Ai cũng là người hùng
(Baonghean) - Hồi bé mình rất mê xem phim siêu nhân, siêu anh hùng. Nói chung là các thể loại nhân vật có năng lực thần kỳ, đứng ra giải cứu thế giới. Hình như đứa trẻ nào cũng thế, cũng từng ước mơ ngây ngô rằng có một ngày sẽ gánh cả trái đất trên vai, trở thành người hùng của nhân loại. Ngộ nghĩnh một cách đáng quý, đáng yêu bởi vì tư tưởng "sống có trách nhiệm" đó xuất phát từ thiện căn của mỗi người.
Gần đây mình có nói chuyện với một người bạn, nghe tin mình về nước hẳn, lại còn về quê chứ không làm việc ở các thành phố lớn, đã bĩu môi bảo mình là không có chí tiến thủ. Mình cũng chỉ gật gù, khiêm nhường trả lời rằng dù ở đâu, làm gì, miễn là được làm điều mình thích lại có ích cho xã hội là tốt rồi. Anh bạn mình đập bàn đập ghế om sòm, giảng giải một thôi một hồi rằng mỗi người phải khai thác hết khả năng của mình, hướng đến vị trí cao nhất có thể, đó mới là sống có trách nhiệm và phục vụ xã hội. Nói đoạn, anh kết luận:"Cậu nghĩ xem, phải có người vĩ đại như Bác Hồ thì mới có đất nước hôm nay. Thời đại nào cũng cần người đi tiên phong, nếu cậu có khả năng, đó nghiễm nhiên là trách nhiệm, là sứ mệnh của cậu. Không thể vì chiều chuộng sự lười biếng, đớn hèn của bản thân mà làm lỡ mất cơ hội tiến lên của xã hội được đâu!"
Mình nghĩ rằng xã hội này không thể chỉ là trách nhiệm của 1 hay một vài cá nhân, dù cho họ có xuất sắc đến thế nào đi chăng nữa. Một xã hội chỉ có thể tiến lên khi tất cả cùng tiến lên. Hãy nhìn một số quốc gia dầu mỏ, dù thu nhập bình quân có cao nhưng vẫn chưa hẳn là nước phát triển bởi vẻ hào nhoáng có được nhờ một số ưu đãi của tự nhiên đó không che lấp được yếu kém trong các mặt khác của xã hội. Một xã hội tiên tiến cần hướng đến sự phát triển hài hoà, hơn là việc có những cá nhân nổi trội hơn hẳn số còn lại. "Đấng cứu thế" là một cái gì đó quá đỗi xa xôi và ảo tưởng. Bởi, kể cả nếu ta có là đấng cứu thế đi chăng nữa, liệu có sức mạnh siêu nhiên nào có thể vực dậy nổi một xã hội trì trệ, lạc hậu đến vô cùng đây?
Mình rất có lòng tin vào quyết định của bản thân, bởi đóng góp cho xã hội ở những góc khuất, những nơi thiếu thốn nhất của nó cũng là một trách nhiệm cao cả vậy. Chúng ta không thể hoài bão cái gì quá lớn lao trên một nền móng lỏng lẻo. Góp một viên gạch nhỏ vào nền tảng cho xã hội lớn, trách nhiệm đó không hề nhỏ. Mà theo mình thì chẳng có trách nhiệm nào là nhỏ, một người lao công cũng quan trọng và đáng quý ngang với một ông giám đốc. Nhận thức được điều đó, tự có ý thức làm tốt, sống tốt phần của mình, chỉ cần cả xã hội ai cũng làm được như thế thì chúng ta chẳng cần trông mong vào đấng cứu thế nào nữa.
Khi ôn lại quá khứ, chúng ta thường khắc sâu một vài cái tên, một vài mốc sự kiện, kèm theo đó là những mỹ từ như "người làm nên lịch sử", "khoảnh khắc lịch sử". Theo ý kiến chủ quan của mình, đó là một sự sàng lọc đã qua chọn lựa nhằm giúp chúng ta "tốc ký", tóm lược được quá trình hình thành, phát triển của xã hội. Bởi lịch sử là một cỗ máy cần nhiều người và cả một quá trình để vận hành. Làm gì có bộ nhớ nào đủ lớn để chứa hết lượng dữ liệu khổng lồ đó? Ngay lúc này, ngay tại đây, mỗi chúng ta chính là một mảnh ghép của lịch sử nhân loại. Có thể được nhắc đến hay không trên sách vở, liệu có quá quan trọng?
Có người thì coi đó là lối sống an phận thủ thường, người thì cho là sự nhu nhược thụ động. Còn mình cho rằng đó là lối sống thực tế và thực chất, làm những gì cần làm, sống theo cách nên sống, đặt ra mục tiêu và lý tưởng của bản thân chứ đừng theo đuổi những điều quá xa vời. Có thể mình không là người hùng giải phóng dân tộc mà là một anh thanh niên xung phong vô danh trong lịch sử, vậy thì có hề gì?
Hải Triều
(Email từ Paris)