Xây dựng gia đình ấm no và hạnh phúc

15/10/2014 15:15

(Baonghean) - Họ là những người nông dân chân lấm tay bùn đã vượt qua những tập tục, tư tưởng, định kiến lạc hậu, dừng lại ở hai con, để nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc… Đó chính là những “tế bào” góp phần xây dựng xã hội phồn vinh...

Các gia đình giao lưu tại buổi lễ.
Các gia đình giao lưu tại buổi lễ.

Tại hội trường Nhà khách Nghệ An sáng 14/10, mọi người đến đây, không phân biệt miền ngược hay miền xuôi, người Kinh, người Thái, người Mông hay người Khơ Mú, ai ai cũng chung tâm trạng tự hào, phấn khởi khi được đại diện cho hơn 500.000 hội viên hội nông dân trong toàn tỉnh về dự lễ biểu dương các gia đình nông dân tiêu biểu trong thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Hình ảnh của các gia đình với đầy đủ các thành viên như gửi gắm thông điệp: Hạnh phúc thật sự là cả gia đình cùng thương yêu nhau, cùng nhìn về một hướng. Và chúng tôi đọc được trong mắt những ông bố, bà mẹ niềm tự hào vô bờ bến khi được giới thiệu với mọi người những đứa con chăm ngoan, học giỏi, dù rằng tất cả đều sinh “một bề” con gái…

Câu chuyện sinh con “một bề” cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong buổi lễ gặp mặt biểu dương. Ở vùng nông thôn hiện còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", còn mang tâm lý “đông con hơn đông của”. Bởi thế, như chị Hoàng Thị Anh Hòe ở xóm 9, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương chia sẻ: “Khi sinh 2 lần đều là con gái, vợ chồng chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, từ dư luận. Đặc biệt, ông nội lại là trưởng tộc. Nhưng, một đời làm nông chúng tôi biết rất rõ, sinh đông con sẽ khổ và không có điều kiện lo cho con đến nơi, đến chốn, con cái không được học hành đầy đủ. Xác định như vậy, vợ chồng anh chị quyết tâm, dù có sinh con gái cũng dừng lại 2 con… Qua hơn 20 năm chia đắng sẻ bùi, hiện tại hai con gái của anh chị đã lớn, con gái đầu, nay là sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính Hà Nội, con gái thứ hai, 9 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, học sinh giỏi tỉnh môn Toán và tiếng Anh, là Thủ khoa của Trường THPT Đô Lương 2… Anh chị hài lòng với sự lựa chọn của mình, bởi ít nhất anh chị đã cố gắng hết sức để nuôi con trưởng thành.

Gia đình anh chị Nguyễn Hữu Toàn, Dư Thị Nhường ở xóm 8, xã Thọ Thành, Yên Thành cũng là một điển hình. Anh chị vốn là người theo đạo Thiên Chúa giáo, chị được mọi người tin tưởng giao trách nhiệm làm cộng tác viên dân số và Chi hội phụ nữ xóm nên dù sinh hai con gái, chị vẫn bàn với chồng dừng lại để làm gương cho mọi người. Niềm động viên của vợ chồng anh chị là hai con chăm ngoan, học giỏi. Trong quá trình học phổ thông, các cháu đều đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi trường. Con trai đầu sinh năm 1986 nay là kỹ sư công tác tại Công ty xây dựng Việt Phát. Con gái thứ hai sinh năm 1991, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, nay là giáo viên Trường Tiểu học Hoa Thành. Còn chị Đậu Thị Lịch, dân tộc Kinh về làm dâu ở bản Hợp Thành, một bản có trên 90% là đồng bào Mông ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương lại khiến mọi người khâm phục bởi sự kiên trì, chịu thương, chịu khó.

Chị kể rằng: Bố mẹ chị là người Kinh, vậy nên 10 năm trước, biết chị yêu anh Lỳ Nhìa Thành ai cũng phản đối vì sợ chị không quen phong tục, không biết tiếng dân tộc, nhà anh lại nghèo và đông con. Nhưng tin vào tình cảm chân thật của anh, chị vẫn quyết tâm đến với anh. Có với nhau 2 mặt con, chị chịu không ít sự trách móc, dị nghị của dòng họ vì “mãi mà không sinh được con trai nối dõi tông đường”. Nhưng là đảng viên, là bí thư chi bộ và muốn dành nhiều thời gian để chăm lo phát triển kinh tế, nuôi con ăn học nên anh chị bàn với nhau thực hiện KHHGĐ, dồn sức chăm lo cho các con. Bản thân chị luôn tâm niệm, đã làm dâu của đồng bào Mông, làm con của bản thì phải cố gắng hết sức giúp bản, phải vận động bà con làm tốt chính sách dân số, phải tuyên truyền để thanh niên trong bản không vi phạm các tệ nạn xã hội... giúp dân bản từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Buổi lễ gặp mặt cũng được nghe những tâm sự, chia sẻ của những người làm công tác ở vùng đặc thù, ở những vùng khó khăn. Khó có thể tin rằng, hơn 10 năm về trước, xã Sơn Thành, xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh là một trong những xã nghèo nhất nhì của huyện, trong đó một trong những lý do chính là sinh đông con. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với chuyên trách dân số đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm với những việc làm cụ thể. Trong đó, chỉ rõ những tác hại của việc sinh đông con sẽ dẫn đến học vấn thấp, nghèo, không xin được việc làm để bà con xác định được “viễn cảnh” tương lai; phát động phong trào thi đua gia đình ít con; đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai. Những gia đình nông dân sinh ít con sẽ được ưu tiên trong vay vốn, ưu tiên trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Xã Tam Thái (Tương Dương) là đơn vị duy nhất 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, tự hào chia sẻ cách làm hay trong vận động người dân làm tốt kế hoạch hóa gia đình.

Đánh giá cao sự cố gắng của các gia đình và những nỗ lực của ngành Dân số và Hội Nông dân tỉnh trong nhiều năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình, nhấn mạnh: 25 gia đình được tuyên dương lần này là những tấm gương tiêu biểu. Họ là những người đi đầu, những người đã quyết tâm thay đổi hành vi, suy nghĩ trong việc lựa chọn, vượt qua những định kiến lạc hậu để làm tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước. Điều đó, góp phần giúp cho công tác dân số của tỉnh có những chuyển biến tích cực như: Quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con ngày càng phổ biến. Nhịp độ gia tăng dân số nhanh cơ bản đã được khống chế. Chất lượng dân số được nâng lên, tuổi thọ trung bình được nâng cao.

Mỹ Hà