"Bài học" đắt giá!

31/07/2014 18:03

(Baonghean) - Trong quá trình mang thai, chị Xồng Y Ca, 18 tuổi ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn chỉ 2 lần đi khám ở trạm y tế xã, không đi tiêm phòng định kỳ. Đến ngày sinh, Xồng cũng không đi đến trạm y tế xã mà tự sinh ở nhà, ông bà nội đỡ đẻ rồi dùng que nứa cắt rốn...

Khuôn mặt ngây thơ, ánh mắt buồn rười rượi nhìn cô con gái 15 ngày tuổi đang nằm truyền dịch trên giường bệnh, hai vợ chồng anh Lầu Bá Cọ (21 tuổi) - chị Xồng Y Ca (18 tuổi) ở bản Huồi Khỉ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn lóng ngóng khi các y tá Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hướng dẫn cách chăm sóc con. Cách đây 2 năm, Lầu Bá Cọ tổ chức bắt vợ theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở xã Mường Típ. Cưới nhau khi còn quá trẻ, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc đốt nương, làm rẫy nên cuộc sống vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn.

Cách đây hơn 1 năm, Xồng Y Ca mang bầu trong niềm vui mừng của gia đình nội, ngoại. Trong suốt quá trình mang bầu, Xồng Y Ca vẫn miệt mài lên nương làm rẫy, cô gái chưa đầy 18 tuổi cũng không nghĩ đến việc phải đi khám thai, đi siêu âm kiểm tra sức khỏe. Phần vì nhà quá xa trạm y tế xã, phần vì lâu nay, các thế hệ người Mông trong bản vẫn sống như con nai, con hoẵng trên rừng, rất ít khi đi đến bệnh viện nếu thấy không cần thiết. Suốt 9 tháng mang thai, được các cán bộ y tế thôn bản vận động, khuyên bảo, Xồng Y Ca chỉ đi khám có 2 lần và không đi tiêm phòng định kỳ theo khuyến cáo.

Đến ngày sinh nở, cũng như những sản phụ khác trong bản, theo tập tục của người Mông, Xồng Y Ca tự đẻ ở nhà. Việc đỡ đẻ được mẹ đẻ và mẹ chồng thực hiện. Nhờ sức khỏe tốt, việc sinh của Y Ca khá thuận lợi. Cô bé sơ sinh được bà nội và bà ngoại dùng chiếc que nứa lâu nay vẫn dắt ở gác bếp cắt dây rốn rồi cầm máu theo cách truyền thống. Cứ nghĩ rằng ca sinh đã thành công, mẹ tròn, con vuông, Lầu Bá Cọ và người thân trong gia đình mừng vui phấn khởi, mời thầy về cúng vía và đặt tên cháu là Lầu Y Ho. Sau lễ cúng, bé gái có những biểu hiện lạ như khóc ngặt nghẽo, không bú mẹ, có biểu hiện cứng khiến cả gia đình hoang mang, lo lắng.

Lúc này, người anh trai của Lầu Bá Cọ là Lầu Bá Dìa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ cũng vừa đi học trở về nhà. Thấy cháu gái của mình có biểu hiện nguy hiểm, anh Dìa đã đưa cháu vượt rừng, ra cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn. Sau đó, Bệnh viện dùng xe cấp cứu, đưa bé Ho xuống Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để điều trị khẩn cấp chứng uốn ván rốn. Khi nhập viện, bé gái sơ sinh đã có biểu hiện nguy kịch, liên tục co giật, tím tái, tăng cường lực cơ,... Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi đã huy động tất cả các bác sỹ và máy móc hiện đại tiến hành cấp cứu, cho thở máy, đặt xông dạ dày, điều trị theo phác đồ của bệnh uốn ván. Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện cho biết, sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay, cơ bản cháu Lầu Y Ho đã qua được cơn nguy kịch.

Đây là trường hợp hy hữu và khá kỳ diệu bởi thông thường, các bé nhiễm bệnh uốn ván rốn thường có tiên lượng rất xấu, phần lớn đều tử vong. Lâu nay, chúng ta đang tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh uốn ván rốn nhờ việc tiêm phòng cho bà mẹ khi đang mang thai cũng như các biện pháp triệt khuẩn tuyệt đối khi cắt rốn, đỡ đẻ, thế nhưng vì sự thiếu hiểu biết, vì chủ quan nên có một số gia đình người dân tộc thiểu số ở miền núi vẫn tự đỡ đẻ ở nhà, dùng que nứa để cắt rốn và dẫn đến những hậu quả đau lòng. “Đây thực sự là bài học cho tất cả các gia đình, là lời cảnh báo cho người dân cũng như đội ngũ y tế cơ sở ở các thôn, bản vùng đồng bào miền núi”, Bác sỹ Sơn cho biết.

Bác sỹ theo dõi sức khỏe của cháu Lầu Y Ho.
Bác sỹ theo dõi sức khỏe của cháu Lầu Y Ho.

Sau hơn 1 tuần chăm sóc con ở bệnh viện, nghe các bác sỹ giải thích về nguyên nhân dẫn đến nhiễm bệnh uốn ván cũng như tình hình sức khỏe hiện tại của con gái, nét mặt anh Lầu Bá Cọ có phần giãn ra. Anh Cọ thật thà tâm sự rằng: “Ở bản ta, nhà nào cũng có một cái que nứa để cắt rốn cho con khi sinh. Lâu nay, rất ít người đi tiêm phòng, đi khám định kỳ khi có bầu”. Anh Lầu Bá Dìa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ cho biết, không riêng gì bản Huồi Khí mà nhiều bản khác trong xã, đời sống kinh tế của bà con còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, nên điều kiện chăm sóc y tế chưa đảm bảo. Sự việc của cháu Lầu Y Ho là bài học cho tất cả mọi người. Khi bài báo lên khuôn, chúng tôi nhận được thông tin cháu Y Ho đã được xuất viện. “Sau lần này, tôi sẽ đề nghị cán bộ y tế xã và thôn bản tích cực tuyên truyền cho bà con, lấy cháu Ho làm gương để mọi người ở các bản phải đi khám định kỳ khi mang thai, có bệnh phải nhờ thầy thuốc, nhờ cán bộ chứ không được tự chữa ở nhà nữa”, anh Dìa tâm sự...

Nguyên Khoa