Để vợi bớt nỗi đau
(Baonghean) - Cuộc chiến đã đi qua, nhưng nỗi đau mang tên da cam vẫn còn âm ỉ. Bằng những việc làm thiết thực, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam Quỳnh Lưu đã tích cực hỗ trợ, động viên hội viên xoa dịu nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nhữ Xuân Hùng đã ở tuổi xưa nay hiếm (81 tuổi) mừng vui đón khách xa đến thăm, trong căn nhà tình nghĩa khang trang thơm mùi ngói mới, xúc động cho biết: “Gia đình hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng xoay xở vất vả cũng chỉ đủ ăn qua ngày, sống trong ngôi nhà làm bằng vữa và vôi đã xuống cấp trầm trọng, phải chạy mưa, tránh bão. Được sự hỗ trợ của hội nạn nhân chất độc da cam, đến tuổi gần đất xa trời, vợ chồng tôi đã có thể yên tâm khi hoàn thành tâm nguyện có một ngôi nhà nhỏ làm chỗ nương thân”.
Năm 1958, từ xã Quỳnh Hoa, theo tiếng gọi đất nước, chàng trai trẻ Nhữ Xuân Hùng lên đường nhập ngũ. 8 năm hoạt động tại chiến trường miền Tây Thừa Thiên - Huế, một trong những trọng điểm ác liệt địch thả chất độc hóa học. Trở về quê hương đoàn tụ gia đình, nhưng sức khỏe yếu đi. Với triệu chứng lạ, răng gãy vụn, tóc rụng, bị những cơn đau hành hạ… Đi kiểm tra, biết mình bị nhiễm chất độc da cam, ông nghẹn ngào với nỗi đau vĩnh viễn mất đi quyền làm cha. Được sự quan tâm, hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, xã hỗ trợ 40 triệu đồng xây cho ông Hùng ngôi nhà mới, hoàn thành vào tháng 10/2013.
Xã Quỳnh Hoa hiện có 27 đối tượng nạn nhân chất độc da cam, trong đó, 12 người nhiễm trực tiếp, 15 người thuộc thế hệ con, cháu bị di chứng, hầu hết trong số này mang nhiều bệnh tật, dị dạng. Ông Phan Thanh Kỳ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoa cho biết: “Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam như: hỗ trợ nhà ở, vay vốn sản xuất… Nhờ các hoạt động tích cực đó, đến nay, đời sống của các gia đình nạn nhân đã bớt khó khăn hơn nhiều”.
Rời căn nhà tình nghĩa ấm áp, chúng tôi đến xóm 6, xã Quỳnh Văn. Sinh ra không may mắn như bao đứa trẻ khác, di chứng chất độc da cam đã làm cho Đậu Thị Nga - cô gái ngoài 30 nhưng hình hài vẫn nhỏ bé, yếu ớt với đôi chân và cánh tay tật nguyền. Được sự giúp đỡ của hội nạn nhân chất độc da cam, năm 2012, Nga ra Thủ đô theo học lớp dạy nghề thêu và làm tranh giấy cuộn. Nhờ khéo tay nên chỉ mấy tháng, em đã học được nghề. Hiện trong ngôi nhà của Hội xây tặng, Nga trở thành “nghệ nhân” truyền lại nghề cho các bạn cùng cảnh ngộ.
Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Văn tặng quà em Đậu Thị Nga. |
Từ sự hỗ trợ của các tổ chức hội, đã có nhiều tấm gương nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, tiêu biểu là trường hợp ông Bùi Ngọc Ấn, xóm 11, xã Quỳnh Hoa. Từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Bình – Trị - Thiên từ năm 1968, xuất ngũ năm 1976, ông Ấn trở về địa phương với 5 mảnh đạn và 1 viên bi mà không biết mình đã bị phơi nhiễm chất độc dioxin. Ông chỉ nhận ra điều này sau khi lập gia đình và có 3 người con, trong đó có một người con gái bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ. Bản thân ông và các con thường xuyên bị những cơn đau hành hạ, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Vượt qua nỗi đau, được sự động viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Lưu, ông mạnh dạn đầu tư nuôi ong. Từ một vài thùng ong, ông dần nhân lên 5, 10 thùng. Qua các năm, số lượng không ngừng tăng lên. Đến nay, cựu chiến binh Bùi Ngọc Ấn đã có gần 100 thùng ong, sản lượng mật thu hoạch đạt 200 lít/năm. Với khoảng 200 lít mật đó, cộng cả tiền bán ong giống, mỗi năm, ông Ấn thu nhập trên dưới 150 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở nuôi ong của ông còn là địa chỉ giúp đỡ bà con trong vùng về kỹ thuật nuôi. Ông Ấn tâm sự: “Sự động viên, chia sẻ của Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện, xã đã tạo thêm động lực cho tôi vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển sản xuất, tiếp nhận nhiều hơn lao động là con em nạn nhân chất độc da cam”.
Với vai trò là chỗ dựa cho các nạn nhân, là cầu nối giữa các tấm lòng hảo tâm với những nỗi đau, những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Quỳnh Lưu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ ngày thành lập đến nay, hội duy trì và không ngừng phát triển. Hiện, toàn huyện đã có 19/33 xã thành lập được hội nạn nhân chất độc da cam. Hiện toàn huyện có 638 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được hưởng chế độ, trong đó có 340 người bị nhiễm trực tiếp do tham gia kháng chiến, số còn lại là con, cháu của những đối tượng trên. Trong đó, 126 hộ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, 198 cháu bị dị dạng không đủ khả năng phục vụ bản thân cần giúp đỡ.
Với mục đích chia sẻ những khó khăn và xoa dịu “nỗi đau da cam”, hội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm động viên, giúp đỡ các nạn nhân như, tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp xây dựng Quỹ hội với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ nguồn tiền trên, các cấp hội đã hỗ trợ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức khác nhau như: tặng quà trong nhân các ngày lễ, tết; hỗ trợ sửa chữa và xây nhà, giúp vốn sản xuất; trợ cấp lúc khó khăn… Đến nay, các cấp hội đã vận động ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được trên 2 tỷ đồng. Từ số tiền trên, các cấp hội đã tặng 1.120 suất quà trong dịp lễ, Tết trị giá trên 500 triệu đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 34 nhà cho nạn nhân chất độc da cam với số tiền hơn 700 triệu đồng; giúp đỡ 17 hộ khó khăn về điều kiện sản xuất, trung bình mỗi hộ 5 triệu đồng…
Ông Nguyễn Sỹ Bảy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cho biết: “Thời gian tới, chủ trương của Hội là kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của từng gia đình và của chính nạn nhân chất độc da cam. Vì thế, để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, cần lắm những tấm lòng nhân ái, những trái tim yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, để những con người không may mắn có thêm nghị lực và niềm tin, chiến thắng số phận để nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Phạm Ngân