Trăn trở cùng Đà Lam

02/10/2014 19:46

(Baonghean) - Biết tôi về Làng nghề đan lát Đà Lam, cán bộ xã Đà Sơn “gàn” lại: làng nghề bây giờ đang giai đoạn “chết yểu”, chứ có còn nhộn nhịp, “sống khỏe” như trước nữa đâu. Nói vậy, nhưng anh Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã vẫn cử người đưa tôi về làng nghề. Vừa tới con đường nhựa ngay đầu làng, ông Hòa (cán bộ ban văn hóa xã) nói với tôi: Khi nghề đan lát của làng Đà Lam đang thịnh, vừa đến đầu làng đã nghe tiếng gõ cóc cách, rôm rả lắm, nhà nhà làm nghề, người người có việc làm. Con đường làng ngày nào cũng có xe vận tải đến “ăn” hàng, chuyển đến khắp mọi nơi...

Mở đầu câu chuyện, ông Trần Đăng Văn - Xóm trưởng, thổ lộ: Nhà báo viết bài làm chi nữa, làng hiện nay đúng chỉ còn 1 hộ làm nghề là đan phên, còn lại chuyển sang làm nghề khác kiếm sống. Không ai ngờ, cái nghề thịnh vượng của làng, một thời ăn nên làm ra, mọi thứ chi tiêu hàng ngày, con cái học hành đều nhìn vào cái phên nứa, bỗng dưng “tắt lịm”, khiến ai cũng hụt hẫng. Sau một hồi trầm ngâm, ông Hải cho biết: Xóm này, trước đây gọi là xóm Bụt Đà. Từ sau cách mạng tháng 8/1945, đổi tên thành xóm Đà Lam. Sở dĩ ông cha đổi tên làng là Đà Lam, bởi làng nằm sát với dòng sông Lam. Có đường sông nên việc vận chuyển tre, nứa từ rừng sâu về làng thuận tiện. Người dân nơi đây từ đời ông cha đã biết sử dụng cây nứa để đan lát thành nhiều sản phẩm dân dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Cách đây hàng chục năm, nông dân ta thường dùng tấm phên nứa thưng nhà, mùa màng về thì dùng bồ đựng lúa, dùng rèm che mưa trước hiên nhà, gàu tát nước... tất cả đều làm từ thân cây nứa, người dân Đà Lam khi đó đã biết làm ra các sản phẩm này, đem bán cho người dân từ Diễn Châu ra Quỳnh Lưu, lên Yên Thành... Nông dân ta trước đây làm gì xây được tường như bây giờ, nên phên nứa làm không đủ bán, các vật dụng khác cũng vậy. Đến khi lò gạch ngói đua nhau mọc lên, người dân xây tường nhà, người dân Đà Lam chuyển sang đan phên che gạch ngói. Lúc đó, nhà nhà làm nghề, người người làm nghề, hàng ngày số lượng nứa từ rừng về làng tấp nập, cảnh bà con đan lát nhộn nhịp, từ trẻ em lên 10 tuổi đến người già, ai cũng có việc làm. Nghề đan lát phần lớn là công việc nhẹ, nên trẻ em và người già cũng có thể tham gia giúp việc. Đến năm 2005, xóm được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề đan lát Đà Lam. Bà con trong xóm mừng vô kể, vì làng được Nhà nước đầu tư làm đường nhựa về xóm, được tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp. Như được tiếp thêm động lực, vì thế không khí làm nghề của bà con ngày càng sôi nổi. Có nghề phụ, nhà nào cũng có thu nhập đều đặn hàng ngày. Đầu năm 2010, Chính phủ ra quyết định cấm sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công, nghề đan lát phên, nứa cũng mất dần vị thế lao động làng nghề không có việc làm. Không chịu bó tay trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, người dân Đà Lam vẫn cố duy trì nghề, lớp thanh niên tìm cho mình nghề khác.

Đà Lam 100% số hộ là giáo dân, từ xưa đến nay sống bằng nghề phụ là chính, mỗi nhân khẩu chỉ được 7 thước ruộng? Bây giờ, nghề đan lát không còn, người dân quay sang làm nghề đóng trần nhà, có một số hộ vẫn giữ nghề đan lát, sản phẩm là gàu tát nước, lồng gà. Nghề đóng trần nhà chiếm nhiều lao động nhất. Hiện tại, trong làng có 10 - 15 ông chủ chuyên đi nhận các công trình, họ đầu tư mua các loại gỗ thông dụng, như xoan đâu, dổi, thuê thợ là con em trong làng đi làm công. Đàn ông, con trai làm nghề chính, phụ nữ theo đi đánh giấy nhám, nghề này tạo việc làm cho khoảng 200 lao động trong làng.

