Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ

08/08/2014 21:50

(Baonghean) - Là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn nhất, nhì cả nước, những năm qua, cùng với tiềm năng và những chính sách hợp lý, ngành chăn nuôi tỉnh ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để ngành kinh tế quan trọng này phát triển xứng với tiềm năng, cần có những giải pháp và quyết sách mạnh mẽ hơn trong tái cơ cấu để phát triển.

(Baonghean) - Là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn nhất, nhì cả nước, những năm qua, cùng với tiềm năng và những chính sách hợp lý, ngành chăn nuôi tỉnh ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để ngành kinh tế quan trọng này phát triển xứng với tiềm năng, cần có những giải pháp và quyết sách mạnh mẽ hơn trong tái cơ cấu để phát triển.

Phát huy lợi thế, tăng thu hút đầu tư

hững năm qua, tuy tổng đàn gia súc của tỉnh ta có chiều hướng tăng, giảm nhẹ nhưng nhìn chung, về tổng sản phẩm ngành chăn nuôi vẫn liên tục tăng qua từng năm. Số trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp cũng có bước phát triển. Hiện toàn tỉnh có 121 trang trại đạt tiêu chí theo quy định mới của Bộ Nông nghiệp. Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa quy mô tập trung công nghiệp áp dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch cả về tổng đàn và tổng sản phẩm sữa với gần 31 nghìn con, tổng sản lượng sữa tươi năm 2012 đạt gần 60 nghìn tấn. Nhiều chương trình, dự án chăn nuôi đã và đang triển khai có hiệu quả... Tuy nhiên, theo đánh giá chung, phát triển chăn nuôi của Nghệ An vẫn chưa đạt kế hoạch phát triển tổng đàn, việc tổng kết đánh giá và nhân rộng các mô hình chưa thường xuyên, vấn đề xử lý môi trường ở một số trang trại, cơ sở chăn nuôi chưa được giải quyết triệt để.

Theo ông Nguyễn Công Hòa - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT, trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tỉnh ta chủ trương song song hai phương thức chăn nuôi. Một mặt tập trung khai thác và tận dụng lợi thế chăn nuôi vùng, miền, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo hình thức trang trại, gia trại và khu chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao về bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Kết nối sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thịt, sữa. Đồng thời duy trì quy mô và phương thức sản xuất nông hộ, đa dạng phù hợp với điều kiện vùng, miền, với nhóm sản phẩm nội địa nhưng có khả năng trung bình như sản phẩm chăn nuôi lợn, gia cầm. Tăng thu nhập cho người chăn nuôi trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo, cận nghèo ở nông thôn, người dân vùng sâu, vùng xa tham gia tăng trưởng nông nghiệp thông qua hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập.

Để thực hiện được mục tiêu đó, trước hết chúng ta cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi theo hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp. Những năm gần đây, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa với 2 doanh nghiệp lớn là TH và Vinamilk. Hiện Nghệ An đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, cả về số lượng tổng đàn và sản phẩm sữa. Ngoài ra, từ 7 năm nay, Tập đoàn CP đã duy trì hoạt động thường xuyên của 17 trang trại liên kết sản xuất gia cầm theo hình thức gia công trên địa bàn Nghệ An. Hai năm nay, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lợn ngoại cũng theo phương pháp liên kết gia công, hiện đã xây dựng được 5 trang trại lợn nái với quy mô 1.200 con/trang trại trở lên, 5 trang trại nuôi lợn thịt quy mô 500 con/lứa trở lên, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thức ăn; người dân lo chuồng trại. Bên cạnh đó, từ trang trại chăn nuôi lợn ở Đô Lương, hiện Công ty CP Thái Dương cũng đã bắt đầu áp dụng hình thức liên kết khép kín, xây dựng các trang trại vệ tinh chăn nuôi lợn và đứng ra thu mua sản phẩm.

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, số doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Ngoài lĩnh vực chăn nuôi bò sữa được coi là đã ổn, thì với các đối tượng chăn nuôi khác như lợn, gia cầm vẫn chưa tương xứng, số có doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và chiếm một phần rất nhỏ, Nghệ An có thế mạnh rất lớn về bò thịt nhưng vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi là rất khó vì nhiều lý do. Vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, cơ sở hạ tầng ban đầu không hề nhỏ, trong khi chăn nuôi là ngành kinh tế dễ dàng chịu tác động của nhiều yếu tố, dịch bệnh, xử lý môi trường, đặc biệt là thị trường đầu ra của sản phẩm chăn nuôi hiện vẫn bấp bênh, không ổn định. Để có thể thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, chúng ta cần có những chính sách khuyến khích đủ mạnh, tạo môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất về hạ tầng, giao thông thuận lợi, có quy hoạch vùng chăn nuôi hợp lý.

Bên cạnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trong tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, Nghệ An cũng chủ trương phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Có thể nói, chăn nuôi theo phương thức áp dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu ở các trang trại chăn nuôi công nghiệp. Đối với chăn nuôi nông hộ, cần xây dựng các mô hình thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi an toàn, áp dụng biện pháp KHKT theo chương trình chăn nuôi Vietgap. Hiện nay, dự án Lipsap đang hỗ trợ xây dựng các mô hình này tại 4 huyện là Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu và Đô Lương. Ngoài ra, các chương trình khuyến nông cũng đang hỗ trợ phát triển các mô hình này. Mục tiêu là chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng được các điều kiện về quy mô, chuồng trại, vệ sinh môi trường, quy trình phòng chữa bệnh, chăn nuôi có kiểm soát.

