Thuốc quý về đâu

02/03/2014 15:37

(Baonghean) - Bản mường nào của người Thái cũng có những người già biết đi hái thuốc. Ban đầu thường là họ hái thuốc chữa những bệnh cho con cháu trong gia đình, họ hàng. Dần dần, những người ở nhà khác, dòng họ khác được biết họ là những người hay thuốc, cũng nhờ cậy nhau lúc có người thân đau ốm. Khi được chữa khỏi bệnh, người này đồn người kia, nhà này đồn sang nhà khác, họ này đồn sang họ khác… Và cứ như thế, ở hầu khắp các bản đều có những người chuyên đi lấy thuốc trong rừng về cho bà con. Những người này hầu hết đều không phải là thầy mo, vì cây thuốc của họ chủ yếu chữa các bệnh tật cho thể xác, còn thầy mo thì thiên về chữa các bệnh liên quan đến tinh thần, hồn vía.

(Baonghean) - Bản mường nào của người Thái cũng có những người già biết đi hái thuốc. Ban đầu thường là họ hái thuốc chữa những bệnh cho con cháu trong gia đình, họ hàng. Dần dần, những người ở nhà khác, dòng họ khác được biết họ là những người hay thuốc, cũng nhờ cậy nhau lúc có người thân đau ốm. Khi được chữa khỏi bệnh, người này đồn người kia, nhà này đồn sang nhà khác, họ này đồn sang họ khác… Và cứ như thế, ở hầu khắp các bản đều có những người chuyên đi lấy thuốc trong rừng về cho bà con. Những người này hầu hết đều không phải là thầy mo, vì cây thuốc của họ chủ yếu chữa các bệnh tật cho thể xác, còn thầy mo thì thiên về chữa các bệnh liên quan đến tinh thần, hồn vía.

Mỗi người hái thuốc trong bản chỉ biết một số cây thuốc nhất định. Tuy nhiên, khi góp “kho kiến thức” của nhiều người hái thuốc lại mới hay rằng, khắp mọi ngóc ngách trong rừng cũng như ngọn nguồn con suối, hõm đá hang sâu ở đâu cũng đều có các thứ thuốc quý. Có nhiều cái cây ở bản nào cũng thấy có, ngỡ như rất quen thuộc rồi, ấy vậy mà lại là cây thuốc “quý ngang giá trâu” (hặc mạy panh quai). Các cụ già người Thái vẫn hay nhắc nhở con cháu chú ý về cây thuốc quý, bởi nếu biết thì là “hặc mạy panh quai”, còn không biết thì có thể coi không khác gì cỏ rác. Tùy theo từng người đi hái thuốc, họ có thể tìm thuốc ở tận trên núi cao, trong rừng đầu nguồn, trong rừng “pả đông” (rừng nghĩa địa ven bản), hoặc ngay tại các bờ giậu, hàng rào…

Một cây thuốc quý tìm được  trong rừng “pả đông”.
Một cây thuốc quý tìm được trong rừng “pả đông”.

Ngày nay, hầu như ở tất cả các xã miền núi đều đã có trạm y tế, ở từng bản lại có nhân viên y tá thôn bản. Nhờ thế, những bệnh lặt vặt như nhức đầu sổ mũi, toạc da, bong gân đều được khám bệnh, chạy chữa và có thuốc uống, thuốc tiêm kịp thời. Những trường hợp bệnh nặng hơn, bà con được trạm y tế giới thiệu đi chữa tại bệnh viện huyện… Từ đó, công việc “khài” cúng của các thầy mo, việc đi tìm hái thuốc của các thầy thuốc đã giảm hẳn. Khi có người đau ốm, bà con trong bản không còn phó mặc sức khỏe của người thân cho thầy mo, thầy cúng mà họ hay tìm đến các y tá, bác sĩ và cùng tuyên truyền, vận động nhau bài trừ các cách chữa bệnh mê tín dị đoan, mang nặng tính hủ tục.

Cho dù đã có các trạm y tế, bệnh viện và nhiều nơi chữa bệnh, khám bệnh ở tuyến trên thì việc hái và sử dụng cây thuốc Nam thời gian gần đây lại thấy trở nên phổ biến và có phần gia tăng một cách đáng ngại. Ngày trước, người già biết có vị thuốc nào quý, cây thuốc nào hay thì tìm mọi cách để truyền lại cho con cháu và lớp người trẻ trong bản trong mường, coi như đó là một vốn quý để lại, mong về sau sẽ có cơ hội để chữa bệnh cho nhiều người… Vậy mà hiện nay, người già có biết thuốc cũng không muốn nói ra, chẳng muốn chỉ bảo cho ai nữa. Nguyên do là gần đây, có những người ở nơi khác đến hỏi mua một số cây thuốc trong rừng của bản. Hết người này đến người khác đi lấy cây thuốc về bán cho họ. Bán theo cân, lâu dần rồi họ gom được hàng tấn cây thuốc chất lên ô tô chở đi đâu không rõ? Cây thuốc thì có loại, có kỳ, có mùa sinh sôi và phát triển khác nhau. Có những cây thuốc hàng trăm năm tuổi nhưng chỉ lớn được bằng cánh tay; có những cây chỉ lấy bộ rễ để làm thuốc; có cây chỉ lấy vỏ, lấy lá… Nếu cứ mạnh ai nấy đi lấy thuốc về bán cho người ngoài thì có mười cánh rừng thuốc cũng không đủ cho người ta đi lấy. Như vậy, hỏi sau này dân bản còn biết đi tìm thuốc ở đâu cho được?

Cũng may là theo tập tục từ xưa truyền lại, bản người Thái nào cũng có một khu rừng “pả đông” (rừng nghĩa địa). Luật tục phạt rất nặng những người nào tự tiện vào chặt cây, chặt củi… Lâu ngày, các khu rừng “pả đông” trở thành rừng cây thuốc. Những người muốn vào lấy thuốc trong rừng “pả đông”, phải có lễ xin phép, và chỉ lấy về sử dụng cho người trong bản bị bệnh mà không được bán cho người lạ. Vừa mới đây, có mấy người lén lút vào khai thác cây thuốc trong rừng “pả đông” của bản P. bị người dân rình bắt được, họ bị phạt phải bỏ tiền ra mua lợn, mua rượu cần về làm lễ cúng tạ lỗi tại “pả đông”.

Bài, ảnh: Sầm Văn Bình