Chất lượng cán bộ là khâu đột phá
(Baonghean) - Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Tân Kỳ đã ban hành Đề án số 06 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cấp xã, thị trấn giai đoạn 2011 -2015 và những năm tiếp theo”. Qua hơn 2 năm triển khai, chất lượng đội ngũ cán bộ các xã, thị trấn ở Tân Kỳ đã có những chuyển biến tích cực…
Vườn cây rễ hương của ông Vi Văn Hạnh (bản Tân Hương 2, xã Hương Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao. |
Từng là một địa bàn có nhiều yếu kém, công tác cán bộ ở xã Hương Sơn, một trong những xã vùng sâu khó khăn của huyện Tân Kỳ luôn rơi vào tình trạng “thiếu trước hụt sau”. Trước năm 2010, cán bộ xã chỉ có 2 người đi học đại học. Đã thế, do đường sá đi lại khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp và không được quy hoạch để đào tạo bồi dưỡng nên cán bộ có tư tưởng chán nản, trì trệ… Chuyện hôm nay đang làm “cán bộ” nhưng ngày mai bỏ đi miền Nam làm ăn không phải là hiếm. Nhiều năm liền, đội ngũ cán bộ khối đoàn thể cấp xã cho đến khối xóm không phát triển được.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, nhất là từ sau khi có Đề án 06 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị xã, thị trấn”, công tác cán bộ ở Hương Sơn đã có chuyển biến tích cực. Bắt đầu từ việc xây dựng tốt quy hoạch, trên cơ sở đó cử cán bộ công chức đi học tập, bồi dưỡng. Từ năm 2010 lại đây, xã liên tục cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị. Đến nay, trong số 23 chức danh, đã có 9 người đã tốt nghiệp và 14 đang học đại học; 9 người có trình độ trung cấp chính trị và 11 người đang đi học. Không chỉ cán bộ cốt cán xã mà đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, khối đoàn thể cũng được nâng cao chất lượng khi lần đầu tiên đã có cán bộ xóm và hội, đoàn thể được địa phương quy hoạch đã tự bỏ tiền túi đi học nâng cao trình độ…
Ở xã Tân An sau khi được tách ra từ Nông trường An Ngãi, chất lượng đội ngũ cán bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khi có Đề án 06, cùng với việc đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, xã quy hoạch và tạo điều kiện cho cán bộ có năng lực đi đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2010 đến nay, trong số 21 công chức đã có 18 người đã và đang học đại học chuyên môn; 14 người đang học trung cấp chính trị. Nhờ làm tốt công tác cán bộ nên mới hơn nửa nhiệm kỳ nhưng một số chỉ tiêu đề ra đã về đích. Không những vậy, xã còn mạnh dạn trong bố trí sử dụng khi tăng cường cán bộ chấp hành Đảng ủy, có năng lực đi làm bí thư chi bộ vùng giáo để rèn luyện.
Đề án 06 được triển khai sâu rộng nên đội ngũ cán bộ xóm bản cũng có chuyển biến. Mô hình mỗi chi bộ xóm tăng cường 1 đảng viên cán bộ cốt cán về dự sinh hoạt, không chỉ giúp Đảng ủy các xã trong lãnh đạo chỉ đạo mà còn uốn nắn giúp đỡ các chi bộ trong sinh hoạt và lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Ông Vi Văn Hạnh, bản Tân Sơn 2, xã Hương Sơn cho biết: “Trước đây bản chưa có chi bộ, ông được tăng cường về làm bí thư và sau 3 năm xây dựng được hệ thống chính trị bản, tập huấn cho cán bộ xóm và đoàn thể quen việc thì ông mới yên tâm và làm đơn xin Đảng ủy xã cho nghỉ”.