Một mục tiêu quan trọng nữa trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đó là chuyển dần chăn nuôi từ vùng có mật độ dân số cao ở đồng bằng đến nơi có mật độ dân số thấp ở các vùng miền núi, trung du. Hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, dân cư. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục quản lý, tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, đề án, dự án, nhân rộng các mô hình mà tỉnh đã ban hành. Trước mắt, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chăn nuôi trọng điểm đối với trâu bò, lợn, quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa Công ty TH. Đồng thời xây dựng quy hoạch chăn nuôi gia cầm, quy hoạch phát triển trang trại chăn nuôi tập trung. Làm được điều này, sẽ đem đến nhiều lợi ích, giải quyết được vấn đề chăn nuôi tập trung, khoanh vùng đưa ra khỏi khu dân cư, từ đó có thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần phòng chống dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, tạo vùng nguyên liệu, sản phẩm tập trung.

Cải tạo con giống

Những năm qua, Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá cơ bản về tạo nguồn giống phục vụ ngành chăn nuôi như chương trình cải tiến giống bò theo hướng Zebu hóa, cải tiến phối giống trâu bằng thụ tinh nhân tạo tinh trâu Muhra, hỗ trợ trâu đực giống chất lượng tốt để phối giống chéo dòng tránh cận huyết, cải tiến giống lợn theo hướng nạc hóa đàn... Trong thời gian tới, đối với bò hướng thịt, chúng ta vẫn áp dụng hai phương thức là lai cải tạo và lai cải tiến trên nền bò địa phương, đối với lai cải tạo vẫn thực hiện chương trình Zebu hóa, Zebu lai tạo với bò địa phương, trong lai cải tiến sẽ sử dụng các giống bò chuyên thịt cao sản cho phối giống với bò lai Zebu. Đối với vùng miền núi không áp dụng được phương thức thụ tinh nhân tạo thì sẽ sử dụng con đực lai Zebu và bò đực H’ Mông để phối cải tạo đàn bò địa phương. Đồng thời, duy trì hai giống trâu tốt của Nghệ An là trâu Thanh Chương và trâu Phủ Quỳ bằng cách cho lai chéo dòng giữa hai vùng này nhằm tránh cận huyết. Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã dùng tinh trâu Muhra để áp dụng phương pháp lai thụ tinh nhân tạonhằm lai tạo đàn trâu địa phương. Đối với đàn lợn, đi theo hướng nạc hóa theo hai phương thức. Một là phát triển đàn lợn ngoại thuần, áp dụng cho chăn nuôi gia trại và trang trại, hiện đàn lợn ngoại đã chiếm 10% tổng đàn lợn của tỉnh. Đồng thời, tăng dần tỷ lệ máu ngoại trên đàn lợn địa phương bằng phương pháp lai cải tạo và lai cải tiến.

Nuôi bò sữa tại Tập đoàn TH.
Nuôi bò sữa tại Tập đoàn TH.

Còn nhiều rào cản

Ngày 30/6, Nghệ An đã có quyết định công bố dịch LMLM ở huyện Con Cuông. Với 121 con gia súc bị bệnh, đến nay nhờ các biện pháp quyết liệt, đã có 76 con khỏi bệnh và từ 9 ngày nay không phát sinh thêm con bệnh mới. Ngoài ra, tại một số điểm dịch nhỏ như Hạnh Dịch (Quế Phong), Diễn Lâm (Diễn Châu) và Đại Sơn (Đô Lương), các biện pháp khống chế, dập dịch đã được thực hiện kịp thời, khoanh vùng dịch trong diện hẹp với số lượng từ 1-2 con gia súc bị bệnh. Giám sát và phòng chống dịch bệnh được coi là một trong những biện pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và những năm gần đây, Nghệ An là địa phương được đánh giá khá cao trong vấn đề này.

Tuy nhiên để ngành kinh tế quan trọng này tái cơ cấu thành công thì còn nhiều khó khăn. Thực tế, mặc dù quy hoạch chung tổng thể phát triển ngành chăn nuôi toàn tỉnh đã có, trong đó xác định rõ từng vùng chăn nuôi, nhưng quy hoạch cụ thể ở từng địa phương thì chưa có, các trang trại, gia trại đều phát triển tự phát và phần lớn nằm lẫn trong các khu dân cư. Theo đại diện lãnh đạo các địa phương, thì khó nhất trong xây dựng và thực hiện quy hoạch các khu chăn nuôi là diện tích đất tập trung để xây dựng quy hoạch, sau đó là nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Người dân hầu như không muốn đầu tư, trước hết vì lợi thế cạnh tranh trong sản phẩm chăn nuôi thấp, trong khi vốn đầu tư cho chăn nuôi tập trung không hề nhỏ nên người dân không mặn mà. Cùng với đó là thói quen chăn nuôi theo kiểu tận dụng đã bám rễ, kể cả ở những trang trại, gia trại có quy mô cũng hầu hết tận dụng nuôi trong vườn nhà hoặc những diện tích đã được thuê và đã nuôi chứ không muốn dời ra nơi khác đầu tư xây dựng chuồng trại lại từ đầu. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, để có thể làm được điều này, các địa phương cần kiên quyết, nỗ lực hơn trong xây dựng quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, coi đây là việc không thể không làm nếu muốn phát triển ngành chăn nuôi công nghiệp, hiện đại, hiệu quả cao và ổn định. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy vấn đề này.

Phú Hương