Như trăm sông đổ về một biển...

01/05/2014 17:57

(Baonghean.vn) - Những ngày này, cách đây 39 năm, như những dòng sông cuộn chảy, các cánh quân ta đã từ nhiều hướng hội quân về một điểm: Sài Gòn. Những đoàn quân tiên phong đã thần tốc hành tiến, băng băng quét sạch tàn dư cuối cùng của chế độ cũ, thu gọn giang sơn nối liền một giải.

Cùng với dòng chảy bất tận đó, có một lực lượng đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả nước, đó là Sư đoàn ô tô vận tải cơ động chiến lược 571 Anh hùng. Một ngày cuối tháng Tư lịch sử này, hơn 500 CCB của sư đoàn từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã hội quân về Quảng trường Hồ Chí Minh, về với thành phố Đỏ để cùng nhau nhớ lại một thưở hào hùng, không dễ có ai quên.

CCB Sư đoàn về báo công, dâng hoa với Bác tại quảng trường Hồ Chí Minh
CCB Sư đoàn về báo công, dâng hoa với Bác tại quảng trường Hồ Chí Minh
CCB Sư đoàn về báo công, dâng hoa với Bác tại quảng trường Hồ Chí Minh
CCB Sư đoàn về báo công, dâng hoa với Bác tại quảng trường Hồ Chí Minh

Những người CCB quả cảm sau vô lăng, dưới mưa bom bão đạn kẻ thù trên tuyến đường Hồ Chí Minh khốc liệt một thời, nay đang thanh thản trò chuyện, dạo bước đến với quảng trường mang tên Người một sáng tháng Tư nắng đẹp, an bình. Trước tượng đài Bác Hồ kính yêu, ông Nguyễn Văn Mão, Phó ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn Nghệ An và những người lính Cụ Hồ năm xưa đã xúc động tự hào báo công với Bác " Kính thưa Bác! Chúng cháu là những CBCS đã từng chiến đấu, công tác tại Sư đoàn ô tô vận tải 571 anh hùng, hôm nay về đây họp mặt để ôn lại truyền thống vẻ vang của đơn vị. Chúng cháu sẽ tiếp tục động viên nhau, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống bộ đội Trường Sơn năm xưa để vươn lên hơn nữa trên mặt trận mới".

Niềm vui dưới chân tượng đài Bác kính yêu.
Niềm vui dưới chân tượng đài Bác kính yêu.

Tại hội trường nhà khách 25 - UBND tỉnh, các "cánh quân" của Sư đoàn đã hội về gần như đông đủ. Những nụ cười rạng rỡ, những cái ôm thật chặt giữa đồng đội cũ. Giờ đây, sau những chuyến xe xuyên bão đạn một thời quả cảm, họ lại thanh thản bước bên nhau, mắt lệ nhòa hay môi nở nụ cười đều là niềm vui khôn cùng của ngày gặp lại. Cựu chiến binh Trần Bá Thành (quê ở Quảng Bình chạy bổ đến ôm chầm lấy người đồng đội cũ Lê Văn Bich (Phường Cửa Nam, TP Vinh) với những lời thảng thốt "Ua chầu chầu! Mi còn sống à? Tau tưởng mi nằm lại ở ngầm Tha Mé rồi chớ!". Hóa ra, đó là 2 người bạn cùng đơn vị, một người bị thương nằm lại, người kia hòa tiếp vào con đường tiến công đang cuộn trào. Mấy chục năm gặp lại, họ chỉ biết nắm lấy tay nhau mà không ngừng tuôn lệ.