Qua hai năm triển khai Đề án 06, từ chỗ toàn huyện chỉ có 47,5% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử được đào tạo về chuyên môn và gần 30% chưa chuẩn hóa về trình độ chính trị; công chức xã còn 9,5% chưa được chuẩn hóa về chuyên môn, 78% chưa chuẩn hóa về chính trị; gần 40% cán bộ hoạt động không chuyên trách chưa tốt nghiệp THPT cấp 3, chuyên môn từ trung cấp trở lên chỉ đạt 23%, 77% chưa có trình độ chính trị. Đến nay, cấp cơ sở mỗi xã bình quân có 7,6 cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, đạt chỉ tiêu đại hội Đảng bộ huyện đề ra (từ 7-10 người); 85% cán bộ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (chỉ tiêu 85-90%).Trên thực tế, Đề án 06 không chỉ giúp các xã yếu kém về chất lượng cán bộ vươn lên mà các xã có truyền thống ngày càng mạnh hơn cũng trở thành điểm sáng kinh tế, xã hội của huyện; các xã, thị trấn có vấn đề, vướng mắc về công tác cán bộ thì được huyện tập trung tháo gỡ, củng cố tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.
Để có được những chuyển biến trên, ngoài đề án và kế hoạch triển khai đến từng xã, thị tùy theo điều kiện tình hình cụ thể, Ban Tổ chức Huyện ủy đã ban hành Hướng dẫn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo Đề án 06 và tổ chức các đoàn khảo sát, kiểm tra đánh giá đúng việc bỏ phiếu tín nhiệm, xếp loại cán bộ cuối năm đảm bảo khách quan, dân chủ, nhất là sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ4 (khóa XI), việc này càng được tổ chức nghiêm túc hơn.
Tại các xã mà chúng tôi đến tìm hiểu, khảo sát là Hương Sơn, Nghĩa Phúc, Tân An, điều rất dễ nhận thấy là chất lượng đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị đã có chuyển biến rõ rệt khi nội bộ đoàn kết, cộng sự cao; hồ sơ sổ sách, biên bản sinh hoạt Đảng, chính quyền và đoàn thể được ghi chép, lưu trữ cẩn thận; nghị quyết được ban hành chuẩn bị chu đáo; kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được cấp trên đánh giá thực chất; tình trạng đơn thư khiếu nại, trong đó khiếu nại liên quan đến cán bộ giảm hẳn; các đảng bộ liên tục được xếp loại là đơn vị trong sạch vững mạnh…
Đồng chí Nguyễn Viết Hoa, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn chia sẻ: “Sau khi được đào tạo, chất lượng chuyên môn xử lý công việc của cán bộ công chức quả thật tốt hơn trước rất nhiều, chất lượng của đội ngũ cán bộ đoàn thể ở xã, xóm cũng được nâng lên. Từ đó việc lãnh đạo, chỉ đạo đưa các chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống cũng thuận lợi hơn vì được nhân dân tin tưởng, đồng thuận. Bằng chứng là mặc dù điều kiện đất bạc màu, nước tưới khó khăn và là xã có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng ở Hương Sơn không có đất bỏ hoang. Xã có những gương đảng viên làm kinh tế giỏi như ông Lang Văn Chiến, Vi Văn Hạnh… là mô hình hay để bà con học hỏi, thay đổi cách làm ăn…
Có thể nói, mặc dù còn một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn nhưng Đề án 06 về Nâng cao chất lượng cán bộ hệ thống chính trị xã, thị trấn ở Tân Kỳ giai đoạn 2011-2015 bước đầu đã tạo bước chuyển đáng kể. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phan Văn Giáp, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: “Cùng với việc ban hành , triển khai Đề án 06 , BTV Huyện ủy đã xây dựng được Hướng dẫn về nội dung, quy trình, biểu mẫu bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ sát với tình hình thực tế; sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, đánh giá thì có biện pháp xử lý rõ ràng cụ thể nên không chỉ giúp cấp trên đánh giá đúng chất lượng, uy tín cán bộ cơ sở mà còn giúp cơ sở tránh được những khúc mắc không đáng có trong công tác cán bộ, xây dựng được tinh thần đoàn kết cộng sự, đưa phong trào địa phương đi lên”.
Văn Hải