất nước giàu mạnh, sánh vai các cường quốc, dường như mỗi ngày càng thêm thôi thúc...

Những bà mẹ Việt Nam có chồng, con hy sinh ngoài mặt trận đang ngày càng ít dần đi. Nhiều bà mẹ Việt Nam đã về với tổ tiên, ông bà, mang theo nỗi nhớ thương không thể nào nguôi ngoai được về đứa con mình vẫn chưa tìm được hài cốt còn nằm đâu đó trên dải đất hình chữ S, hay trong một cánh rừng khô khốc nước bạn Lào, Cam-pu-chia... Cái giá cả dân tộc này đã trả cho Độc lập, Tự do không thể nào đo đếm được!

Ngày hội ngộ.Ảnh tư liệu
Ngày hội ngộ. Ảnh tư liệu

15 năm trước đây, trong một chuyến công tác, tôi đã gặp bà mẹ nghèo có 3 người con trai, 2 người anh lên rừng thành Quân giải phóng, người con trai út thì bị chính quyền Việt Nam cộng hòa bắt lính. Cả 3 người con của mẹ đều nằm lại trên chiến trường. Vào thăm nhà mẹ, một ngôi nhà tranh lụp xụp giữa miền gió Lào, cát trắng miệt Hải Lăng (Quảng Trị), tôi ngỡ ngàng nhận thấy trên ban thờ là ba bức ảnh chân dung của 3 người con trai của mẹ, trẻ trung và ngời sức sống! Tôi đã nhiều lần định kể lại câu chuyện này trong một bài báo, nhưng rồi cứ chần chừ, ngần ngại... Đúng thế, với một dân tộc đã ngàn năm đánh giặc, và giờ đây, quan niệm về cuộc đấu tranh ý thức hệ, sự rạch ròi giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa không cho phép chúng ta đánh đồng tất cả mọi thứ… Nhưng, xin hãy hiểu cho bà mẹ nghèo Quảng Trị, bởi vì cả ba người lính đều là con của mẹ rứt ruột đẻ ra, nuôi nấng, bú mớm, chăm bẵm từng ngày khôn lớn. Cả 3 người con, mẹ đều thương như nhau. Đêm đêm mẹ nằm mơ thấy các con dẫn nhau về, khoanh tay đứng trước mẹ mà thưa rằng: “Mạ ơi, chiến tranh hết rồi, tụi con về với mạ!”. Trong mơ, mẹ cười mà đầm đìa nước mắt...

Một dân tộc muốn phát triển thì không bao giờ được phép quên ký ức, lịch sử đau thương của mình. Nhưng nếu một dân tộc vẫn cứ mãi đắm chìm trong quá khứ mà quên đi hiện tại, hay vẫn không thể mở lòng bước qua những định kiến, rào cản, thì bi kịch vẫn còn tiếp diễn... Báo chí gần đây dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn về việc sẽ tổ chức một lễ cầu siêu cho tất cả những người Việt Nam đã hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và những “thuyền nhân” người Việt đã thiệt mạng trên biển Đông, được mọi người đón nhận tích cực… Đó là một tín hiệu chắc chắn sẽ mở ra những suy nghĩ mới của chúng ta về ý nghĩa của Ngày 30 tháng Tư, ngày Đất nước Thống nhất, non sông thu về một mối, không còn bom đạn, chết chóc, hy sinh.

Bà mẹ Quảng Trị bây giờ đã khuất núi, hài cốt ba đứa con trai của bà vẫn chưa tìm được. Đồng nghiệp của tôi đến thăm, kể cho tôi nghe chi tiết di ảnh của mẹ treo phía trên di ảnh ba người con trai. Không có ai quên điều đó cả! Ngôi nhà tranh xưa của mẹ giờ đã được xây lên khá khang trang. Đó là ngôi nhà tình nghĩa. Và trước ngôi nhà ấy, đã từ lâu tuyến đường kinh tế - quốc phòng từ Cửa Tùng, Cửa Việt chạy qua những trảng cát vốn dày đặc bom mìn, đạn pháo, thẳng lên Thành cổ Quảng Trị, tấp nập người xe.

Cứ thêm mỗi Ngày 30 tháng Tư đến, quá khứ đau thương càng lùi xa hơn và những khát vọng của cả dân tộc bắt đầu từ cái ngày lịch sử trọng đại đó có trở thành động lực tinh thần cho cả dân tộc tiếp tục tiến bước về tương lai, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh hay không, đòi hỏi những nhận thức mới, những suy tư, trăn trở, mà cốt lõi nhất, là từ thân phận con người!

Hoài Quân