 Hội quân dưới tượng đài Bác
Hội quân dưới tượng đài Bác

Đại tá Nguyễn Văn Minh, nguyên trưởng ban tuyên huấn Sư đoàn, đã dành cho chúng tôi vài phút bên lề ngày hội quân truyền thống. Ông tâm sự:" Là một Sư đoàn vận tải chiến lược lớn nhất toàn quân thời điểm đó, suốt chiến tranh chống Mỹ đơn vị đã đi cùng hầu hết tất cả các chiến dịch lớn, mà điểm kết cuối cùng là thời điểm 30/4 lịch sử. Tiếp đó, Sư đoàn lại đi tiếp làm nhiệm vụ quốc tế tại 2 nước bạn Lào và Cămpuchia. Bởi vậy, tình cảm của CCB Sư đoàn 571 thật khó phai mờ. Cũng vì thế cho nên, tình đồng đội qua mấy chục năm vẫn vẹn nguyên như một thời binh lửa. Bây giờ, anh em gặp lại nhau đây, vừa ôn lại truyền thống, nhưng cũng là một dịp hàn huyên, chia sẻ khó khăn cho đồng đội".

Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân.
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân.

Trong ánh nắng một sáng cuối tháng Tư, địa điểm hội quân như sáng bừng lên bởi biết bao lời nói, những câu chuyện tâm sự. Có rất nhiều mái đầu đã bạc, trong trang phục quân đội với hàng huân, huy chương ghi dấu chiến công, nhưng cũng có không ít người khiêm nhường trong trang phục đời thường. Nhưng sâu thẳm, từ trong ánh mắt, trong trái tim của họ, tôi thấy đều sáng lên một niềm kiêu hãnh: Bộ đội Cụ Hồ. Trước giờ gặp mặt, những người lính năm xưa kiêu hãnh với trang phục chỉnh tề, lấp lánh huân huy chương trên ngực. từng tốp đồng đội cũ môt thời ôm nhau, tay trong tay mừng vui hàn huyên về môt thời máu lửa. Cũng những khoảng lặng ngậm ngùi khi nhắc về người đồng đội thân yêu đã mãi mãi đi xa nơi một phía chiến trường xa vời vợi, có ai đó khẽ thổn thức khi di cốt đồng đội vẫn chưa được tìm thấy để đưa về nơi ấm áp đất mẹ quê hương.

"Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành"

Thật ngạc nhiên khi tôi gặp ở nơi đây có rất nhiều gương mặt thân quen, bình dị quanh mình mà đến giờ mới được biết họ đều là những chiến sỹ vận tải quả cảm của Sư đoàn. Đó là dượng Hoài tôi, là mấy bác CCB trong xóm nhỏ nơi tôi ở, là đồng chí Phạm Anh Tuấn, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh, là AHLLVT Phan Văn Quý, Tổng giám đốc Tập đoàn kinh tế Thái bình Dương. Dù với cương vị nào, giờ đây, họ cùng ngồi lại bên nhau, như những ngày xưa, chung cabin hay trên một tuyến đường hướng về tiền tuyến. Chen giữa hàng quân CCB chững chạc với những mái đầu hoa râm, có một "nhân vật" rất lạ trong trang phục thiếu sinh quân với cầu vai đỏ chói. Đó chính là em La Thị Ánh Hồng, học sinh trường thiếu sinh quân Hoàng Hoa Thám (Sơn Tây-Hà Nội). Em theo bố là CCB La Văn Quyết (Đông Hương-TP Thanh Hóa), nguyên công tác tại Sư đoàn bộ Sư đoàn 571 cùng về hội quân. Nhìn Ánh Hồng non nớt nhưng chững chạc giữa những bóng cả trận mạc một thời, câu thơ ngày ấy như trở nên đẹp biết hơn bao giờ hết "Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành".

Những nữ duyên dáng một thưở CCB của Sư đoàn
Những nữ duyên dáng một thưở CCB của Sư đoàn

Lần giở những trang sử vàng, chúng tôi được biết thêm về một góc trong rất nhiều chiến công của đơn vị. Sư đoàn 571 và sư đoàn 471 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và là 2 sư đoàn vận tải chiến lược quan trọng của Binh đoàn Trường Sơn trong suốt những năm đánh Mỹ. Được thành lập vào ngày 12/7/1973 theo yêu cầu của cục diện chiến trường lúc đó, Sư đoàn đã tham dự hầu hết các chiến dịch trong chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng với các đơn vị khác, Sư đoàn đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc.