Qua con đê ven sông Lam, chúng tôi đến gia đình ông Trần Quốc Đức, người duy nhất đang làm nghề đan phên. Từ đầu con ngõ, đã thấy những bó nứa nằm bên triền đê, từ sân nhà ra tới ngõ là màu trắng của phên nằm phơi nắng. Bên trong cái lán được lợp bằng tấm pro xi măng, có gần 10 người đang làm các công đoạn để cho ra sản phẩm, là những tấm phên nứa. Hỏi chuyện, ông Đức bộc bạch: Nứa mua về, đang tươi nguyên, đo đủ kích thước chiều dài, tề bằng, dùng dùi vồ đập bẹp, sau đó mới đan thành phên. Mỗi tấm phên rộng gần 60 cm, dài hơn 3m, được đan long mốt. Ngoài 2 vợ chồng, còn thuê 6 người trong xóm làm công. Ngày trước, sản phẩm bán cho các lò gạch, ngói trong tỉnh. Từ ngày nhà nước cấm lò gạch thủ công đến nay, ngoài Hà Tây và Hải Dương vẫn còn một số nơi sử dụng lò gạch thủ công, sản phẩm được chuyển đến đó bán. Làm tất bật, khi nào gần 2 nghìn chiếc, thuê một chuyến ô tô vận chuyển ra nhập. Mỗi chiếc phên bán với giá 20 nghìn đồng, trừ toàn bộ chi phí, còn lãi khoảng 3 - 4 nghìn đồng. Bà Trần Thị Hòa, người đan phên cho ông Đức cho biết: Từ ngày làng có nghề đan lát, cả hai vợ chồng đều làm nghề. Nhờ có nghề này mà vợ chồng nuôi được 3 người con ăn học hết lớp 12. Bây giờ, các con đã trưởng thành, nhưng hàng ngày bà vẫn nhận công làm cho ông Đức, tiền công tính theo sản phẩm, ngày nào ít được 100 nghìn đồng, nhiều là 120 nghìn đồng. Nhờ có nguồn thu nhập này, gia đình trang trải cuộc sống, nếu không có nghề phụ, chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sản phẩm của Làng nghề đan lát Đà Lam.
Sản phẩm của Làng nghề đan lát Đà Lam.

Ngồi cạnh bà Hòa là cụ Nguyễn Thị Vinh, hơn 70 tuổi. Cụ Vinh là mẹ của ông chủ Trần Quốc Đức. Không còn đủ sức để đan lát, cụ vẫn giúp con nhặt những đoạn nứa đầu thừa đuôi thẹo, bó lại, cái nào dùng để làm thanh ngang thì để dành, nếu không phơi khô làm củi. Cụ Vinh móm mém: Từ khi lớn lên, cụ đã biết nghề đan lát, bây giờ dù già yếu, các con không cho làm, cụ vẫn muốn làm cho khuây khỏa. Nghề đan lát này trẻ em ngoài 10 tuổi đã biết làm nghề và người già cũng có thể giúp được việc. Hồi nghề đan lát của làng đang thịnh, không khí làm ăn vui nhộn, nhà nào cũng có tiền thu hàng ngày. Mong sao, Làng nghề đan lát Đà Lam chuyển đổi được nghề khác, tạo việc làm cho bà con.

Tìm hiểu qua ông Đức được biết, nghề đan phên không cầu kỳ, phức tạp như các nghề truyền thống khác. Nứa tươi mua về, tề bằng theo chiều dài của phên, dùng búa, hoặc dùi vồ đập bẹp, không cần lau chuốt gì hết, kỹ thuật đan đơn giản là long mốt. Sản phẩm làm ra mang đi bán ngay, nếu không để lâu phên sẽ bị mốc, khách hàng người ta chê. Nếu phên bị mốc, đem phơi nắng ngay. Tốt nhất, phên đang tươi thì sử dụng mới được lâu bền.

Phên được phơi nắng chống mốc.
Phên được phơi nắng chống mốc.

Ngoài hộ ông Đức làm nghề đan phên, trong xóm còn có một số hộ vẫn duy trì nghề đan dân dụng như gàu tát nước, rèm che, phên cửa sổ, lồng nuôi gà chọi... Những sản phẩm này sức tiêu thụ không mạnh, nhưng vẫn còn bán được. Ông Nguyễn Công Tính chuyên đan chuồng gà cho biết, lồng gà chọi đan đơn giản, đường kính gần 1m, cao 80cm, chỉ cần sử dụng 2 cây nứa là đủ. Mỗi ngày, ông Tính đan được 4 chiếc lồng, bán nhập cho các ky ốt 40.000 đồng/chiếc, trừ chi phí còn lãi 25.000 đồng. Nghề đan lát tiện lợi ở chỗ, tận dụng thời gian nhàn rỗi cũng có thể làm được. Vì vậy, thời gian nông nhàn không khó để kiếm được đồng tiền.

Trở lại quá khứ, nghề đan lát thực sự đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân Đà Lam từ bao đời. Điều đó minh chứng rằng, người dân nơi đây cần cù, chịu khó, làm ra những sản phẩm gần gũi với người nông dân. Do vậy, khi nghề đan lát bị mai một, người dân Đà Lam hụt hẫng như mất đi một cái gì đó có giá trị rất lớn về vật chất lẫn tinh thần. Minh chứng cho điều này, ông xóm trưởng cho biết, trong xóm hiện chỉ còn 6/141 hộ nghèo, chủ yếu rơi vào những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, ốm đau, bệnh tật, già yếu. Thành tích đó, phần lớn do nghề phụ mang lại, còn đối với nghề nông chỉ no cơm mà thôi.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay nghề đan lát là nghề thủ công truyền thống của làng Đà Lam đang bị mai một, trông thấy người dân đang lao đao bởi không có việc làm lúc nông nhàn. Nguyên nhân chính là lò gạch ngói bằng thủ công không còn tồn tại, một nguyên nhân khác khiến Làng nghề đan lát Đà Lam khó chuyển đổi nghề là ngày nay cuộc sống hiện đại với những đồ dùng bằng kim loại, nhựa, với giá rẻ, tiện dụng, như rổ, rá... đã ảnh hưởng đến nghề đan lát. Vì vậy, đã có lúc nghĩ đến sản phẩm rổ, rá, thúng mủng... nhưng khó thể cạnh tranh được thị trường. Làng nghề đan lát Đà Lam cần có một dự án để chuyển đổi nghề cho phù hợp, nhằm khuyến khích, hỗ trợ giúp bà con bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống này...

Xuân Hoàng