Trong những ngày cuối tháng 4/1975, các đơn vị ô tô của Sư đoàn 571 đã cơ động hàng chục ngàn quân của các quân đoàn đánh thẳng vào thành phố Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh biệt khu Sài Gòn...Với lực lượng gần 1 vạn CBCS, 2.600 xe vận tải, trong suốt thời gian chiến đấu và xây dựng trong chiến trường, đã không có một chiến dịch nào mà Sư đoàn không tham gia, không có tuyến đường nào của Trường Sơn đông nắng tây mưa mà xe của Sư đoàn không tới. Những trọng điểm Seng Phan, Cổng Trời, Ta Lê, đèo Phu La Nhích, ngầm Bạc, đèo Văng Mu, ngầm Tha Mé...đã in dấu của những người lính và hàng đoàn xe quả cảm của Sư đoàn.

Trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn đã sử dụng trên 2.000 ô tô vận chuyển vũ khí, thần tốc cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài. Trên hướng đường 1, cơ động tiếp Quân đoàn 2, vừa hành tiến vừa đánh địch giải phóng các tỉnh ven biển miền Duyên Hải, nhanh chóng áp sát Sài Gòn đánh vào trung tâm sào huyệt địch. Trong rất nhiều tấm gương những chiến sỹ lái xe quả cảm, có lái xe Dương Quang Lựa, thuộc Trung đoàn 512 đã cơ động lực lượng chiến đấu thọc sâu cùng với đội hình xe tăng của Lũ đoàn 203 Quân đoàn 2 vượt qua nhiều phòng tuyến, ổ đề kháng của địch đánh chiếm dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975. Đây là xe ô tô vận tải quân sự đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập trong giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc. Vì những chiến công tự hào đó, ngày 3/6/1976, tập thể Sư đoàn, 8 tiểu đoàn, 4 đại đội và 7 CBCS của Sư đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Trải qua biết bao năm tháng tự hào, những người lính Trường sơn năm xưa trên mọi miền tổ quốc, các khu vực... vẫn tổ chức gặp mặt để "sống mãi" với một thời mưa bom bão đạn, phát huy truyền thống "Người chiến sỹ Trường sơn anh hùng và Người chiến sỹ lái xe của Sư đoàn thép". Trở về với đời thường dung dị, vơi nhiều cương vị, công việc khác nhau, nhưng người lính của Sư đoàn 571 vẫn luôn xứng đáng với danh hiệu "Gan vàng dạ ngọc", "Tuấn mã", "Quả đấm thép của tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh".

Đại tá CCB Hoàng Công Định, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 13 kể rằng: "Hồi đó, chúng tôi luôn nghĩ, chưa thống nhất thì chưa rời mặt trận. Nhớ về những ngày tháng đó, tôi vẫn có cảm giác rưng rưng. Có những trọng điểm cứ 15 phút, địch lại dội xuống một trận bom. Tôi còn nhớ, mùng 1 Tết năm 1968, tại khu vực Na Tông, Xavanakhet (Lào), bom địch thả xuống đơn vị làm 2 lính nuôi quân hy sinh, tôi nhận nhiệm vụ đưa đồng đội đi chôn cất. Vừa tới nơi thì bom lại dội xuống, tôi cùng xác 2 đồng đội nằm chồng lên nhau dưới hố chôn. Sau này, tôi luôn nhớ đến giây phút ấy để thấy mình quá may mắn khi có cơ hội trở về".

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi trọn vẹn nhiệm vụ lịch sử lớn lao, những người lính, người anh hùng năm xưa lại trở về bình dị giữa nhân dân. Bây giờ, giữa cuộc sống đời thường, nét trận mạc hào hùng như đã lặn vào trong tâm khảm, chỉ khi gặp lại đồng đội cũ, chuyện xưa mới trở lại tuôn trào. Nhưng không hiểu sao, ngồi cạnh họ, tôi vẫn như đang thấy trước mắt là những lá cờ nhuốm đen khói súng trên những đoàn xe tăng đang hành tiến, cờ trong tay những đoàn quân rầm rập tiến về, dưới lồng lộng bầu trời đã quang bóng thù và câu hát chợt vút cao "...Ta đi trong muôn ánh sao vàng..."

Công Mạnh